Thực hiện văn minh lễ hội để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
19/06/2019 | 5:48
Lễ hội – cầu nối quá khứ với hiện tại, bao đời nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Nhưng gần đây, sự gia tăng cả về quy mô và số lượng, cũng như sự nảy sinh một số hiện tượng bất thường từ lễ hội đã khiến việc quản lý văn hóa tại lễ hội trở thành một vấn đề hết sức nhạy cảm.
1. Hoạt động lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Hoạt động lễ hội đã tác động làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần đẩy mạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thông qua lễ hội để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Các hoạt động lễ hội nhằm mục tiêu hướng thiện, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, khôi phục có chọn lọc để tổ chức các nghi thức truyền thống, những diễn xướng, trò chơi dân gian phù hợp với cuộc sống đương đại.
2. Chúng ta biết rằng lễ hội là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật, là bảo tàng sống về các giá trị tinh thần, dân chủ, nhân văn đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là sự thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, về giải trí. Đó là nhu cầu giao lưu, học hỏi, là sự đoàn kết. Quan trọng nhất là nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư.
Ở Phú Thọ hiện có 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội cách mạng, 5 lễ hội tôn giáo. Hoạt động lễ hội luôn là một hình thức sinh hoạt cộng đồng của người dân sau những ngày làm việc đồng ruộng vất vả, một nắng hai sương để làm ra thúng ngô, đấu thóc, cũng là dịp để nhân dân tìm đến sự ngưỡng vọng Tổ tiên; thánh thần là những người “phò dân hộ quốc” nhằm ôn lại truyền thống, tri ân công đức, giải nỗi lo âu, bày tỏ ước mơ trong cuộc sống. Lễ hội ở Phú Thọ là một hoạt động có ý nghĩa văn hóa tinh thần từ lâu đời; nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút mọi tầng lớp trong xã hội và ngày càng trở thành một nhu cầu, một khát vọng của cả cộng đồng dân tộc. Đến với lễ hội người dân không chỉ được hưởng thụ tinh thần văn hóa dân tộc, tâm lý cộng đồng mà còn được trực tiếp là người sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa để đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống tinh thần của chính mình.
Việc tổ chức lễ hội trong những năm gần đây đã đi vào ổn định; lễ hội Đền Hùng đã đạt tới sự chuẩn mực quốc gia. Công tác tổ chức ngày càng tốt hơn, đảm bảo an toàn cho khách hành hương; các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống được nghiên cứu, phục hồi, tổ chức trang trọng. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch được tổ chức hài hòa đã góp phần làm phong phú nội dung hoạt động hội, thu hút đông đảo du khách tham gia du lịch Phú Thọ.
Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như ý nghĩa thiêng liêng đó đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và một vài hiện tượng tiêu cực khác.
Niềm tin của người dân khi đi lễ tại đình, đền, chùa, miếu, phủ… là mong an lành mọi gia đình, hạnh phúc của người thân, rộng ra một xã hội ổn định, nhân hòa… Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như ý nghĩa thiêng liêng đó đã ít nhiều bị suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Vấn đề được dư luận quan tâm là, từ đâu dẫn đến sự sai lệch này và cần định hướng văn hóa ứng xử nơi thờ tự, lễ hội như thế nào, để lễ hội giữ được đúng bản sắc, nơi thờ tự giữ được đúng không gian tôn nghiêm và nếp sống văn minh lễ hội được khơi dậy duy trì.
Thực tế có một điều cần quan tâm là hằng năm, các lễ hội lớn như: chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), đền Trần (Nam Ðịnh), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… đã thu hút hàng triệu lượt du khách thập phương hành hương dự lễ, nhưng chắc cũng không nhiều người hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội mà họ tham gia. Ði lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao, đó là nguyên nhân dẫn đến quan niệm lệch lạc đã đi lễ là phải đặt tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thánh thần.
Cùng với những quan niệm, ứng xử lệch lạc trong lễ hội có nguồn gốc từ việc hiểu sai, hay hiểu chưa đúng về ý nghĩa lễ hội, còn phải kể tới nhiều biểu hiện phi văn hóa khác như chen lấn, xô đẩy, khấn hộ, dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan, sử dụng trang phục phản cảm… cùng hàng loạt các tệ nạn “ăn theo” như trò chơi có tính chất cờ bạc, trộm cắp, “chặt chém”, xả rác bừa bãi… Ðây là hệ quả tất yếu mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về người tổ chức, quản lý. Vì trên thực tế, lễ hội khó có thể phát huy được bản sắc nguyên gốc khi ngay bản thân người tổ chức còn không (chưa) nắm rõ được ý nghĩa và giá trị đích thực của lễ hội.
Trong các lễ hội ở Phú Thọ, lượng du khách tham dự ngày càng tăng vọt như những năm gần đây tạo nên một áp lực về vệ sinh môi trường và sự tồn tại lâu dài của di tích. Khách đông, rác nhiều do du khách tham quan lễ hội mang theo đồ đựng bằng túi nilon, vỏ bao túi bánh kẹo, chai nhựa… khi dùng xong tự do vứt bỏ; vẫn còn hiện tượng đưa đồ cung tiến đắt tiền, quá khổ hoặc không phù hợp với truyền thống tại di tích vào khuôn viên các di tích khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ban quản lý ở một số di tích đã đặt quá nhiều đĩa trên các ban thờ hoặc đặt nhiều hòm công đức… đã làm mất đi vẻ trang nghiêm và sự thanh tịnh của di tích; gây phản cảm cho người hành lễ.
Có người khi đi lễ còn gài tiền vào tay tượng, vuốt tay chân tượng rồi lại vuốt vào mặt mình để xin được thánh thần phù hộ cho mát mẻ, khỏe mạnh… Thắp hương có nguồn gốc từ truyền thống giữ lửa của người xưa; còn đốt vàng mã, tiền âm phủ… thì từ tục tùy táng mà ra. Nhưng người xưa thắp hương, đốt vàng mã cũng chỉ là nghi thức tượng trưng: một nén tâm nhang, lấy sự thành kính trong lòng làm lễ trọng dâng lên tổ tiên “lễ mỏng, lòng thành”, không hề có chuyện “lễ ai lộc người ấy”, “lễ to, lộc lớn”; thắp nhiều hương, đốt nhiều vàng mã để được Thần, Phật chứng giám, phù hộ nhiều hơn. Theo Giáo sư Trần Lâm Biền phân tích thì “đó là do một số người nhận thức văn hóa thấp, kém sự hiểu biết nên đã “hối lộ thần linh” nhằm đạt mục đích tưởng tượng để vụ lợi cá nhân. Đó là việc làm của người trần tục chứ không thể có ở chốn siêu phàm”.
Mặt khác, để đáp lại nhu cầu của du khách tham quan lễ hội, một số địa phương đã tùy tiện san gạt mặt bằng, chia lô bán hàng hoặc người bán hàng quán tự nguyện nộp lệ phí rồi khiêng bàn, xách ghế nhảy vào sân các di tích, làm ô uế môi trường cảnh quan di tích…Tình trạng xâm hại di tích, tùy tiện xây dựng, tu sửa, không xin phép hoặc xin phép xong lại lợi dụng sửa chữa cải tạo thêm, đã phá vỡ yếu tố gốc cấu thành di tích. Nếu cứ thực hiện xã hội hóa hay tiếp tục làm dịch vụ du lịch kiểu này sẽ gây nên tác hại khôn lường; làm môi trường lễ hội ngày càng xuống cấp nặng nề, dần mai một đi cái vốn có của ông cha ta bao thế hệ đã dày công xây dựng.
Trong quản lý di tích lịch sử là các ngôi chùa thờ Phật, đâu đó vẫn còn quan niệm chùa là của sư trụ trì mà quên mất rằng, chùa là thiết chế văn hóa cộng đồng – chùa làng là tài sản của nhân dân làng xã. Đã là của làng thì dân làng có quyền thừa hưởng trong sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần, có trách nhiệm bảo vệ và tu bổ di sản. Tiền công đức phải do Ban quản lý di tích nắm giữ chứ không phải do nhà sư trụ trì tự kiểm đếm, quản lý và chi tiêu.
Hiện nay một số địa phương có xu hướng đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích (từ di tích cấp tỉnh lên di tích cấp quốc gia, từ di tích do làng xã quản lý thành di tích cấp tỉnh), với mục đích nếu di tích được xếp hạng quốc gia hay cấp tỉnh thì Nhà nước phải cấp kinh phí để tu sửa, tôn tạo và bảo vệ; và khi di tích được nâng cấp thì tổ chức tham quan du lịch lễ hội phải được đầu tư nâng cấp để du khách đến đông hơn, công đức nhiều hơn, dịch vụ ăn theo cũng sẽ phát triển hơn…
3. Có thể hiểu lễ hội dân gian là bảo tàng dân tộc, là cuộc đời thứ 2 bên cạnh cuộc đời thực, là trạng thái thăng hoa từ đời sống thực tế của mỗi thành viên trong cộng đồng. Tổ chức lễ hội, con người muốn được trở về cội nguồn “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” để khẳng định nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua lễ hội tạo ra cho con người niềm lạc quan, yêu cái thiện, xóa đi cái ác, cái vất vả trong cuộc đời thường nhật. Lễ hội ở Phú Thọ không chỉ làm sống lại nét đẹp văn hóa của “không gian thiêng” mà còn làm giàu và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới trong cộng đồng dân tộc.
Trong tâm thức của mỗi người đi hội luôn hướng tới sự tri ân, tôn thờ một biểu tượng có sức mạnh siêu nhiên bảo vệ sự tồn vong của cộng đồng. Đó có thể là nhiên thần, nhân thần, là Vua Tổ, là đức Phật, đức Thánh mẫu, hay Thành hoàng làng hoặc ông Tổ của làng nghề thủ công … Việc suy tôn những biểu tượng bảo vệ sự tồn vong của cộng đồng, thể hiện tập trung nhất qua các nghi thức và đặc biệt là trò diễn xướng dân gian trong lễ hội. Những nghi lễ dân gian là nơi hội tụ sức mạnh của cộng đồng, ngưng kết nhiều ý nghĩa và biểu tượng văn hóa đã được trao chuyền từ đời này qua đời khác. Qua các nghi lễ, các trò diễn được tổ chức trong những lễ hội dân gian ta thấy rất rõ sự linh thiêng, ánh hào quang chiến thắng của những cuộc chiến tranh vệ quốc trong quá khứ, những vỉa tầng của nền văn minh lúa nước, những ứng xử của con người đối với tự nhiên, sự giao hòa của con người với thiên nhiên cũng như những khao khát, ước vọng của con người về một cuộc sống thái hòa …
Trò diễn dân gian trong lễ hội chính là một phần của di sản văn hóa, là biểu hiện đạo đức của toàn xã hội. Người ta đến với lễ hội không chỉ để cầu xin mà còn để thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc, với đức Phật, các vị Thánh Thần, thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Những sinh hoạt văn hóa ấy đưa con người thoát khỏi đời sống hiện thực đến với một thế giới hoàn toàn khác để gửi gắm niềm tin, tìm kiếm chỗ dựa, để thanh lọc tâm hồn và hướng thiện hơn… Hầu hết những trò diễn dân gian trong lễ hội đều do nhân dân làm chủ. Các trò diễn dân gian đều được tiến hành một cách trọng thể tại điểm sinh hoạt văn hóa chung của làng, của xã. Vì lẽ đó, cộng đồng chứ không phải bất kỳ thủ tục hành chính hay sân khấu nào sẽ làm cho các di sản văn hóa được bảo tồn nguyên vẹn.
Con người đến với lễ hội là đến với chuỗi thời gian không xác định quá khứ, hiện tại, tương lai mà là thời gian đồng hiện, đưa con người vào cõi thiêng, sống trong một không gian thiêng từ trung tâm điện thần của di tích đến những địa điểm liên quan nhân vật phụng thờ. Các trò diễn, các nghi lễ đưa con người vào tâm thế trở về cội nguồn, tắm mình trong không gian huyền thoại, đậm đặc tính lịch sử. Lễ hội là hoạt động của một cộng đồng người. Không có con người tham gia tổ chức thì không thành hội được. Ngoài ra còn kể đến sự đóng góp ngưỡng mộ của người xem thì hội mới càng thêm kết quả. Nếu như lễ được tổ chức có tính quy định nghiêm trang trong thần điện các di tích lịch sử, thì hội là nơi sinh hoạt phóng khoáng diễn ra trên bãi sân để dân làng cùng bình đẳng vui chơi với hàng loạt trò diễn do mình chủ động tổ chức.
Đến hội mọi người dân được vui chơi thoả thích không bị ràng buộc bởi lễ nghi, tôn giáo, giai cấp và tuổi tác. Sau những ngày làm ăn vất vả lam lũ, người dân đón chờ ngày hội như đón chờ một niềm vui cộng đồng. Đến với hội họ được tắm mình trong bầu không khí của tinh thần “cộng mệnh và cộng cảm”, hồ hởi sảng khoái và tự nguyện. Ngoài phần vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè anh em, người về dự hội còn cảm thấy mình được “may”, được “khước”, được “lộc thánh”, “lộc thần”. Điều này chỉ có trong ngày hội và ai muốn được phải đến tận nơi. Nhịp sống ở làng xã trong những ngày có lễ hội tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên. Ứng xử với nhau trong ngày hội giữa người dân làng trên xóm dưới mềm mại, chân tình, có nhân văn hơn ngày thường. Chính vì thế mà hội làng trở thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng luôn cuốn hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia.
Cộng đồng và nhu cầu tâm linh chính là tấm gương phản chiếu công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bên cạnh nhưng yếu tố tích cực, vấn đề văn hóa tâm linh cũng đang tồn tại những bất cập cần sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng.
Lễ hội dân gian là một di sản đặc biệt để lưu giữ, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ nên nó luôn là sản phẩm của một chủ thể, diễn ra trong một không gian, thời gian cụ thể. Chỉ có con người chủ thể ở không gian nhất định mới có thể phần nào thấu hiểu ý nghĩa của văn hóa lễ hội. Thực hiện văn minh lễ hội là góp phần tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.
Phạm Bá Khiêm – Chủ tịch Hội VNDG tỉnh Phú Thọ
Bài viết liên quan
Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023
Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).
Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo
Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).
Bộ VHTTDL hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19″
Chiều 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.