Lai Châu với thành tựu xây dựng nếp sống mới, con người mới

05/06/2019 | 5:54

Văn hóa có vị trí và vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của một quốc gia. Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Tỉnh Lai Châu với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã góp phần tỏa sáng nếp sống mới, con người mới trong quá trình hội nhập phát triển.

1. Những cách làm hiệu quả

Để đạt được những thành tựu đang tự hào trong xây dựng nếp sống mới con người mới Lai Châu, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 27 văn bản như: Chương trình hành động, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch trên tinh thần đảm bảo tính kế thừa và cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và đồng bào dân tộc trên địa bàn, tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp; đẩy lùi những hủ tục rườm rà, lạc hậu gây cản trở quá trình hội nhập phát triển. Tiêu biểu như: Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa đến 2020, định hướng đến 2030; Đề án về phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Đề án bảo tồn dân tộc Cống, Mảng, La Hủ…

Bên cạnh đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn chuyên môn về văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình theo thẩm quyền như: Quản lý tổ chức hoạt động Nhà văn hóa, Đội văn nghệ; quy ước hương ước, công tác thông tin tuyên truyền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo phong trào “TD ĐKXD ĐSVH” cấp tỉnh, BCĐ phong trào các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa; bản, khu phố, tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt từ việc thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa đã góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước, tuyên truyền nói xấu, xuyên tạc, bóp méo sự thật gây hoang mang trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tiếp tục được đẩy lùi, đặc biệt tại các xã, bản vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì được quảng bá,

giới thiệu tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Hà Nội) năm 2019.

2. Phát huy nếp sống mới, con người mới Lai Châu trong thời kỳ mới…

Để việc xây dựng nếp sống mới, con người mới Lai Châu phát triển toàn diện, hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ, các huyện, thành phố đều đề ra những giải pháp khác nhau đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc. Nếu như huyện Tân Uyên xác định việc xây dựng phát triển văn hóa con người đi đôi xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phấn đấu đến năm 2019 có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn huyện lên 08/09 xã; đến hết năm 2020, 09/09 xã hoàn thành xây dựng nông mới, thị trấn Tân Uyên đạt chuẩn văn minh đô thị, Tân Uyên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lai Châu. Thì huyện Tam Đường lại chọn việc phát triển văn hóa con người gắn với phát triển du lịch, tức là biến các di sản, giá trị bản sắc văn hóa của từng dòng họ tộc người trở thành tài sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân thông qua việc xây dựng các bản văn hóa du lịch cộng đồng. Nhờ đó năm 2018 lượng du khách đến với Tam Đường đạt gần 80.000 lượt người, tăng gần 68.000 lượt du khách so với năm 2015; doanh thu đạt 24 tỷ đồng, tăng 21 tỷ so với 2015. Khác với các huyện, thành phố Lai Châu lại chọn “xây dựng phát triển văn hóa con người gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, tuyến phố văn minh, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… đặc biệt hàng năm thành phố có 3 lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi giải trí của nhân dân là lễ hội “Đền thờ Vua Lê Lợi” ở phường Đoàn Kết; lễ hội “Tú Tỷ” của dân tộc Giấy xã San Thàng; lễ hội “Gầu Tào” dân tộc Mông xã Nậm Loỏng.

Nếu như trước kia, ở xã Ka Lăng (Mường Tè), trong đám tang thi hài người quá cố thường để vài ngày trong nhà, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba thường xuyên xảy ra thì ngày nay với những cách làm mới, suy nghĩ mới đã góp phần xây dựng con người mới văn hóa văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc xã Ka Lăng, hay tết mùa mưa “Zé khù chà” được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm với những bài hát, điệu múa, những trò chơi dân gian đặc sắc của người Hà Nhì như: đánh cù, đi cà kheo, đu lăng. Toàn xã hiện có 11/11 bản có quy ước, nhà văn hóa và có Đội văn nghệ hoạt động thường xuyên; số hộ nghèo giảm từ 57% của 2016, đến nay còn 43%; đặc biệt không còn tình trạng uống rượu xay gây mất an ninh trật tự; từ năm 2016 đến nay không có hộ sinh con thứ ba, đám tang chỉ để hai ngày trong nhà, 80% đường giao thông nội bản được bê tông hóa.

Nếp sống mới, con người mới Lai Châu văn minh, lành mạnh giàu bản sắc được lan tỏa, thấm sâu vào từng người dân, gia đình, dòng họ, tộc người thông qua từng hành động, việc làm cụ thể của từng người dân ở địa bàn dân cư. Nhờ đó đến nay toàn tỉnh có 79,3% số hộ gia đình; 66,5% số bản, khu phố; 94,6% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 1.102 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; 699 nhà văn hóa bản, khu phố, 82 nhà văn hóa cấp xã; 92,4% thôn, bản, khu phố xây dựng được quy ước, hương ước và áp dụng vào cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 31.000 hiện vật; 26 di tích được xếp hạng, trong đó có 21 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 05 di tích Quốc gia và 01 Bảo vật quốc gia; 13 “Nghệ nhân ưu tú”, đây chính là những pho tượng sống góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng như duy trì tổ chức 40 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hàng năm.

Điểm du lịch Đồi thông Tả Lèng (Tam Đường) góp phàn mang lại

thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Từ các nguồn đầu tư của nhà nước và xã hội hóa, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 310 câu lạc bộ và điểm tập luyện TDTT, 105 nhà luyện tập TDTT đơn giản, 5 sân vận động, 76 nhà tập luyện thể thao, 17 sân quần vợt, 9 sân bóng đá mi ni thảm có nhân tạo; tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 26,75% dân số; 17,88% gia đình thể thao; trên 90% gia đình thực hiện việc cưới, việc tang theo quy định của pháp luật, 100% lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc đảm bảo thực hiện theo quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Đặc biệt 67 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 370 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 400 nhóm PC BLGĐ, 400 CLB GĐPTBV với 6.187 thành viên tham gia chính là nơi hội tụ, lưu truyền môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, dòng họ, tộc người.

Có thể nói, từ sự tích cực vào cuộc của cấp ủy chính quyền các cấp, cũng như công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường đã góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng “Văn hóa là nền tảng tỉnh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”. Từ một lĩnh vực mang chức năng giáo dục, tuyên truyền, thì nay văn hóa đã dần trở thành một lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại lợi nhuận cho người dân, thông qua việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh tín ngưỡng, du lịch khám phá trải nghiệm… góp phần nâng cao đời sống người dân, giữ vững an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Giữ gìn phát huy giá trị trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, xây dựng hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì công tác quản lý nhà nước về văn hóa những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục trong thời gian tới như: Hệ thống các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa còn thiếu, chưa đảm bảo đồng bộ. Còn có thiết chế văn hoá xã, bản được xây dựng ở địa điểm không phù hợp dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Mức đầu tư kinh phí dành cho lĩnh vực văn hóa còn thấp. Việc quy hoạch đất cho các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em từ tỉnh đến cơ sở còn chưa đồng bộ. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hiệu quả.

Để văn hóa trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu. Gắn việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia, hưởng ứng xây dựng con người Lai Châu có lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh; tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn; đấu tranh, phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý. Đặc biệt chú trọng việc truyền dạy, phục dựng các lễ hội truyền thống, giữ gìn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, nhất là chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế nhằm khai thác tiềm năng kinh tế hỗ trợ cho văn hóa phát triển; mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác tài nguyên văn hóa một cách hợp lý để phát triển du lịch, dịch vụ. Ưu tiên dành quỹ đất quy hoạch và xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí từ tỉnh đến cơ sở, để tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Quan tâm, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đảm bảo theo tỷ lệ quy định. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm như: Nhà bảo tàng, Thư viện, Nhà văn hóa tỉnh, Nhà luyện tập thi đấu thể thao đa năng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… tham gia xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể thao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra văn hóa, gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Các cấp cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả trong công tác quản lý văn hóa.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dòng họ, tộc người ở các xã, bản vùng cao, khu vực biên giới, duy trì các hoạt động văn hóa và tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch ở các huyện, thành phố vào dịp 2/9 hàng năm, thì Lai Châu còn là một trong những tỉnh có những đóng góp tích cực trong việc tổ chức các ngày hội văn hóa khu vực và toàn quốc. Đặc biệt “một nếp sống mới con người mới Lai Châu” đang ngày càng tỏa sáng góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển tỉnh Lai Châu theo hướng bền vững.

                                                                   Bài, ảnh: Nhật Minh

Bài viết liên quan

Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).

Xem thêm

Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.

Xem thêm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo

Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Xem thêm

Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam

Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).

Xem thêm

Bộ VHTTDL hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19″

Chiều 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Xem thêm