Những thách thức và giải pháp khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế

08/03/2022 | 16:52

Được sự đồng ý của Chính phủ về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động hàng không, xuất nhập cảnh và du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã thông tin những điểm mới nhất trong phương án đề xuất dự kiến áp dụng từ ngày 15/03/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi công bố chính thức. Đây là tín hiệu rất khả quan với nền kinh tế-xã hội và ngành du lịch nước nhà nhưng vẫn còn đó không ít thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp nhằm phát huy hiệu quả khi triển khai, thực hiện chủ trương kịp thời và đúng đắn này.

Trước hết là thách thức đến từ chính nội tại ngành du lịch và chuỗi cung ứng các dịch vụ phụ trợ du lịch vốn đang bị đứt gãy từ hơn 2 năm qua. Các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ du lịch, đa phần đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau thời gian dài ngừng hoạt động, không có nguồn thu vì dịch bệnh hoành hành, đã kiệt quệ, phải đóng cửa, thậm chí phá sản hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác. Cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật… lâu ngày không được sử dụng, duy tu, bảo dưỡng nay đã xuống cấp. Một số cơ sở cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng, chỉ giữ chân số lượng nhỏ nhân sự, nay cũng đã cạn kiện mọi nguồn lực. Các dịch vụ phụ trợ du lịch trong chuỗi cung ứng như khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, quán bar, khu mua sắm, vui chơi-giải trí, làng nghề… nay mở, mai đóng, không có khách, không có doanh thu mà vẫn phải gánh chịu mọi chi phí vận hành, điện nước, nhân công, tiền thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí… kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nên đa số đã buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động, trả lại mặt bằng, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự. Vì vậy, phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong ngành du lịch và chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch đã buộc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác, lĩnh vực khác hoặc tự xoay xở để duy trì mức sống tối thiểu.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các nhà chuyên môn và Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc UNWTO[1], hoạt động du lịch quốc tế trong thời gian qua dù có khởi sắc, chuyển biến từng bước và dần khôi phục nhưng đều cho rằng sự phục hồi khiêm tốn này vẫn còn mang tính chất bấp bênh và mong manh (uneven and fragile recovery), trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành với những biến thể mới, diễn biến phức tạp, rủi ro lây lan dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, tình hình kinh tế-xã hội thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng toàn cầu đang phải thắt lưng, buộc bụng, sống tối giản, cắt giảm mọi khoản chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu, trong đó có du lịch và vui chơi – giải trí, chưa nói đến giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao, cấm vận hàng không và những tác động tiêu cực do tình hình chiến sự đang leo thang tại Ukraina.

Bên cạnh đó, việc chưa ban hành hướng dẫn mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, mà dư luận xã hội và ngành du lịch đang rất quan tâm, gây tâm lý e ngại, dè dặt, thăm dò, nghe ngóng bao trùm, đã tác động không nhỏ đến quyết định về: mức độ và quy mô tái hoạt động của những người sử dụng lao động là giới doanh nghiệp du lịch và chuỗi các nhà cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch, họ chưa dám vận hành đầy đủ bộ máy và công suất mà mới chỉ dừng lại ở ngưỡng hoạt động tối thiểu, cầm chừng, thất thường, luân phiên, duy trì vận hành, bảo dưỡng; việc quyết định quay trở lại hay không của đội ngũ nhân sự du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề khác, lĩnh vực khác, một số đã ổn định, không muốn đối mặt với tình trạng bấp bênh và rủi ro thất nghiệp nữa, đang là vấn đề đắn đo, cân nhắc của người lao động.

Ngoài ra, việc tái mở cửa du lịch quốc tế thường đi kèm với các chính sách giảm giá, khuyến mại, kích cầu hút khách, vô hình chung lại trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ du lịch, vốn đã rất kiệt quệ do dịch bệnh nay phải gồng mình giảm giá, khi mọi chi phí đều tăng cao, nhất là giá nhiên liệu và nhân công… nên không mấy mặn mà hưởng ứng.

Tiếp đến là những thách thức do yêu cầu phát sinh từ dịch bệnh Covid-19 ở mỗi nước đang rất khác nhau[2], tạo ra tâm lý không thoải mái cho du khách, gây lúng túng, bối rối và trở ngại về thủ tục khi thực hiện, làm tăng chi phí du lịch quốc tế.

Hiện nay các nước đã cấp hộ chiếu vắc xin, xác nhận tiêm chủng hay chứng nhận khỏi bệnh và đang có động thái công nhận lẫn nhau thì đâu đó vẫn còn tồn tại những vướng mắc, chưa nhất quán về thời gian và hiệu lực: sau 14 ngày hay bao nhiêu ngày kể từ mũi tiêm gần nhất, xác nhận có hiệu lực trong vòng 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm kể từ ngày cấp; số mũi tiêm khi có biến chủng mới Omicron phải tối thiểu là 2 mũi, 3 mũi hay thậm chí là 4 mũi. Việc người nhiễm bệnh nay đã được chữa khỏi thì có cần tiêm vắc xin nữa hay không, nếu cần thì tiêm sau bao lâu…, chưa kể đến những người chưa tiêm (người già có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ có thai…), các đối tượng bài vắc xin và vấn nạn giấy tờ giả. Theo Cục y tế dự phòng, dù mẫu hộ chiếu vắc xin của Việt Nam đã được các nước công nhận nhưng đến nay, nước ta vẫn chưa cấp hộ chiếu vắc xin do xác thực điện tử chưa tương thích với chuẩn châu Âu và các nước. Trong khi đó, một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Israel… đã tiến những bước xa hơn: không cần và không cấp xác nhận tiêm chủng nữa, đồng thời xóa bỏ mọi hạn chế phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đối với công dân của họ. Vậy vấn đề này xử trí như thế nào và liệu có còn cần thiết nữa hay không.

Phương án do Bộ VH-TT & DL đề xuất áp dụng từ 15/03/2022 đã có một bước tiến mới khi không đặt ra vấn đề cách ly y tế. Tuy nhiên, một số nước là thị trường lớn, trọng điểm của du lịch Việt Nam đang theo đuổi chính sách “Zero Covid” như Trung Quốc hay các nước chưa dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế, nơi dịch bệnh vẫn đang hoành hành như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…chưa khuyến khích công dân của họ đi du lịch nước ngoài và/hoặc vẫn áp dụng biện pháp hạn chế giao thương quốc tế, bắt buộc cách ly và xét nghiệm thu phí khi trở về.

Về xét nghiệm, hầu hết các nước đều yêu cầu du khách có kết quả âm tính với Covid-19 nhưng cũng không có sự nhất quán về thời hạn 24h hay 72h kể từ lúc xét nghiệm tới khi nhập cảnh. Điều này có thể gây trở ngại cho khách du lịch sử dụng phương tiện vận chuyển có hành trình dài hoặc quá cảnh, transit qua các nước trước khi đến Việt Nam. Hơn nữa, xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 3 ngày, 5 ngày hay 1 tuần và liệu có phải xét nghiệm lại nữa hay không; xét nghiệm bằng phương thức nào, xét nghiệm nhanh điện tử, qua nước bọt, qua hơi thở, qua ngoáy mũi hay PCR; xét nghiệm ở đâu: tại sân bay đi hay sân bay đến, tại khách sạn hoặc nơi lưu trú, hay trước khi lên phương tiện vận chuyển (máy bay, tàu, thuyền, xe lửa, ô tô…); chi phí xét nghiệm là bao nhiêu, do ai chi trả[3]; vấn nạn giả mạo giấy tờ, kết quả xét nghiệm…

Về bảo hiểm, vẫn theo phương án đề xuất nêu trên, du khách bắt buộc phải mua bảo hiểm có nội dung điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu là 10.000 USD. Tuy nhiên, quy định của mỗi nước về nội dung bảo hiểm và mức bảo hiểm lại khác nhau. Điều này làm chi du lịch phí tăng lên đáng kể và gây trở ngại không nhỏ cho du khách có hành trình đi qua nhiều nước.

 Và cuối cùng là những thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực. Thái Lan là nước đi đầu thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ rất sớm với chương trình Hộp cát Phuket (Phuket Sandbox), hiện họ đang áp dụng chương trình Xét nghiệm và đi du lịch (Test & Go) khá cởi mở, thu được những kết quả nhất định và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là việc khôi phục tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch và thiếu hụt, thất thoát nhân lực, để giành lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách quốc tế đến Thái Lan.

Singapore cũng là một điểm đến năng động, nhạy bén và uyển chuyển, sớm duy trì và khai thông hoạt động du lịch quốc tế qua các thỏa thuận song phương và đa phương như: Làn xanh đối ứng-Reciprocal Green Lane; thẻ thông hành-Air Travel Pass của Hiệp hội hàng không quốc tế IATA; hành lang du lịch-Travel Corridor Arrangements hay bong bóng du lịch-Travel Bubble. Hiện nay, nước này đang áp dụng chính sách Làn du lịch vắc xin-Vaccinated Travel Lanes song song với các biện pháp nêu trên một cách hiệu quả.

Malaysia đã chính thức công bố mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế không cách ly kể từ ngày 01/03/2022. Trung Quốc hiện vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt du lịch quốc tế, bắt buộc xét nghiệm y tế và cách ly 14 ngày do theo đuổi chính sách “ Zero Covid”.

Luồng khách du lịch quốc tế sẽ đổ đến những nước mở cửa sớm hơn, nhanh chóng hơn, có chính sách phòng ngừa lây lan dịch bệnh và visa xuất nhập cảnh thông thoáng hơn, là lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Dù thời điểm dự kiến mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế đã cận kề nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều yêu cầu du khách xét nghiệm và ở lại nơi lưu trú 24h kể từ khi nhập cảnh và không nên rời khỏi đó trong vòng 72h đầu tiên. Điều này gây tâm lý e ngại cho khách du lịch không khác gì việc phải cách ly y tế, cản trở rất nhiều đến hiệu quả triển khai, thực hiện chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. Trong khi đó, Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO và Tổ chức Y tế Thế giới WHO[4] đều nhất trí cho rằng mọi biện pháp hạn chế phòng ngừa lây lan dịch bệnh mang tính bao trùm đều phản tác dụng, lợi bất cập hại và kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội khi việc tiêm chủng và tỷ lệ bênh nhân được chữa khỏi đã đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng thì nên coi Covid-19 như là một loại bệnh thông thường và đã đến lúc cần phải gỡ bỏ mọi rào cản hạn chế du lịch quốc tế hiện nay.

Thiết nghĩ, để thực hiện tốt chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và hóa giải những thách thức nêu trên, bên cạnh việc mở cửa hàng không quốc tế, khôi phục chính sách visa xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, về phía các cơ quan chức năng cần nhanh chóng triển khai những giải pháp sau:

Thứ nhất, cần sớm có sự nhất quán giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp vể chủ trương, chính sách và các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 theo hướng thông thoáng và cởi mở hơn, không làm khó du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế để ban hành và công bố chính thức những hướng dẫn thực hiện chi tiết, đầy đủ, cụ thể và rõ ràng, làm cơ sở tái vận hành cỗ máy công nghiệp du lịch nước nhà và chuỗi cung ứng các dịch vụ phụ trợ du lịch, củng cố lực lượng nhân sự du lịch, kịp thời thông báo với công luận quốc tế qua các kênh thông tin chính thống của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT & DL, Tổng cục Du lịch, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, các phái đoàn thường trực trong các tổ chức quốc tế và thế giới, các đại sứ quán, lãnh sự quán, phòng thương mại, văn phòng đại diện hàng không, du lịch…. thông tin đến các đối tác, khách hàng, các thị trường khách du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ du lịch…lên kế hoạch thu hút, đưa du khách đến Việt Nam và đón tiếp, phục vụ khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Thứ hai, nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ, các gói trợ giúp ưu đãi nhằm khôi phục và vực dậy các hoạt động du lịch và chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch, củng cố hệ thống cơ sở, hạ tầng dịch vụ du lịch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn nhân lực du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước thu hút du khách đến Việt Nam.

Thứ ba, tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận quốc tế, đa phương và song phương về việc dỡ bỏ các rào cản, hạn chế đi lại và thống nhất áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đối với khách du lịch, nhất là các thị trường lớn, thị trường trọng điểm đang còn theo đuổi chính sách “Zero Covid” hoặc chưa mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

Về phía người sử dụng lao động, các doanh nghiệp du lịch và chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch, trước hết, cần nhanh chóng và kịp thời làm công tác xúc tiến, tuyên truyền, quáng bá, thông báo đến các đối tác, khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ về chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch và giao thương quốc tế; duy trì liên lạc để phổ biến những quy định triển khai thực hiện ngay sau khi cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn chính thức. Tiếp đến là khẩn trương khôi phục hoạt động, đổi mới sản phẩm, dịch vụ thích ứng với tình hình mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tập hợp nguồn nhân lực cũ, kịp thời bổ sung nhân lực mới, bồi dưỡng, củng cố đội ngũ nhân sự và chuẩn bị các phương án phòng dịch trong tâm thế sẵn sàng đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ phục hồi, các gói ưu đãi về nguồn vốn đầu tư tài chính, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch…

Về phía người lao động, đối với những người lao động cũ nay đã chuyển đổi sang lĩnh vực khác cần sớm cân nhắc, quyết định việc quay trở lại để chủ động liên hệ với người sử dụng lao động nhằm nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; không ngừng trau dồi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận sự hỗ trợ về đào tạo, phát triền nguồn nhân lực với tinh thần sẵn sàng làm việc. Đối với thị trường lao động, mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế là thời cơ, vận hội việc làm cho lớp người trẻ, năng động, sáng tạo, kịp thời bổ sung, tham gia ngành công nghiệp không khói và chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch, dự kiến bùng nổ sau đại dịch.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Gia – Chuyên gia nghiên cứu độc lập

[1] Theo báo cáo của UNWTO https://www.unwto.org/news/un-report-underscores-importance-of-tourism-for-economic-recovery-in-2022

[2] Tham khảo trang tin https://apply.joinsherpa.com/map?affiliateId=skyteam&language=en-US qui định về hạn chế phòng dịch của mỗi nước đối với khách du lịch.  

[3] Theo UNWTO thì không nên dồn hết gánh nặng tài chính lên vai khách du lịch https://www.unwto.org/news/unwto-and-who-travel-measures-should-be-based-on-risk-assessment

[4] Theo nguồn thông tin đăng tải tại trang https://www.unwto.org/news/blanket-travel-restrictions-don-t-work-unwto-adds-its-voice-to-who-statement

Bài viết liên quan

Thông báo chiêu sinh lớp Bồi dưỡng công chức cấp xã, chức danh văn hóa – xã hội

Trường Cán bộ quản lý VHTTDL thong báo chiêu sinh lớp Bồi dưỡng công chức cấp xã, chức danh văn hóa – xã hội năm 2025.

Xem thêm

Đảng uỷ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025

Sáng ngày 10/01/2025, tại Hội trường C6, Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Xem thêm

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Chiều 10/1 tại Hà Nội, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL Nguyễn Tuấn Linh.

Xem thêm

Khai giảng các lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp năm 2025

Chiều ngày 03/01/2025, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức lễ Khai giảng các lớp Bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên và tương đương – lớp L1,A1,K1,Q1; lớp Bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương – lớp L1; lớp Bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương – Lớp L1, theo hình thức trực tuyến.

Xem thêm

Lễ bế giảng Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Thể dục Thể hình và Fitness năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh

Qua 06 ngày nghiên cứu, học tập, lớp học đã nghiêm túc thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình theo kế hoạch, sáng ngày 27/12/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ bế giảng Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện Thể dục Thể hình – Fitness năm 2024.

Xem thêm