LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Hơn 45 năm xây dựng và phát triển (từ 1977), cán bộ, giảng viên, học viên Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch luôn tự hào với truyền thống vẻ vang của mình. Nhà trường đang từng ngày phấn đấu vươn tới những mục tiêu cao hơn, xây dựng Trường trở thành một trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và trong khu vực, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Giai đoạn 1977-1997

Ngày 21/01/1977, Trường Chính trị Trung cao cấp tại chức trực thuộc Bộ Văn hóa được thành lập theo Quyết định số 12/QĐ-VH, tiền thân của Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch ngày nay.

Giai đoạn 1977 – 1997, được coi là giai đoạn xây dựng nền móng phát triển bền vững của Nhà trường. Đối mặt với không ít khó khăn của  những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – 1975), trong mọi hoàn cảnh, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Nhà trường luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu tổ chức triển khai mở được 79 lớp với 7.383 học viên. Kết quả trên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của cán bộ trong Ngành, nhưng đó là một sự cố gắng vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, giảng viên và người lao động của Nhà trường. Kết quả đó còn là bằng chứng hùng hồn khẳng định chủ trương đúng đắn và kịp thời về việc thành lập trường Chính trị Trung cao cấp tại chức trực thuộc Bộ Văn hoá của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của lãnh đạo Bộ Văn hóa trong giai đoạn này.

Giai đoạn 1998 – 2007

Giai đoạn 1998 – 2007, sau hơn 20 năm thành lập và từng bước trưởng thành, qua nhiều lần thay đổi tên gọi, từ năm 1998 đến 2007, Nhà trường mang tên Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin theo Quyết định số 167/1998/QĐ-TTg ngày 8/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khoảng thời gian 10 năm (1998 – 2007), dấu ấn của sự phát triển toàn diện thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Trong đó, tổ chức triển khai được 182 lớp cho gần 20.000 học viên, tăng gấp 3 so với giai đoạn 1977 – 1997; bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và gần 10 đề tài cấp Trường; tổ chức được nhiều Hội thảo khoa học và được các nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá cao. Đặc biệt, lần đầu tiên Nhà trường đã biên soạn và ban hành Tập bài giảng dành cho cán bộ văn hóa cấp Huyện gồm 25 chuyên đề; Biên soạn và hoàn thành Tập chương trình khung về Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa thông tin cho cấp quận, huyện; Biên soạn và phát hành 10 đầu sách phục vụ việc giảng dạy và học tập về mô hình huyện điểm văn hóa, tình huống quản lý văn hóa, điển hình văn hóa, kinh nghiệm quản lý văn hóa, cuốn sách về hệ thống các văn bản về công tác đào tạo bồi dưỡng và các tập sách bồi dưỡng cán bộ xã phường khu vực Tây Nguyên; công tác Hợp tác quốc tế có những bước phát triển vượt bậc thông qua các hoạt động như: Tiếp nhận dự án do Quỹ Ford tài trợ tổ chức 7 lớp (ngoại ngữ, quản lý kinh tế, chiến lược marketing); quan hệ hợp tác với Học viện Cán bộ quản lý Văn hóa Trung ương Trung Quốc; cử cán bộ đi học tập thực tế một số nước như Úc, Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển…

Bên cạnh đó, Nhà trường mở rộng hợp tác liên kết đào tạo với các Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Luật, Đại học Bách khoa, Đại học Văn hóa, Đại học Đà Nẵng, Học viện Tài chính… tổ chức các lớp tại chức đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành và cho xã hội.

Giai đoạn 2008 – 2012

Từ năm 2008 đến 2012, Trường được mang tên trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch theo Quyết định 197/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 01 năm 2008, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là giai đoạn Nhà trường mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học.

Trong quãng thời gian từ năm 2008 – 2012, Nhà trường đã tổ chức được hàng trăm lớp cho hơn 30.000 học viên, có nhiều lớp được tổ chức học tập tại nước ngoài như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc với việc đẩy  mạnh tăng cường mối quan hệ hợp tác với Học viện Cán bộ quản lý Trung ương Trung Quốc, Hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Văn hóa nghệ thuật Maxcova (Nga), Trường Đại học tổng hợp Kyunghee (Hàn Quốc).

Cũng trong giai đoạn này, Nhà trường tiếp tục nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp Bộ; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, hoàn thiện và ban hành 2 tập chương trình khung về bồi dưỡng kiến thức quản lý văn hóa, thể thao và du lịch cấp huyện cho khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây nguyên; tham gia xây dựng Dự án bảo vệ môi trường tại Festival Huế và tuyên truyền về biến đổi khí hậu tại Mường Nhé tỉnh Điện Biên; đặc biệt là biên soạn và ban hành 2 bộ tài liệu dành cho cán bộ văn hóa xã hội cấp xã được Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch và cán bộ, công chức cấp xã trong toàn quốc đánh giá cao.

Giai đoạn  2013 – 2023

Giai đoạn 2013 – 2023, trên nền tảng vững chắc của những thành tựu đã đạt được, Nhà trường viết tiếp những trang sử vàng.

Năm 2014, Nhà trường được mang tên mới theo Quyết định số 2995/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 03 tháng 9 năm 2013 về việc đổi tên Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch thành Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời Nhà trường được xác lập tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ tại Quyết định số 1410/QĐ-BVHTTDL ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ cấu, tổ chức của Nhà trường tăng từ 7 lên 9 đơn vị, từ 11 nhiệm vụ cơ bản đã tăng lên 15 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ mới và quan trọng như: Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự, ngạch chuyên viên và chuyên viên chính; kiến thức và kỹ năng theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức ngành; liên kết, hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tùy viên văn hóa; Quản lý, cấp bằng, chứng chỉ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định…

Ngày 25 tháng 10 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 4016/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

Ngày 09 tháng 01 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 84/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

Trước những yêu cầu đặt ra của thời đại mới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 805/QĐ-BVHTTDL ngày 31/3/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

Hiện nay, Nhà trường là một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được đầu tư và trang bị một hệ thống khu giảng đường gồm hàng chục phòng học và hội trường với trang thiết bị hiện đại, một khu nhà gồm các văn phòng làm việc của cán bộ, giảng viên được trang bị đầy đủ các điều kiện làm việc (hệ thống máy lạnh, máy tính, và các điều kiện phục vụ giảng dạy…) đủ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và tác nghiệp. Nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác nghiên cứu, học tập, tra cứu, quảng bá và giới thiệu… phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng. Nhà trường cũng đã xây dựng nhà Truyền thống, Trang thông tin điện tử tổng hợp, xây dựng Thư viện điện tử… cùng với một đội ngũ cán bộ, giảng viên bản lĩnh, giàu tâm huyết, hội tụ đủ trình độ, kinh nghiệm, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trước yêu cầu và đòi hỏi của Ngành cũng như của xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy những thành tích đã đạt được, Ban lãnh đạo Nhà trường cùng tập thể cán bộ, viên chức, người lao động luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng tầm với vị thế, vai trò và chức năng của Trường trong đời sống xã hội, đưa sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ngành VHTTDL vững bước phát triển.