Gìn giữ nét đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
09/04/2019 | 6:02
Từ bao đời nay, trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Vua Hùng là vị Tổ tiên chung của cả dân tộc, đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang – Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao của Người, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ra đời và có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ con dân Việt Nam.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non, vẫn nước non này ngàn năm“
Từ bao đời nay, trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Vua Hùng là vị Tổ tiên chung của cả dân tộc, đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang – Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao của Người, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ra đời và có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ con dân Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn – tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Hiện tại theo kiểm kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trung tâm của khu di tích là dãy núi Hùng – nơi thờ các Vua Hùng với độ cao 175 mét so với mặt nước biển. Thủa xa xưa, vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang. Cố đô xưa nằm giữa hai dòng sông giống như hai hào vòng thành thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô. Nhìn từ xa, núi Hùng giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ. Phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên chầu về Nghĩa Lĩnh. Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. Sát núi Hùng còn có những quả đồi như phượng chầu như (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ – Chu Hoá). Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thuỷ hữu tình.
Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào. Đến năm 1967, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng. Năm 2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 âm lịch trở thành ngày Quốc lễ. Ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.
Người dân trên khắp mọi miền tổ quốc hành hương về đất Tổ. Ảnh: internet
Đã thành truyền thống hàng năm, cứ mỗi độ “Tết đến, xuân về”, bất kể đất nước ta, dân tộc ta ở trong hoàn cảnh nào, dù chiến tranh hay thời bình, dù nghèo khó hay giàu có thì hàng triệu triệu cháu con từ khắp mọi miền đất nước, từ nơi “chân trời góc bể” trên khắp năm châu bốn biển lại cùng trở về ngọn núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng để thắp nén tâm hương tri ân công đức biển trời của Đức Quốc Tổ Hùng Vương.
Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, Lễ hội Đền Hùng gồm có 2 phần: phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ được cử hành rất trọng thể mang tính Quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “Lễ Tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu cùng nhạc khí là trống đồng cổ. Sau một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp theo là phần tế lễ của các cụ bô lão làng xã sở tại quanh Đền Hùng. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các Vua Hùng.
Lễ rước kiệu tại Đền Hùng. Ảnh internet
Sau phần Lễ là phần Hội. Đây là phần sôi nổi và thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách thập phương tham dự với các cuộc thi hấp dẫn, phong phú như: Thi kiệu của các làng, thi làm bánh chưng, bánh dầy, thi bơi chải, hát Xoan… trong đó, phần thi rước kiệu là thu hút sự chú ý hơn cả. Mỗi làng ở xung quanh Đền Hùng chuẩn bị một cỗ kiệu và tập trung trước vài ngày diễn ra lễ chính. Một đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu đi liền nhau, đều được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Sự bày biện trang trí trên cỗ kiệu cũng rất khéo léo và đẹp mắt. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn nhang, trầu cau, chóe nước và bầu rượu. Cỗ kiệu thứ 2 có đặt hương án, bài vị của Thánh, có lọng và quạt cho với nhiều sắc màu trang hoàng tôn nghiêm. Cỗ thứ 3 rước bánh chưng và bánh dày, 1 cái thủ lợn luộc để nguyên, đi sau 3 cỗ kiệu này là các vị quan chức và bô lão trong làng. Các vị chức sắc mặc áo thụng theo kiểu các bá quan triều đình, còn các cụ bô lão mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp. Cỗ kiệu nào đoạt giải Nhất thì đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng để cử hành Quốc lễ và đó là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của dân làng ấy. Bởi họ cho rằng, đã được các Vua Hùng cùng các vị thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, nhân khang, vật thịnh… Tuy nhiên, để có được đám rước các cỗ kiệu đẹp lộng lẫy phải chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ trước. Những khó khăn vất vả của dân làng đã thôi thúc họ vượt qua được để đến với cái linh thiêng, cao cả và hướng về Tổ tiên giống nòi. Đó là đời sống tâm linh của dân chúng, được biểu hiện rõ nét qua một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính cộng cảm với cộng mệnh sâu sắc. Sinh hoạt văn hóa dân gian này đã thành nhu cầu không thể thiếu được đối với các cộng đồng làng xã cư trú quanh Đền Hùng.
Tính độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay đã trở thành bản sắc văn hoá đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Là “sợi chỉ đỏ tâm linh” là “động lực tinh thần” gắn kết toàn dân tộc thành cây một cội, thành con một nhà, làm nên sức mạnh của truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đang trên đà “đổi mới và phát triển” hôm nay. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn có những đóng góp quan trọng cho việc thực hành các chức năng xã hội của văn hóa, hình thành các giá trị về nhận thức, giáo dục, đào luyện nhân cách văn hóa, định hướng hành vi con người, chuyển hóa các giá trị đạo đức thành hành động cho các cá nhân, các nhóm cộng đồng xã hội. Nhưng có lẽ, lòng yêu nước nồng nàn là truyền thống tốt đẹp nhất trong bảng giá trị văn hóa Việt Nam. Tuy rằng, yếu tố quyết định làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho nó không giống các quốc gia, dân tộc khác phải là cả hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng chỉ xét riêng lĩnh vực hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thì Đền Hùng đã là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam mà ta rất ít thấy ở các quốc gia khác. Đó cũng là nền tảng tâm linh vững chắc để củng cố và phát triển phẩm chất, nhân cách của mỗi con người Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống “yêu nước, thương nòi” cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau. Để dân tộc Việt Nam mãi mãi là khối sức mạnh đại đoàn kết vững chắc chống lại mọi thế lực thù địch để trường tồn tiến bước thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!
Thành công thành công, đại thành công”.
Trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết, dân tộc ta cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá quý báu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại để góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cũng vì những lẽ trên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân khắp mọi miền đất nước đặc biệt quan tâm. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã, đang và sẽ được tổ chức một cách trọng thể, trang nghiêm vì mục tiêu: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xây dựng một xã hội có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc biết ơn các Vua Hùng và những Anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc ta./.
Trần Anh – Du lịch Phú Thọ
Bài viết liên quan
Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023
Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).
Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo
Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).
Bộ VHTTDL hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19″
Chiều 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.