Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại

14/01/2016 | 8:16

Cuốn sách này là một tập hợp những câu hỏi và trả lời. Những câu hỏi này được đặt ra cho tác giả, một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây, từ những độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội Mỹ muốn tìm hiểu về đủ loại vấn đề.

Nhìn chung, đông đảo độc giả đều muốn biết các nhà tư tưởng trong quá khứ suy nghĩ và lý giải thế nào về những vấn đề mà con người hôm nay đang phải đối mặt. Họ không mưu tìm một câu trả lời dứt khoát, một giải pháp rốt ráo, mà thường họ muốn hiểu rõ vấn đề và muốn rút được bài học từ các nhà tư tưởng lớn trong truyền thống triết học phương Tây.

Những câu hỏi này được tác giả trả lời trong một chuyên mục của ông, ban đầu chỉ được đăng tải trên tờ Chicago Sun-Times và Chicago Daily News. Trong vòng một năm sau khi ra đời, đã có tới 28 tờ báo mua bản quyền để đăng tải chuyên mục này (trong đó có tờ Kenkyu Sha ở Tokyo). Sự thành công của chuyên mục đã đưa tới việc tập hợp những câu hỏi và trả lời thành một cuốn sách. Đó là hoàn cảnh hình thành tác phẩm này trong lòng xã hội Mỹ.

Dĩ nhiên đối với người Việt, văn minh phương Tây nói chung, và triết học của nó nói riêng, không phải là đề tài học tập bắt buộc, và cũng không phải là nguồn cội tư tưởng giúp chúng ta định hướng cuộc sống và giải quyết những vấn đề của mình. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận sự kiện rằng truyền thống triết học phương Tây đã có ảnh hưởng quyết định đối với nền văn minh phương Tây vốn đã đạt nhiều giá trị mà hiện đã trở thành phổ quát đối với phần còn lại của thế giới, nên triết học phương Tây thực sự xứng đáng được chúng ta quan tâm đúng mức.

Như đã nói trên, khi trả lời các câu hỏi, tác giả không đưa ra, hay áp đặt, một câu trả lời dứt khoát hay một giải pháp tối hậu. Ông chỉ trình bày các nhà tư tưởng lớn đã nói gì trong các tác phẩm của họ về các vấn đề được độc giả nêu ra. Các nhà tư tưởng này thường có những ý kiến khác nhau, thậm chí xung khắc nhau, tuy họ đều dựa trên cơ sở lý luận nào đó, và ý kiến của họ luôn là thành quả của nhiều năm tháng suy nghĩ và chiêm nghiệm. Cách trình bày này giúp độc giả có cơ hội nhìn và mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, tự rút ra bài học cho mình và đưa ra quyết định cuối cùng. Đây cũng chính là cốt tủy của cái mà tác giả trình bày như một “nền giáo dục khai phóng”, một nền giáo dục – hình thành từ thời cổ đại ở Hy Lạp và La Mã – nhằm vào việc đào tạo những con người tự do, hiểu theo nghĩa là một con người biết tư duy rốt ráo về từng vấn đề, biết tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Mẫu người tự do này khác hẳn mẫu người nô lệ, chỉ trông cậy vào tư duy và quyết định của người khác, và dĩ nhiên, họ không hề muốn chịu trách nhiệm về những quyết định đó tuy rằng họ đã hành động theo những quyết định đó.

Một quan điểm đáng lưu ý nữa của tác giả là ở chỗ ông luôn trích dẫn ý kiến của những tác gia kinh điển của từng lãnh vực, ngay cả khi lý thuyết của những tác gia này đã bị vượt qua, hay thậm chí bị phi bác, bởi những nhà tư tưởng và thành quả khoa học của thời hiện đại. Ông biện minh rằng chúng ta không học tập hay tiếp nhận những tri thức của các nhà tư tưởng đó, vì có thể nó đã bị vượt qua hoặc không còn đúng nữa dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, mà chúng ta học tập phương pháp tư duy của họ, hiểu ra con đường và cách đi của họ để tiếp cận với chân lý, tuy họ sống trong những thời kỳ mà khoa học và kinh tế còn phôi thai, chưa phát triển. Đó mới thực sự là điều mà triết học mang lại cho con người và cũng là điều bổ ích của tác phẩm này.

Các câu hỏi trong sách này trải rộng trên nhiều lãnh vực, từ đạo đức, chính trị, xã hội đến kinh tế và nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống (như mỹ học, nghệ thuật, giáo dục, quan hệ nhân sinh…). Như thế không có nghĩa rằng các nhà tư tưởng phương Tây chỉ bàn về những chuyện ấy, mà chẳng qua là vì câu hỏi từ các độc giả thường chỉ xoay quanh những vấn đề gần gũi ấy và ít có người quan tâm đến những lý thuyết phức tạp hơn vốn để lý giải bản chất của hữu thể và cấu trúc của thực tại. Sách này không bao quát toàn bộ triết học phương Tây, mà chỉ xoay quanh những vấn đề được nhiều con người bình thường quan tâm. Cũng chính vì thế mà tác phẩm này bổ ích cho tuyệt đại đa số chúng ta – những người không chuyên nghiên cứu triết học.

Tác giả: Dr. Mortimer J. Adler

Bài viết liên quan

Hanoi, adieu Những kỷ niệm vui buồn về xứ Đông Dương thuộc Pháp

Hanoi, adieu là một chuyến du hành xúc động xuyên qua những năm tháng náo động cuối cùng của xứ Đông Dương thuộc địa, viết về gia đình, tình yêu và sự trưởng thành – một quãng đời cảm động của một thân phận bị mắc kẹt giữa những sự kiện lịch sử. Nếu có lúc bạn tự hỏi chiến tranh tại Việt Nam đã xảy ra như thế nào, thì cuốn sách này sẽ khiến bạn thấy hấp dẫn.

Xem thêm

Lão Tử Đạo Đức Kinh

Lão Tử là người huyện Khổ, nước Sở, sống trong thời Xuân Thu Chiến Quốc. Tương truyền ông là người viết bộ sách Đạo Đức Kinh, chủ yếu bàn về Đạo học và cách sống để hòa hợp với Đạo.

Xem thêm

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập và giảng dạy ở các trường học, cuốn sách được Nhà xuất bản chính trị quốc gia phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tái bản.

Xem thêm

Sổ tay du lịch thế giới dành cho doanh nhân

Tất cả những vấn đề liên quan đến du lịch thương mại trên 150 thành phố và 80 quốc gia đều được mô tả từng chi tiết trong quyển “Sổ Tay Du Lịch Thế Giới Dành Cho Doanh Nhân” này.

Xem thêm

Chính sử trung quốc qua các triều đại – 350 vị hoàng đế nổi tiếng

Trong dòng chảy kỳ vĩ của lịch sử, sinh mệnh của mỗi vị vua chỉ như một ánh sao băng vụt loé sáng. Nhưng những ghi chép trong thư tịch lại có thể trường tồn cùng thời gian…giúp người đọc hiểu tường tận lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc.

Xem thêm