Phát triển du lịch tại các đảo của Việt Nam “ngọc” cần được “mài giũa”
17/06/2021 | 9:42
Với lợi thế đường biển trải dài, dọc lãnh thổ, Việt Nam sở hữu trên 2.700 hòn đảo lớn nhỏ có giá trị rất lớn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và đặc biệt với cảnh quan độc đáo, tài nguyên đặc sắc, đa phần còn khá hoang sơ, các hòn đảo này có giá trị hết sức đặc biệt với ngành du lịch.
Gần 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch covid diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khi du lịch inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) rơi vào tình trạng gần như “tê liệt” thì du lịch nội địa (domestic) chính là “cứu cánh” cho ngành kinh tế mũi nhọn này. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là đa phần những người Việt Nam có thị hiếu, “ham” đi du lịch hiện không thể trải nghiệm các điểm đến trên thế giới lại khá quen và đa phần đã được trải nghiệm hầu hết các sản phẩm du lịch, điểm đến “truyền thống” của Việt Nam nên việc họ sẽ nảy sinh nhu cầu được trải nghiệm tại những nơi mới lạ trên chính đất nước mình là tất yếu sẽ xảy ra.
Với lợi thế đường biển trải dài, dọc lãnh thổ, Việt Nam sở hữu trên 2.700 hòn đảo lớn nhỏ có giá trị rất lớn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và đặc biệt với cảnh quan độc đáo, tài nguyên đặc sắc, đa phần còn khá hoang sơ, các hòn đảo này có giá trị hết sức đặc biệt với ngành du lịch trong bối cảnh trên. Mặt khác, với tầm nhìn xa hơn của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2020 trong nội dung giải pháp đầu tiên thuộc nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đã nêu rõ: “Dựa trên tiềm năng, lợi thế nổi trội về tài nguyên biển, đảo, tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo đặc biệt tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau; nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các vùng biển đảo xa bờ; chú trọng phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, giải trí và thể thao biển đảo đặc biệt cao cấp, có thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh cao tại các vịnh biển nổi tiếng (…) và các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý…”. Vì vậy, có thể ví việc phát triển du lịch tại các đảo của Việt Nam như “ngọc” cần được “mài giũa”.
Tiềm năng “ngọc”
Về tài nguyên du lịch tự nhiên: Đa phần các đảo ven biển Việt Nam đều có những bãi biển tuy không lớn nhưng rất hoang sơ, đẹp, hấp dẫn, cát mịn, nước biển trong xanh, độ cao sóng không quá lớn, thuận lợi cho hoạt động tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao dưới nước…Cảnh quan các đảo khá đặc sắc, từ cảnh quan vũng vịnh ven biển, đảo; cảnh quan núi, đồi, trên các đá trầm tích, tùng, áng hồ trên núi; cảnh quan các bờ mài mòn (đảo Vĩnh Thực, Cô Tô, Thanh Lam, Bạch Long Vĩ, Thổ Chu..); cảnh quan núi lửa, có giá trị địa mạo, địa chất đặc trưng (như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý)…đến cảnh quan hang động, nhũ đá như hang Đầu Gỗ, Thiên Cung, Sửng Sốt (thuộc các đảo trên Vịnh Hạ Long), hang Quân Y, Trung Trang, Hoa Cương, hang Luồn (thuộc đảo Cát Bà)…Đặc biệt, một số đảo đã có khu bảo tồn sinh vật biển; một số đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Bái Tử Long sở hữu những vườn quốc gia với các giá trị về đa dạng sinh học, nguyên sinh, hệ động thực vật trên cạn cũng như thủy sinh, rạn san hô quý hiếm, một số loài được ghi vào sách đỏ, là nơi bảo tồn về văn hóa lịch sử với một số di chỉ khảo cổ…phù hợp cho nhiều hoạt động như thăm quan, khám phá, nghiên cứu thậm chí là du lịch mạo hiểm…
Về tài nguyên du lịch văn hóa: các đảo ven biển nước ta đều có người Việt sinh sống từ xa xưa nên đến nay còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa như hệ thống các đền, chùa, đình, miếu, tượng đài, ngọn hải đăng, tượng đài, một số đảo có nhà tù như Phú Quốc, Côn Đảo, thậm chí một số đảo chứa đựng di chỉ khảo cổ quý hiếm như Cát Bà, Cù Lao Chàm. Các hình thái tôn giáo tín ngưỡng thờ Cá Ông, thờ Mẫu Thoải, tín ngưỡng thờ thần biển…bao trùm, tạo các lễ hội, tín ngưỡng của người dân hải đảo có nhiều nét khác biệt, độc đáo như lễ hội thờ cúng Cá Ông; lễ hội cầu ngư; lễ hội đua thuyền; lễ hội ra quân nghề cá…Ngoài ra hệ thống các làng nghề như nuôi, chế biến hải sản; đóng, sửa chữa tàu thuyền cho người ra khơi; làng nghề mỹ nghệ, nuôi cấy ngọc trai cùng với văn hóa ẩm thực vùng biển đảo với các món ăn có phong cách rất riêng hòa trộn với nếp sống khá “hào sảng, chân chất, nhân ái” của cộng đồng cư dân đảo là tiềm năng lớn để khơi dậy sự “tò mò, khát khao” trải nghiệm của du khách.
Nhìn nhận được những tiềm năng “ngọc” đó, những năm gần đây, triển khai chính sách đổi mới nền kinh tế của Đảng và Nhà nước, du lịch tại một số đảo lớn ven biển Việt Nam đã có những bước phát triển với tốc độ khá nhanh thể hiện qua một số chỉ tiêu cơ bản tại các bảng sau:
Bảng Lượng khách nội địa, quốc tế đến một số đảo lớn ven biển Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019
Đơn vị tính: lượt khách
Tên đảo/huyện đảo; Chỉ tiêu về khách | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | Tăng TB(%) | ||||||
Nội địa | Quốc tế | Nội địa | Quốc tế | Nội địa | Quốc tế | Nội địa | Quốc tế | Nội địa | Quốc tế | Nội địa | Quốc tế | |
Cô Tô | 180.000 | 575 | 270.000 | 676 | 301.000 | 2.054 | 240.000 | 4.541 | 288.000 | 4.200 | 12,47 | 64,5 |
Vân Đồn | 681.100 | 11.900 | 887.000 | 13.000 | 1.032.000 | 18.000 | 1.130.000 | 20.000 | 1.259.400 | 25.600 | 16,61 | 21,11 |
Bạch Long Vĩ | 3.000 | 200 | 3.500 | 270 | 4.000 | 360 | 4.500 | 450 | 5.000 | 550 | 13,62 | 28,78 |
Cát Bà | 1.215.600 | 352.400 | 1.336.800 | 385.200 | 1.682.500 | 477.500 | 1.942.000 | 608.000 | 2.109.500 | 700.500 | 14,77 | 18,92 |
Cồn Cỏ | 500 | – | 713 | – | 1.900 | – | 4.130 | – | 6.120 | 16 | 87,04 | – |
Cù Lao Chàm | 327.539 | 73.392 | 336.690 | 94.645 | 323.361 | 86.043 | 352.609 | 62.976 | 352.208 | 75.352 | 1,83 | 0,66 |
Lý Sơn | 94.430 | 557 | 163.969 | 933 | 204.979 | 1.221 | 229.089 | 1.231 | 222.229 | 1.603 | 23,86 | 30,25 |
Phú Quý | 2.157 | 43 | 7.000 | 50 | 16.400 | 200 | 18.989 | 511 | 41.600 | 700 | 109,56 | 100,87 |
Côn Đảo | 105.347 | 28.915 | 136.942 | 30.005 | 212.737 | 31.197 | 254.155 | 32.016 | 344.848 | 33.722 | 34,51 | 3,92 |
Phú Quốc | 1.442.245 | 195.466 | 2.383.879 | 267.439 | 2.64.851 | 318.544 | 3.481.572 | 535.193 | 4.434.769 | 671.896 | 32,43 | 36,16 |
Kiên Hải | 34.637 | 263 | 112.755 | 245 | 194.104 | 186 | 270.878 | 555 | 440.509 | 1.150 | 88,84 | 46,61 |
Tổng cộng | 4.086.555 | 663.711 | 5.639.248 | 792.463 | 3.972.981 | 935.305 | 7.927.922 | 1.265.473 | 9.504.183 | 1.515.273 | 23,49 | 22,92 |
(Nguồn: Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh – Phòng Văn hóa thông tin các huyện đảo)
Bảng Tổng thu từ du lịch tại một số đảo lớn ven biển Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019
Đơn vị tính: triệu đồng
Tên đảo | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | Tăng TB
(%) |
Cô Tô | 300.000 | 350.000 | 482.000 | 498.000 | 700.000 | 23,59 |
Vân Đồn | 540.000 | 760.000 | 890.000 | 1.455.000 | 1.752.000 | 34,21 |
Bạch Long Vĩ | 200 | 250 | 300 | 350 | 450 | 22,47 |
Cát Bà | 769.000 | 874.000 | 1.250.000 | 1.384.000 | 1.805.000 | 23,78 |
Cồn Cỏ | 550 | 855 | 2.280 | 4.956 | 7.344 | 91,16 |
Cù Lao Chàm | 12.117 | 13.971 | 25.441 | 27.167 | 28.750 | 24,11 |
Lý Sơn | 11.440 | 18.139 | 22.682 | 27.638 | 35.000 | 32,25 |
Phú Quý | 4.620 | 15.510 | 38.180 | 46.800 | 105.750 | 118,73 |
Côn Đảo | 584.563 | 802.233 | 1.165.916 | 1.317.236 | 1.556.000 | 27,73 |
Phú Quốc | 650.000 | 700.000 | 7.706.000 | 12.271.000 | 14.560.000 | 117,55 |
Kiên Hải | 102.000 | 147.000 | 200.000 | 434.000 | 637.000 | 58,08 |
TỔNG SỐ | 2.974.490 | 3.681.958 | 11.782.799 | 17.466.147 | 21.187.294 | 63,37 |
(Nguồn: Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh – Phòng Văn hóa thông tin các huyện đảo)
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, chúng ta không thể không công nhận việc phát triển du lịch tại các đảo ven biển Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng vốn có với những nét đặc sắc, khác biệt, chưa đáp ứng nhu cầu, xu hướng trong bối cảnh ngắn – dài hạn nêu trên đồng thời còn tồn tại không ít hạn chế điển hình như: việc khai thác còn mang tính chất tự phát, manh mún, chưa đồng đều, “mạnh đảo nào, đảo ấy làm”; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; sản phẩm du lịch và các dịch vụ bổ sung, bổ trợ ở nhiều nơi còn nghèo nàn; công tác xúc tiến quảng bá còn yếu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; ngoài ra còn tồn tại việc tranh chấp không gian lãnh thổ của một số ngành kinh tế khác nhau trong quá trình khai thác gây ra các hệ lụy về môi trường và nguy cơ phát triển thiếu bền vững, hiệu quả…
“Mài giũa” ra sao?
Thứ nhất, xác định ý tưởng sáng tạo và cách làm du lịch khác biệt là yếu tố quan trọng tiên quyết, các sản phẩm chủ đạo của từng đảo ven biển Việt Nam cần độc đáo, khác biệt, mang dấu ấn văn hóa địa phương, vùng miền phù hợp với từng bối cảnh, tiềm năng của từng đảo và xu hướng, nhu cầu của du khách, việc làm trên cần song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến. Để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo cần khẳng định vai trò lãnh đạo của chính quyền, quyết tâm tham gia của cư dân, sự tham gia tích cực của các bên liên quan khác theo hướng “win -win” (nguyên tắc thắng – thắng). Cần phát triển ý tưởng liên tục để kịp thời đáp ứng thị hiếu của khách nội địa trong hoạt động kinh doanh domestic khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kinh doanh inbound giai đoạn chấm dứt dịch bệnh;
Thứ hai, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các đảo, tập trung nghiên cứu đầu tư giao thông đường hàng không, đường biển, hệ thống đường ven biển kết nối đến các cầu cảng để tiếp cận với các cầu cảng, cảng hàng không… đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ngành cũng như đào tạo nhân lực là cư dân trên đảo phục vụ phát triển du lịch trong ngắn – dài hạn;
Thứ ba, cần rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các đảo và lập kế hoạch phát triển du lịch từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, quan trọng nhất nhất là đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và nguyên tắc phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh;
Thứ tư, phát triển du lịch tại từng đảo của từng địa phương cần hướng tới sự hài hòa trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; sự hài hòa giữa lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân; cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia; đảm bảo phân chia lợi ích giữa các thành viên đặc biệt là cộng đồng cư dân. Từng bước đưa sự hài lòng của cư dân địa phương, sự tích cực tham gia của cư dân cũng là thước đo để đánh giá sự thành công của việc phát triển du lịch tại các đảo;
Thứ năm, do vị trí địa lý của các đảo tương đối đặc biệt nên việc phát triển du lịch tại các đảo phụ thuộc khá lớn vào yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, địa chất, địa trấn…nên cần có các phương án sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn một cách linh hoạt, nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực đến khách du lịch khi thăm quan, trải nghiệm tại đảo nói riêng và du lịch đảo nói chung…/.
Nguyễn Thị Phương Linh
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
—–
Tài liệu tham khảo:
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2020), Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ: “Thực trạng và đề xuất phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam” (32-48)
Bài viết liên quan
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025
Sáng ngày 25/12/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Bế giảng lớp Bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên và tương đương năm 2024 tại Trường Cán bộ quản lý văn hoá, thể thao và du lịch
Sáng ngày 24/12/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Lễ Bế giảng lớp Bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên và tương đương năm 2024.
Lễ Bế giảng lớp Bồi dưỡng đối với công chức ngạch Chuyên viên cao cấp và tương đương khóa 37/2024
Sáng 22/12, Trường Cán bộ Quản lý, Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Lễ Bế giảng lớp Bồi dưỡng đối với công chức ngạch Chuyên viên cao cấp và tương đương khóa 37/2024.
Tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức Hội nhập quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Nhận lời mời của Ban lãnh đạo Học viện Cán bộ quản lý Văn hóa và Du lịch Trung ương, Trung Quốc, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ VHTTDL Việt Nam, từ ngày 23 đến 29/11/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý Văn hóa và Du lịch Trung ương tổ chức lớp Bồi dưỡng kiến thức Hội nhập quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc.