DU XUÂN KON TUM
14/01/2020 | 2:36
Cơn mưa cuối mùa đã dứt. Nắng bừng lên trong cái gió xôn xao, vàng rực những đường hoa dã quỳ. Từ núi rừng mênh mang đến phố thị tấp nập, trỗi dậy một sức sống tràn trề, nôn nao hồn khách lãng du, như giục giã họ tìm đến những vùng đất lạ để khám phá những lễ hội văn hóa, những cảnh quan thiên nhiên, những công trình kiến trúc, những di tích nổi tiếng… Kon Tum là một vùng đất như thế của Tây Nguyên hoang sơ, phóng khoáng và huyền bí!
1. Khám phá thành phố Kon Tum:
Trong không khí se lạnh của sáng mai xuân, không gì thú vị bằng ngồi nhâm nhi ly cà phê với bạn bè ở Nhà tre của khách sạn 3 sao Indochine, bên bờ sông Đăk Bla phủ mờ sương khói. Sau đó, thư thả lên đường tham quan Bảo tàng tỉnh Kon Tum để có một cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất, con người Kon Tum qua những hiện vật sinh động, hấp dẫn. Bạn có thể tham gia các trò chơi dân gian mang đậm hương vị ngày tết cổ truyền được tổ chức trong khuôn viên bảo tàng. Tiếp đến, bạn thăm Ngục Kon Tum, di tích lịch sử quốc gia, nơi ghi lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù cộng sản từ những năm 1930 – 1931, thắp nén nhang tưởng niệm, nhìn những hiện vật, nghe câu chuyện cảm động, bi hùng của bao thế hệ cha anh. Sau đó, bạn tới tham quan Nhà thờ Gỗ Kon Tum, công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo nổi tiếng hơn 100 năm tuổi, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Bạn có thể ghi vài tấm hình lưu niệm, đảm bảo đứng ở góc nhìn nào, hình của bạn cũng đẹp.
Tiếp theo, bạn lên đường tham quan nhà rông Kon Klor của người dân tộc Bahnar, nhà rông lớn và đẹp nhất của tỉnh Kon Tum. Thư giãn giây lát, bạn vượt qua cầu treo Kon Klor, nối đôi bờ sông Đăk Bla xinh đẹp, đến tham quan làng văn hóa Kon Ktu, một trong những ngôi làng cổ nhất của dân tộc Bahnar ở Kon Tum. Tại đây, bạn có thể tham gia các sinh hoạt của dân làng như dệt thổ cẩm, chế tác hàng lưu niệm, chèo thuyền độc mộc trên sông… Trưa rồi, bạn thưởng thức các món ẩm thực của làng như cơm lam, gà nướng, măng le, rượu ghè…cùng các loại hoa trái trong vườn. Bạn có thể nghỉ trưa ở nhà rông hoặc ở các gia đình có dịch vụ homestay. Chiều, bạn trở về thành phố, tham quan Tòa Giám mục, công trình kiến trúc hài hòa giữa phong cách châu Âu với lối kiến trúc nhà sàn bản địa. Nơi đây có phòng truyền thống, được xem như một bảo tàng thu nhỏ, với những hiện vật quý, chân thực, lưu lại những sinh hoạt, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc tỉnh Kon Tum từ thuở xa xưa đến nay. Tiếp đến, bạn tham quan Chùa Tổ đình Bác Ái, ngôi chùa cổ kính, nghe kể lại lịch sử hình thành của ngôi chùa, để tâm hồn lắng lại, thanh thản sau một ngày rong ruổi với Kon Tum.
Chia tay nhau ở một nhà hàng hoặc quán ăn ở thành phố với những món ẩm thực đặc sắc, và không nên bỏ qua món gỏi lá Kon Tum, một trong mười món ăn Việt Nam đạt kỷ lục châu Á; nếm thêm chút rượu Sâm Ngọc Linh, loại sâm nổi tiếng với các kỷ lục của châu Á và thế giới!
2. Lãng du chốn đại ngàn thông, hồ, thác, núi Măng Đen:
Từ thành phố Kon Tum, theo Quốc lộ 24 di chuyển đến Kon Plông, khoảng 55km. Mùa xuân, qua cung đường đèo Măng Đen, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên của núi rừng, đẹp, hoang sơ và huyền bí. Hết đèo, không khí se lạnh “Đà Lạt thứ hai” của Kon Tum đón chào du khách tới với một đại ngàn thông và gió. Ẩn mình dưới ngàn thông là những ngôi biệt thự xinh xắn với những cung đường uốn khúc. Hồ Đăk Ke, hồ yên ả và tĩnh lặng giữa đại ngàn thông xen lẫn với những cây mimoza khoe hoa sắc vàng tươi, những nụ hoa hồng đào soi bóng ven hồ và thác Đăk Ke.
Tiếp theo, du khách đến viếng chùa Khánh Lâm, một trong những ngôi chùa lớn, đẹp nằm giữa đại ngàn với lối kiến trúc trang nghiêm và thẩm mỹ. Rời chùa Khánh Lâm, lên đường tới thác Pa Sỹ, ngọn thác đẹp, tung nước trắng xóa giữa bốn bề rừng núi hoang sơ và tới những căn nhà nhỏ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên bên suối, thưởng thức bữa trưa với những món ăn đặc sản của địa phương như: Gà nướng Măng Đen, cơm lam, heo làng nướng xiên, cá tầm Măng Đen, rượu vang sim Măng Đen…, là những món ẩm thực được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp hạng 50 món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Lắng hồn mình với tiếng gió rì rào, tiếng thác vang vọng giữa màu xanh thanh tĩnh chốn đại ngàn.
Trên đường trở về, du khách ghé thăm Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, ngắm những loại rau, hoa xứ lạnh được ứng dụng sản xuất, trồng trọt nơi đây. Thăm Đồi Đức Mẹ Măng Đen, điểm du lịch tâm linh được du khách ưa thích.
Tượng Đức mẹ Măng Đen
Trên đường về, bạn thăm tượng đài Chiến thắng Măng Đen ở quảng trường trung tâm huyện. Ghé Điểm dừng chân Măng Đen, bên Quốc lộ 24, mua những đặc sản địa phương, trong đó có nhiều đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận top 50 món đặc sản nổi tiếng Việt Nam để làm quà cho người thân sau chuyến lãng du đến xứ sở đại ngàn thông, hồ, thác, núi Măng Đen.
3. Du xuân thăm Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) – Phu cưa (Attapeu, Lào) và Cột mốc quốc giới Việt Nam – Lào – Campuchia ở Ngã Ba Đông Dương huyền thoại:
Kon Tum có vị trí chiến lược trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên và cả nước, là nơi có điểm du lịch quốc gia Ngã ba Đông Dương gắn liền với Cột mốc quốc giới Việt Nam – Lào – Campuchia huyền thoại. Bởi vậy, ngày xuân, cùng bạn bè làm một chuyến du xuân tới vùng biên ải này thì thật là thỏa chí tang bồng ở chốn “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”.
Từ thị trấn Plei Kần theo Quốc lộ 40, đi khoảng 18km các bạn đến Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Trước khi đi, Đoàn lập danh sách trích ngang (có số lượng xe, số xe, số lượng khách, số chứng minh nhân dân) gửi trước qua địa chỉ email cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Bờ Y, để các đơn vị này nắm thông tin trước và liên hệ với Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Phu Cưa ( Lào).
Tại Cửa khẩu, du khách trực tiếp làm các thủ tục đăng ký với Ban quản lý Cửa khẩu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để được nhanh chóng nhận Giấy giới thiệu kèm theo danh sách của Đoàn, sau đó theo đường biên phòng để đến cột mốc quốc giới Việt Nam – Lào – Campuchia.
Đến bên Cột mốc quốc giới Việt Nam – Lào – Campuchia ở độ cao trên 1000 mét, phóng tầm mắt nhìn về bốn hướng ngắm nhìn vùng biên ải xa xăm, nối liền một vùng đất Ngã ba Đông Dương huyền thoại với hình hài đất đai ba nước cùng chung lưng đấu cật trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước.
Rời Cột mốc quốc giới ba nước, trở về Cửa khẩu quốc tế Bờ Y – Phu Cưa, xuất trình giấy tờ đã được cấp, theo sự chỉ dẫn của Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Phu Cưa (Lào) để nhập cảnh vào đất nước Lào với khoảng cách cho phép là 12km từ Cửa khẩu quốc tế Phu Cưa đến làng DakSon tỉnh Attapeu – Lào, tuy nhiên cũng đủ để du khách cảm nhận được đất nước Lào bình dị, thân thiện và xinh đẹp. Trở lại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tại gian hàng miễn thuế du khách mua vài món hàng lưu niệm ngày xuân rồi trở lại Kon Tum, kết thúc hành trình du xuân với ký ức vùng Ngã ba Đông Dương huyền thoại!
Hoàng Lê Ân
Bài viết liên quan
Hành trình mở cánh cửa tới thị trường 1,9 tỉ người
VHO – Mới đây, tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”; kết hợp lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Nhà trường với nhiều đối tác trong và ngoài nước.
Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam nhìn từ Thụy Sỹ: Chú trọng ba vấn đề
VHO – Chính phủ Thụy Sỹ vừa công bố tài trợ hơn 100 tỉ đồng cho Việt Nam nhằm hỗ trợ các tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2024-2027. Đây là cơ hội quý báu để ngành du lịch Việt Nam học hỏi và phát triển.
Việt Nam hợp tác du lịch chặt chẽ với các quốc gia ASEAN+3
Ngày 11/7/2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã tham dự Hội nghị trực tuyến Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 45. Malaysia và Hàn Quốc là đồng Chủ tịch Hội nghị.
Đoàn Thanh niên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động phong trào “Thanh niên du lịch hành động Xanh” giai đoạn 2024 – 2025
Nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của cơ quan và của ngành du lịch, đồng thời phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ thông qua các phong trào thanh niên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động phong trào “Thanh niên du lịch hành động Xanh” giai đoạn 2024 – 2025.
Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
Vào hồi 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.