CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 103/2022//NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Quyết định số 805/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành ngày 31 tháng 03 năm 2023.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch (sau đây gọi tắt là Trường) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành văn hóa, thể thao và du lịch; nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực; cung cấp các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực theo quy định của pháp luật.

Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch

Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm về xây dựng và phát triển Trường phù hợp với yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Về đào tạo, bồi dưỡng

a) Điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và đề xuất phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

b) Phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, hàng năm thuộc nguồn ngân sách nhà nước trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

c) Tổ chức biên soạn tài liệu các chương trình được cấp có thẩm quyền giao tổ chức bồi dưỡng.

d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: Lý luận chính trị; kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm; kiến thức và kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được giao thực hiện.

e) Quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được giao hoặc được ủy quyền cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

3. Về nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế

a) Tổ chức nghiên cứu khoa học về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ngành văn hóa, thể thao và du lịch; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành.

b) Chủ trì hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu và phát triển nhân lực lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và quản lý chuyên ngành; trao đổi chuyên gia và các hoạt động khác phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và phát triển nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý người học và bảo đảm quyền, lợi ích của người học theo quy định của pháp luật.

5. Quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; liên kết tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật.

6. Thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và chương trình, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

7. Xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý tổ chức bộ máy, nhân sự; thực hiện chế độchính sách đối với công chức, viên chức, giảng viên, người lao động, người học thuộc phạm vi quản lý của Trường theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

8. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao, ngân sách được phân bổ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao và theo quy định của pháp luật.