LIÊN KẾT HỢP TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH KON TUM TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY
09/07/2020 | 7:58
Kon Tum là cửa ngõ của Bắc Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Tây Nguyên và cả nước, là trung tâm của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Đặc biệt, Kon Tum có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm ở ngã ba Đông Dương huyền thoại, có đường Hồ Chí Minh nối Kon Tum với hai miền Nam – Bắc, nối với duyên hải miền Trung qua quốc lộ 24; nối với Nam Lào – Đông Bắc Campuchia – Đông Bắc Thái Lan qua quốc lộ 40; rất có điều kiện để liên kết hợp tác phát triển du lịch trên hành lang kinh tế Đông – Tây.
Thực hiện chiến lược phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến 2030; triển khai Dự án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2008 – 2015, định hướng đến năm 2020,trong những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo ngành Du lịch triển khai nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch, trong đó chú trọng mối liên kết hợp tác phát triển du lịch trên hành lang Đông – Tây qua 8 tỉnh Kon Tum – Quảng Ngãi – Bình Định (Việt Nam) – Attapeu – Sekong – Champasak (Nam Lào) – Ubon Ratchathani – Sisaket (Đông Bắc Thái Lan).
Định hướng liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
Để triển khai mối liên kết hợp tác phát triển du lịch trên hành lang Đông – Tây qua 8 tỉnh hiệu quả, định hướng liên kết hợp tác phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
Đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch sẵn có; phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hoá về du lịch, huy động các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước. Phát triển du lịch bền vững đặt trong mối kết quan hệ liên ngành, liên vùng trong khu vực và cả nước; phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ giá trị tài nguyên du lịch và xoá đói giảm nghèo; có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm hỗ trợ, tác động lẫn nhau cùng phát triển. Đẩy mạnh mối liên kết phát triển du lịch với quốc tế; trước mắt triển khai hiệu quả tuyến du lịch lữ hành qua hành lang 8 tỉnh của 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan. Phát triển du lịch phải gắn liền với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc.
Đoàn công tác tỉnh Kon Tum dự Hội nghị quốc tế về hợp tác kinh tế và du lịch tại Thái Lan
Nhiệm vụ và giải pháp liên kết hợp tác phát triển du lịch:
Để thực hiện tốt mối liên kết phát triển du lịch trên hành lang 8 tỉnh, xin đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thiết lập tuyến du lịch liên kết 3 nước đi qua các điểm du lịch nổi tiếng của 8 tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan) Champasak, Sekong, Attapeu ( Lào) Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định (Việt Nam):
Tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào thuộc Khu vực tam giác phát triển, liên kết với hai tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan là Ubon Ratchathani và Sisaket hình thành nên một tour du lịch đi qua ba nước Việt Nam – Lào – Thái Lan, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, tạo điều kiện cho du khách, các nhà đầu tư, các nhà quản lý, kinh doanh du lịch, nơi có tour du lịch đi qua, hợp tác phát triển. Có thể hoạch định tour du lịch chính thức như sau:
Tại Thái Lan, ở tỉnh Sisaket, du khách tham quan các di tích văn hóa lịch sử, các công trình kiến trúc chùa chiền của nền văn minh Khơme ở Na Kon Rachsima, Buiram và Surin; thăm phong cảnh thiên nhiên ở vách núi Mo E Đang, dãy núi Phanom Dong Rak ở tỉnh Sisaket, thưởng thức ẩm thực và mua hàng lưu niệm ở siêu thị trung tâm thành phố.
Ở tỉnh Ubon Ratchathani, du khách tham quan khu du lịch quốc gia ở Ubon, vườn quốc gia Pha Team với tháp vàng chọc trời mang ý nghĩa đặc trưng của người Thái; Công viên thành phố Ubon, Quần thể đá Sam Phan Bok dưới dòng sông MaenamSongSi; tham gia Lễ hội nến quốc tế tổ chức vào tháng 7 hàng năm; thưởng thức ẩm thực Thái và mua sắm ở siêu thị trung tâm thành phố.
Tại các tỉnh Champasak, Sekong, Attapeu thuộc khu vực Nam Lào: du khách tham quan một số danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa – lịch sử nổi tiếng như: thác Pha Khone, một trong những thác lớn nhất Đông Nam Á; thăm Đền Wat Phou, di sản văn hóa của thế giới; tham quan mua sắm tại siêu thị Đào Hương; thưởng thức các món ăn dân tộc độc đáo của Lào; thưởng thức các dịch vụ vui chơi giải trí tại Pakse, thăm Đài chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, Di tích Tên lửa Sam tại tỉnh Attapeu; thăm các khu du lịch sinh thái tại tỉnh SeKong; đặc biệt là Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tadd do.
Tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định (Việt Nam):
Ở Kon Tum, du khách tham quan và thưởng thức các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái sau: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa; tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, vườn quốc gia ChưMomRay, đặc biệt là khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, một số điểm du lịch cộng đồng ở các làng văn hóa.
Kon Pring, Kon Tu Rằng ( huyện Kon Plông), làng văn hóa Đăk Mế, Đăk Răng (huyện Ngọc Hồi), làng văn hóa Kon Ktu (TP. Kon Tum); làng văn hóa Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà); tham quan một số di tích lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo như: Cột mốc quốc giới 3 nước Việt Nam, Lào, CamPuChia; Tượng đài chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh; Ngục Kon Tum; nhà thờ Gỗ Kon Tum, Tòa Giám mục Kon Tum, Bảo tàng tỉnh Kon Tum; Thưởng thức các món ăn đặc sản và mua sắm sản phẩm hàng lưu niệm của các dân tộc bản địa tỉnh Kon Tum.
Ở tỉnh Quảng Ngãi, du khách thưởng thức các sản phẩm du lịch sinh thái biển đảo gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa như: Đảo ngọc Lý Sơn, đình làng An Hải, Khu lưu niệm Hải đội Hoàng Sa; Khu du lịch Sa Huỳnh, Khu du lịch Thiên Đàng, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, Khu lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, chùa Thiên Ấn. Tham quan nhà máy lọc dầu Dung Quất, thưởng thức đặc sản biển và mua sắm đặc sản địa phương.
Ở tỉnh Bình Định, du khách tham quan và thưởng thức các sản phẩm du lịch sinh thái biển gắn liền với những di tích lịch sử và văn hóa Chăm như: Khu du lịch Hầm Hô, Khu du lịch Ghềnh Ráng, mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, Bệnh viện phong Quy Hòa, tháp Cánh Tiên và dấu tích thành Đồ Bàn; thưởng thức các món ăn đặc sản biển và mua sắm hàng lưu niệm địa phương.
Ý tưởng thực hiện tour du lịch nầy xuất phát từ thực tiễn kế hoạch hợp tác phát triển du lịch Kon Tum – Lào – Thái Lan, dựa trên chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực như: Dự án: Hành lang kinh tế Đông – Tây; Dự án: Phát triển du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng; Dự án: Con đường di sản miền Trung; Dự án: Con đường xanh Tây Nguyên… thực hiện tour du lịch này góp phần kết nối các kế hoạch chung của phát triển du lịch Việt Nam và khu vực nói chung; kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Kon Tum – Lào – Thái Lan nói riêng trên hành lang kinh tế Đông – Tây.
Hội nghị hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh Việt Nam, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan
Thành lập và giới thiệu các cơ quan, đơn vị du lịch đầu mối, doanh nghiệp lữ hành đầu mối:
Để triển khai tốt mối liên kết phát triển du lịch cần xác lập các tổ chức làm nhiệm vụ đầu mối kết nối các hoạt động quản lý, kinh doanh và tuyên truyền, quảng bá du lịch như:
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương 8 tỉnh là đầu mối tham mưu chính quyền các cấp hoạch định các chính sách về quản lý du lịch. Hiệp hội du lịch của 8 tỉnh là đầu mối liên kết các hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội du lịch 8 tỉnh để triển khai mối liên kết phối hợp về quản lý và kinh doanh du lịch đi qua hành lang 8 tỉnh đạt hiệu quả.
Kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch trên hành lang 8 tỉnh cần chú trọng:
Chính quyền 8 tỉnh của ba nước ở khu vực liên kết, hợp tác phát triển du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch của ba nước đến tham quan, khảo sát , tìm hiểu thị trường và đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực du lịch. Hàng năm, tổ chức Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch luân phiên giữa 8 tỉnh có mối liên kết của ba nước.
Cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội du lịch 8 tỉnh của 3 nước hằng năm phối hợp tổ chức một tour famtrip cho các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan thông tin, báo chí của 8 tỉnh tham quan, khảo sát tuyến du lịch đi qua hành lang của 8 tỉnh Thái Lan – Lào – Việt Nam để hoạch định chiến lược kinh doanh và tuyên truyền quảng bá hiệu quả.
Chính phủ ba nước bàn bạc, thỏa thuận một số cơ chế, chính sách thuận lợi cho các thủ tục thông quan ở các cặp cửa khẩu quốc tế giữa ba nước.
Các tỉnh có tour du lịch đi qua, phối hợp với các ngành liên quan trình Chính phủ mỗi nước tạo điều kiện thuận lợi về quản lý và công tác xuất nhập cảnh của du khách, cụ thể như sau:
– Các loại phí tập trung thu một lần tại một điểm.
– Thành lập Trung tâm thông tin du lịch tại mỗi cửa khẩu.
– Làm biển báo giá các thủ tục, dịch vụ bằng 4 thứ tiếng (Việt, Lào, Thái, Anh) ở nơi dễ nhận biết.
– Sử dụng thiết bị tiên tiến trong việc kiểm soát, bảo đảm an toàn thuận lợi cho du khách.
– Dịch vụ vận chuyển khách du lịch thực hiện theo Hiệp ước vận chuyển khách du lịch đường bộ giữa 3 nước (Lào, Việt Nam, Thái Lan) đã ký ngày 02 tháng 11 năm 2007 tại Singapore. Mỗi bên phải thông báo trước về chương trình, danh sách đoàn khách sắp khởi hành cho các cơ quan chức năng nơi có điểm du lịch biết nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức, thực hiện.
Để thực hiện tốt kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch hành lang Đông -Tây qua 8 tỉnh: Kon Tum – Quảng Ngãi – Bình Định (Việt Nam) – Attapeu – Sekong – Champasak (Nam Lào) – Ubon Ratchathani – Sisaket (Đông Bắc Thái Lan) cần có sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch, các nhà kinh doanh du lịch của 8 tỉnh và chính phủ ba nước Việt Nam – Lào – Thái Lan trong hoạch định chiến lược quản lý, kinh doanh du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của mỗi quốc gia, khu vực và địa phương nhằm triển khai tốt mục tiêu phát triển du lịch, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội nhằm kết nối Đông – Tây, Biển – Núi./.
Hoàng Lê Ân – Hội VHNT tỉnh Kon Tum
Bài viết liên quan
Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023
Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).
Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo
Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).
Bộ VHTTDL hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19″
Chiều 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.