Lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định mô hình quản lý khu du lịch Quốc gia
27/07/2021 | 14:10
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia (KDLQG).
Theo đó, KDLQG đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc khai thác tài nguyên du lịch, hình thành sản phẩm đặc thù có vai trò định hướng, dẫn dắt phát triển du lịch của vùng và cả nước.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định, hiện tại, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. Trong đó, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KDLQG; 6 địa điểm được công nhận là KDLQG gồm: KDLQG Hồ Tuyền Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Núi Sam (tỉnh An Giang), Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) và Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).
Trong khi đó, cách thức quản lý KDLQG rất đa dạng. Nhiều khu đã thành lập ban quản lý (BQL), trong đó, một số BQL là các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc UBND cấp tỉnh; một số khác là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh, các sở chuyên ngành hay UBND cấp huyện. Nhiều khu lại chưa thành lập BQL, do UBND cấp huyện và cấp xã quản lý trực tiếp. Mỗi cách thức quản lý đều có những thuận lợi và khó khăn riêng.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khu, điểm du lịch nói chung và các KDLQG nói riêng, việc xây dựng, ban hành Nghị định về mô hình quản lý KDLQG là cần thiết.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL KDLQG. Theo đó, BQL KDLQG có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển KDLQG dài hạn, trung hạn, hằng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; các chủ trương, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KDLQG, các chương trình, dự án đầu tư phát triển trong KDLQG.
Đồng thời, tham gia ý kiến đối với các dự án đầu tư trong phạm vi KDLQG; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt bảo đảm đúng quy hoạch.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện nghiên cứu, đánh giá, xác định sức chứa của KDLQG để quản lý và tổ chức khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch; nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu điểm đến KDLQG; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá KDLQG tới thị trường trong nước và quốc tế; hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách du lịch; cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển KDLQG; liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch trong phạm vi KDLQG.
Quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch; tư vấn, hỗ trợ hoạt động đầu tư, khai thác kinh doanh phát triển du lịch trong phạm vi KDLQG…/.
Nguồn: bvhttdl
Bài viết liên quan
Việt Nam hợp tác du lịch chặt chẽ với các quốc gia ASEAN+3
Ngày 11/7/2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã tham dự Hội nghị trực tuyến Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 45. Malaysia và Hàn Quốc là đồng Chủ tịch Hội nghị.
Đoàn Thanh niên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động phong trào “Thanh niên du lịch hành động Xanh” giai đoạn 2024 – 2025
Nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của cơ quan và của ngành du lịch, đồng thời phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ thông qua các phong trào thanh niên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động phong trào “Thanh niên du lịch hành động Xanh” giai đoạn 2024 – 2025.
Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
Vào hồi 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Du lịch là cầu nối gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hoá, tài nguyên văn hoá được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.
Đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa
Chiều 16/4, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 đã chính thức bế mạc sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 13/4-16/4/2023) với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.