xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số

10/07/2019 | 5:37

Nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới là thuật ngữ chúng ta được nghe nhiều trong những năm gần đây, từ khi có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ khi có Quyết định số 491/QĐ- TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

1.Về các vấn đề chủ trương, chính sách nêu lên trong văn kiện Đại Toàn quốc lần thứ V

Vấn đề “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” (ĐSVHCS) đã được nêu lên trong văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V của Đảng (năm 1981): Một nhiệm vụ của cách mạng tư tưởng và văn hoá là đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, lâm trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, phường, ấp, hợp tác xã đều có đời sống văn hoá.

Cụ thể hoá chủ trương này Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là (nay Chính phủ) đã ra Quyết định số 159/HĐBT ngày 19 tháng 12 năm 1983 nêu rõ: Từ nay đến 1985 phải đảm bảo cho phần lớn đơn vị cơ sở đều có hoạt động văn hoá, nhân dân lao động đựợc đọc báo, nghe đài, xem phim, xem nghệ thuật. Đặc biệt chú ý các vùng cao và biên giới. Theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cần củng cố và xây dựng các cơ sở văn hoá ở cấp tỉnh và huyện: Nhà văn hoá, thư viện, rạp chiếu bóng, bảo tàng, triển lãm….ở phường, xã hay cụm kinh tế-kỹ thuật, từng bước xây dựng cơ sở văn hoá tuỳ theo thực tế cơ sở.

Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII “…làm cho văn hóa thâm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đặc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”. Mục tiêu cụ thể – Nghị quyết số 33/NQ-TƯ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước Hội nghị BCHTW 9, khóa XI (6/2014):“Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.”

Nguồn: internet

Nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới là thuật ngữ chúng ta được nghe nhiều trong những năm gần đây, từ khi có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ khi có Quyết định số 491/QĐ- TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Một trong các quan điểm về xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được xác định trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 7, khóa X xác định:

“- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

– Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.”

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về 19 tiêu chí về Nông thôn mới. Tiêu chí số 16 về văn hóa đã chỉ ra “xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VHTTDL”.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới là một vấn đề không thể không quan tâm trong hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình hội nhập, kinh tế thị trường, phát triển của đất nước hiện nay. Đây có thể nói là sự biểu hiện “2 mặt của một vấn đề” trong cùng một mục tiêu phát triển hướng vào đối tượng nông thôn, nông nghiệp, nông dân.Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là thực hiện một nhiệm vụ văn hóa hướng tới các kết quả hoạt động vì nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các thôn, làng, xã trước khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới không nằm ngoài các nội dung xây dựng “làng văn hóa” thuộc nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên khi đặt tiêu chí đó trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới thì nội dung văn hóa thuộc nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đảm bảo tính bền vững và gia tăng chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống ở vùng nông thôn.

Các quan điểm, chính sách xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng nông thôn mới là biểu hiện cụ thể của sự đổi mới tư duy, nhận thức sát hợp với yêu cầu thực tiễn hơn trong các “quốc sách” của Đảng và Nhà nước ta.Đó là một hướng tiếp cận lãnh đạo, quản lý văn hóa – xã hội, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh và xu thế vận động mới của đất nước và là đòi hỏi tất yếu của tình hình thực tiễn đặt ra.

2. Đặc điểm đời sống, văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số với việc thực hiện các mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới

2.1. Đặc điểm đời sống ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số (DTTS)

Đời sống văn hóa cơ sở là một loại quan niệm khi nhìn văn hóa dưới góc độ quản lý, nhằm thực hiện một mục tiêu về quan điểm, tác động của chính sách của một tổ chức chính trị, chính quyền hướng tới một đối tượng nhất định được xem là “cơ sở” mà ở đó có các nhóm chủ thể văn hóa nhất định.

“Đời sống văn hóa cơ sở” của các tộc người thiểu số, các vùng miên núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…là sự hiện diện, tồn tại và phát triển của đời sống kinh tế, vật chất, tinh thần trong toàn bộ hoạt động xã hội đáp ứng nhu cầu của con người. Theo quan niệm chung hiện nay ĐSVHCS gồm các yếu tố :Văn hóa vật thể, phi vật thể tồn tại ở mỗi cộng đồng – Cảnh quan văn hóa – văn hóa cá nhân ở mỗi cộng đồng – văn hóa của các “tế bào” trong mỗi cộng đồng (gia đình, nhà trường, đơn vị, cơ quan…). Nói cách khác ĐSVH là một bộ phận của đời sống xã hội, gồm tổng thể những yếu tố hoạt động văn hóa vật chất và tinh thần, những tác động qua lại lần nhau trong đới sống xã hội để tạo ra những quan hệ văn hóa trong cộng đồng, trực tiếp hình thành nhân cách và lối sống con người. ĐSVH bao gồm những nội dung không tách rời các lĩnh vực của đời sống xã hội và các yêu tố cơ bản tạo nên văn hóa.

Do các yếu tố về địa lý, môi trường, trình độ phát triển, lịch sử, văn hóa và đời sống văn hóa nói chung ở “cơ sở” nói riêng của các tộc người thiểu số các vùng miền ở nước ta có những đặc điểm riêng:

– Sự khác biệt và những giá trị tạo nên bản sắc về văn hóa vật thể (kiến trúc, ẩm thực, trang phục…), văn hóa phi vật thể (tôn giáo, tín ngương, lễ hội, nghệ thuật dân gian…) giàu  cá tính ở mỗi tộc người, vùng văn hóa.

– Sự đa dạng về cảnh quan văn hóa của mỗi tộc người, vùng miền gắn với không gian tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn do các thế hệ tạo dựng qua hàng ngàn năm lịch sử (Tây Bắc, Miền Trung- Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…).

– Nếp sống, ứng xử xã hội trong đời sống gia đình, cộng đồng của các tộc người rất phong phí và đa dạng, phản ánh hệ quả các quan niệm sống của các tộc người trong quá trình phát triển xã hội gắn với các loại hình kinh tế và  lịch sử;

– Lối sống, nếp sống của gia dình, dòng họ, công đồng tạo dựng nên tâm lý, nhân cách văn hóa của các cá nhân trong mỗi cộng đồng tộc người.

Các yếu tố trên đây tạo nên những đặc điểm trong đời sống của các cộng đồng dân cư (làng, bản, bon , buôn, plây, srốc…). dòng họ, gia đình (mẫu hệ, phụ hệ, song hệ), nó chi phối và tạo nên những lối sống rất đa dạng và phong phú trong đời sống ở cơ sở của các tộc người thiểu số ở nước ta trên khắp mọi miền đất nước.

Nguồn: internet

2.2. Mối quan hệ giữa đặc điểm đời sống ở cơ sở vùng DTTS với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn

Đến đầu thế kỷ XXI này, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam  trong lịch sử mang đặc điểm kinh tế, xã hôi, văn hóa gắn với tiến trình dựng nước và giữ nước. Nói Nông thôn mới là nói đến những vấn đề kinh tế nông nghiệp, đến các vấn đề văn hóa, xã hội của những người nông dân đồng bằng, trung du, miền núi và vùng dân tộc đã và đang là đối tượng tác động trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay.Văn hóa Việt Nam trên một bình diện nhất định cơ bản là văn hóa làng xã- văn hóa nông thôn. Vấn đề văn hóa làng xã người Kinh vùng đồng bằng và các Dân tộc thiểu số khu vực trung du, miền núi…được tiếp cận trên nhiều góc độ. Văn hóa nông thôn là môt thành tố của văn hóa Việt Nam, là hệ quả của tư duy, lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc đa số và thiểu trên lãnh thổ quốc gia tạo nên „cánh quan sinh thái nhân văn” – nơi cư trú, làm ăn, quan hệ xã hội, sinh hoạt văn hóa của người nông dân nơi thôn dã không như lối sống, làm ăn…của cư dân đô thị.

Việc nhận thức về nông thôn mới, văn hóa nông thôn qua các giai đoạn có những khác biệt tùy từng góc nhìn. Trong điều kiện phát triển đất nước theo hướng Công nghiệp hóa, Đô thị hóa, Hội nhập quốc tế… hiện nay, nông thôn được quan niệm là:“ Khu vực dân cư tập trung chủ yếu làm nghề nông; phân biệt với thành thị” hoặc „là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Uỷ ban nhân dân xã”. Nông thôn Việt Nam có những đặc điểm riêng so với các quốc gia trên thế giới. Nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có những đặc điểm khác với nông thôn vùng đồng bằng. Nông thôn các vùng đồng bào DTTS địa bàn cư trú, sinh sống, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội…mang những đặc trưng gắn với đặc điểm của môi trường, điều kiện tự nhiên, loại hình hoạt động kinh tế, tập quán văn hóa xã hội hình thành từ lâu đời. Trình độ phát triển về kinh tế- xã hội nông thôn vùng DTTS phản ánh sự đa dạng về văn hóa, lối sống, sự phát triển không đồng đều về kinh tế-xã hội với những truyền thống, tập tục vừa mang những giá trị tích cực, vừa tồn tại những yếu tố hạn chế đến sự hội nhập, phát triển.

Tiêu chí về văn hóa trong  xây dựng nông thôn mới nói chung và  ở vùng đồng bào DTTS nói riêng không chỉ là “tiêu chí”cụ thể trong hệ thống các nhiệm vụ phấn đấu xây dựng nông thôn mới mà còn là sự phản ánh kết quả quả “mục tiêu”, “ý nghĩa” của sự phát triển nông thôn Việt Nam trong những năm đầu thế kỳ XXI. Việc xây dựng, thực hiện nhiệm vụ, tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS muốn đạt kết quả đề ra phải xuất phát từ thực tiễn “đặc điểm đời sống văn hóa cơ sở” của từng tộc người cư trú ở các khu vực văn hóa, địa lý (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Miền Trung, Tây Nam Bộ…).

2.3. Đặc điểm đời sống ở cơ sở vùng DTTS với việc thực hiện nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Nói “đời sống văn hóa cơ sở vùng DTTS” và mối quan hệ gắn với “xây dựng nông thôn mới” chỉ là sự nhận thức về đối tượng tác động của các chính sách văn hóa, kinh tế – xã hội đối với các chủ thể văn hóa mà phần chủ yếu là “nông dân”. Tuy nhiên các chính sách, chủ trương sẽ không đạt mục tiêu đề ra nếu không nhận biết được đặc điểm mối quan hệ giữa Văn hóa và Phát triển kinh tế- xã hội, Chủ thể văn hóa với Mục tiêu của các Chương tình mục tiêu quốc gia và Phát triển bền vững.

Trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ không có hiệu quả cao nếu như không nhận diện được đặc điểm văn hóa vùng, văn hóa tộc người.Phải thấy rằng, chính việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến nay là môi trưng thuận lợi cho việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng của hoạt động Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên phạm vi toàn quốc. Trên một góc độ nhất định có thể thấy: Đời sống văn hóa cơ sở là mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới. Hai hoạt động này thực chất là nhằm hướng tới người dân, chủ thể văn hóa, chủ thể kinh tế-xã hội ở cơ sở với mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa hóa, phát triển bền vững  của các cộng đồng, dịa phương và quốc gia.

Các tiêu chí xây đựng nông thôn mới khi áp dụng, triển khai vào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa nếu không nhận thức rõ các têu tố tự nhiên, môi trường, xã hội, văn hóa để lập kế hoạch đầu tư, triển khai cho phù hợp sẽ khó thực hiện được các tiêu chí đề ra. Hoặc nếu có thực hiện được thì cũng thiếu tính bền vững. Vì sao khi tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới, những người chỉ đạo lại đưa ra nhận định “Ngoài ra, có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn NTM Đông Nam Bộ là 34 %, ĐBSH là 23,5% thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%.”…Những kết quả chạy theo thành tích, huy động sức dân quá mức, không rõ đối tượng là Người nông dân các dân tộc đang ở khả năng và đặc điểm hấp thụ, tham gia vào quá trình triển khai các nội dung có gì thuận lơi, khó khăn trước, trong và sau khi hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn…là yếu tố dẫn đến sự chậm trễ, kém chất lượng, thiếu tính bền vững theo mục tiêu chương trình đề ra.

3. Về định hướng phát huy và khắc phục

3.1.Trên bình diện tổng kết mang tính lý luận

– “Xây dựng nông thôn mới” và “xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” cần nhận thức đây không phải là “phong trào” ngắn hạn, nhất thời mà là nhiệm vụ chính trị có tính lâu dài, thường xuyên, phấn đấu và thực hiện bền bỉ, dày công. Nhận thức  này liên quan đến việc đầu tư, chỉ đạo không chỉ của “Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020” (Ban hành kèm theo Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính Phủ) mà là của Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành, chính quyền các cấp. Việc nôn nóng hoàn thành 19 tiêu chí (trong đó có tiêu chí 16 về Văn hóa) là không phù hợp với thực tiễn đời sống và sự phát triển lâu dài của người dân, cộng đồng các dân tộc ở nước ta.

– Cần nhận thức Chương trình “Xây dựng nông thôn mới” và hoạt động “xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” có tính đặc thù khác các chương trình kinh tế, xã hội khác về ý nghĩa chiến lược của nó, về đặc điểm Việt Nam của nó về văn hóa, kinh tế-xã hội, về đặc điểm trình độ phát triển của các thành phần dân tộc, dân cư. Các quan điểm, chính sách, chủ trương nóng vội, ngắn hạn..đều mang lại những hiệu quả “phản cảm” không đúng với bản chất vận động của nó.

3.2.Trên bình diện thực tiễn gắn với đặc thù vùng DTTS

– Từ Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới” và “xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” với những kết quả ban đầu và không ít hạn chế, yếu kém cần tính đến việc cụ thể hóa các tiêu chí gắn với các vùng nông thôn để có kế hoạch triển khai phù hợp với từng vùng miền;

– Tạo cơ chế dầu tư, phối hợp, chỉ đạo, điều hành mang tính liên ngành ở cấp Trung ương và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các “tiêu chí” gắn với đặc điểm văn hóa-xã hội, kinh tế, điều kiện tự nhiên của từng vùng miền.

– Chia sẻ kinh nghiệm giữa các vùng DTTS trong thực hiện các tiêu chí, tránh tâm lý thành tích, nóng vội trong thực hiện các tiêu chí. Đánh giá và rút ra bài học của các mô hình đã triển khai có kết quả gắn với các chủ thể văn hóa trong tiếp cận, chuyển đổi tham gia vào quá trình kinh tế-xã hội mới.

– Vùng DTTS và miền núi cần được “khoanh vùng” riêng về Đầu tư, về Thời gian trong quá trình thực hiện các tiêu chí.

Kết luận

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới nói chung và vùng DTTS nói riêng là một vấn đề phản ánh nhiều nội dung thực tiễn sinh động từ phía phương thức triển khai và từ phía đối tượng thụ hưởng  và tham gia vào quá trình biến các nhiệm vụ, mục tiêu thành hiện thực. Văn hóa, tập quán, lối sống các tộc người thiểu số các vùng, miền là một trong những thực tiễn có ý nghĩa chi phối đến kết quả và tính bền vững của “đời sống văn hóa” ở cơ sở, của “tiêu chí văn hóa” ở các vùng nông thôn. Đây là vấn đề có tính mới trên phương diện lý luận về quan điểm, chủ trương trong giải quyết các vấn đề văn hóa trong phát triển ở các quốc gia nông nghiệp trong xu thế toàn cầu hóa và tác động của văn minh công nghiệp. Nông dân- nông thôn – nông nghiệp vùng DTTS nước ta trong quá trình trên là một khu vực đặc thù. Tính đặc thù cần  được quán triệt trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ “xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” gắn với “xây dựng nông thôn mới” thì các mục tiêu mới thực sự là của dân và mới mang tính bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

–        Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2014 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2015 Hà Nội, ngày  16  tháng  5  năm 2014.

–         Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Ban hành theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

–         Chính phủ: Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

–         Đảng Cộng sản Việt NamNghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

–         Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V (năm 1981)

–         Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyêt Hôi nghị lần thứ 5, BCHTW, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

–         Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 33/NQ-TƯ, Hội nghị BCHTW 9, khóa XI (6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

–         Hội đồng Bộ trưởng: Quyết định số 159/HĐBT ngày 19 tháng 12 năm 1983

–         Thủ tướng Chính phủ: Quyết định  số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

PGS. TS. LÊ NGỌC THẮNG

Bài viết liên quan

Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).

Xem thêm

Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.

Xem thêm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo

Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Xem thêm

Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam

Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).

Xem thêm

Bộ VHTTDL hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19″

Chiều 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Xem thêm