Để du lịch làng cổ đường lâm phát triển

06/10/2021 | 8:53

Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng khách du lịch trên địa bàn Hà Nội, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi, trong đó xu hướng tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cộng đồng ở điểm đến được khách du lịch quốc tế đặc biệt chú ý. Theo đó, việc phát triển du lịch làng cổ, làng nghề gắn với du lịch đã và đang là xu hướng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, lịch sử kết hợp với bảo tồn một cách bền vững.

Làng cổ Đường Lâm thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn minh văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, được biết đến với những cái tên rất thuần Việt, như: “Làng cổ đá ong”, “Làng Việt cổ”… Đây là quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 8 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh). Đặc biệt, nơi đây hiện còn lưu giữ được 97 ngôi nhà cổ (tập trung chủ yếu tại Mông Phụ) với nhiều giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ; 5 thôn trong khu vực di tích Làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống. Năm 2005, Làng cổ Đường Lâm được xếp hạng “Di tích kiến trúc- nghệ thuật cấp quốc gia’’, là tài sản vật chất, tinh thần vô giá của người dân Đường Lâm, thị xã Sơn Tây và di sản vô giá của nhân dân Thủ đô, cũng như của cả nước. Với tiềm năng du lịch đặc sắc đó, những năm gần đây, du lịch tại Làng cổ Đường Lâm đã có những bước phát triển nhất định. Tính đến thời điểm hiện tại, Làng đã đón tiếp trên 80 vạn lượt khách đến tham quan, thu phí đạt trên 13 tỷ đồng, một số nghề được khôi phục, phát triển như thêu, rèn, làm bánh kẹo, đã bảo tồn một số hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Nhiều hộ gia đình trong Làng cổ tham gia kinh doanh homestay. Tính đến tháng 09/2019 đã có trên 100 hộ dân tại khu vực 05 thôn của di tích làm dịch vụ du lịch và tham gia tạo các sản phẩm phục vụ khách du lịch, tăng 23 hộ so với năm 2016.

Tuy nhiên, trong khoảng 02 năm trở lại đây, lượng khách quốc tế đến Đường Lâm có phần chững lại, tăng trưởng chậm, du lịch Đường Lâm chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng vốn có.  Xem biểu đồ về lượng khách đến Đường Lâm trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay:  

Lượng khách quốc tế đến Làng cổ

Đường Lâm giai đoạn từ 2016 đến hết tháng 10/2019

Đơn vị tính: nghìn người

(Ghi chú:khách chủ yếu đến từ Nhật Bản, Pháp, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Đức, Ý)

Nguồn số liệu: BQL Làng cổ Đường Lâm

Số tiền thu phí giai đoạn từ 2012 2018

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nguồn số liệu: BQL Làng cổ Đường Lâm

Đánh giá chung về du lịch Làng cổ Đường Lâm:

Điểm mạnh:

– Có vị trí thuận lợi, kết nối giao thông tốt, khả năng tiếp cận dễ dàng, đặc biệt thuộc Hà Nội là trung tâm nhận và phân phối khách lớn thứ 2 của Việt Nam.

– Có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, nét văn hóa tiêu biểu.

– Số lượng nghề lớn, phân bố đều trong làng

– Cảnh quan yên bình, đặc sắc

– Một số già Làng, nghệ nhân đặc biệt gắn bó, yêu Làng/nghề.

– Đã có quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của làng cổ

– Mô hìnhhomestay tại các gia đình có nhà cổ, bước đầu phát triển.

Điểm yếu:

– Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao còn thiếu và yếu (hướng dẫn viên, ngoại ngữ, ngoại  hình, kỹ năng nghề du lịch…)

– Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa thực sự đảm bảo

– Vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý nước thải còn hạn chế

– Sản phẩm từ các nghề trong Làng còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch

– Chưa khai thác thành công các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

– Liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong quảng bá, thu hút khách du lịch còn yếu

– Khó thực hiện giãn dân đối với các hộ dân trong khu vực di tích Làng cổ.

Cơ hội:

– Du lịch Việt Nam, Du lịch Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ, có tốc độ tăng trưởng cao và được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

– Các chính sách khuyến khích, đãi ngộ các nghệ nhân góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng cổ.

– JICA và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ kỹ thuật trong việc khai thác phát huy, bảo tồn Làng cổ để phát triển du lịch

Thách thức:

– Cạnh tranh thu hút khách du lịch ngày càng gay gắt.

– Đường Lâm là di tích đặc thù -“Di tích sống’’, có diện tích khoanh vùng rộng, đông người dân sinh sống, vì thế việc giải quyết thỏa đáng vấn đề giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó và nhiều mâu thuẫn.

– Sự biến động của xu hướng, thị trường du lịch tạo nhiều áp lực trong việc phát triển du lịch tại Đường Lâm.

 Một số gợi ý về định hướng, giải pháp phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm trong thời gian tới

1. Định hướng:

Định hướng thị trường khách:

+ Khách nội địa: Tập trung vào các đối tượng khách có nhu cầu học tập nghề truyền thống, nghiên cứu lịch sử, văn hóa bản làng, hướng tới nông thôn Việt cổ; các đối tượng khách quan tâm đến các đặc sản của làng cổ với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tốt cho sức khỏe (chẳng hạn như Bánh chè xanh đã được JICA hỗ trợ về kỹ thuật).

+ Khách quốc tế: Tiếp tục khai thác nguồn khách tiềm năng đến từ Nhật Bản, một số nước châu Âu, Úc và Niu Di Lân, Hoa Kỳ, ASEAN; ngoài ra chú trọng mở rộng thu hút nguồn khách từ Hàn Quốc, Đài Loan; Đông Âu và Nga.

Định hướng không gian, tuyến du lịch: phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm gắn với các tuyến du lịch sinh thái lân cận (Vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Suối Tiên, Thác Bạc – Suối Sao…), du lịch tâm linh, văn minh sông Hồng.

Định hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách du lịch:

+ Hoàn thiện dịch vụ homestay tại các nhà cổ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách giao lưu, tìm hiểu sâu sắc hơn về đời sống vật chất, tinh thần, ẩm thực của dân làng, có thể khai thác thêm từ các trò chơi dân gian như cờ tướng, hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống như múa Rồng Lân…

+ Đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Làng cổ như: Trải nghiệm làm nghề truyền thống, giao lưu văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống, các “telling story – tour” từ các hướng dẫn viên du lịch bản địa như già làng, nghệ nhân… tuy nhiên phải chú ý đến việc gìn giữ những nét đặc trưng, tinh hoa của không gian cổ; đào tạo, tập huấn các nghệ nhân, già làng về kỹ năng truyền đạt, hướng dẫn, giao tiếp với khách du lịch, đặc biệt là ngoại ngữ thông dụng…

+ Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, kết nối sản phẩm du lịch Làng cổ với các điểm du lịch lân cận của Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình để hình thành tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn khách du lịch.

2. Giải pháp:

– Hỗ trợ lập kế hoạch chi tiết phát triển du lịch Làng cổ du lịch đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phát triển gắn chặt với bảo tồn. Việc lập kế hoạch nên theo các bước cụ thể sau:

+ Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ

+ Xây dựng cơ chế quản lý du lịch cộng đồng tại làng cổ như cơ chế quản lý, cơ chế chia sẻ lợi ich, quy chế phát triển du lịch cộng đồng, lựa chọn đối tác.

+ Cung cấp thông tin du lịch cộng đồng tại làng cổ cho du khách như xây dựng nội dung giới thiệu về giá trị văn hóa và lịch sử của làng cổ cho hướng dẫn viên tại điểm; xây dựng các bảng, biển chỉ dẫn các điểm tham quan, di tích; xây dựng bản đồ/sơ đồ chỉ dẫn du lịch trong và ngoài làng cổ.

+ Nâng cao chất lượng và đa dạng hoá dịch vụ du lịch cộng đồng như lựa chọn sản vật/quà lưu niệm để bán cho khách du lịch; xây dựng chương trình dạy nấu ăn món truyền thống của làng cổ, hướng dẫn trồng rau, làm nông nghiệp; xây dựng nội dung thuyết minh, câu chuyện về văn hóa truyền thống của làng cổ; có các chường trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại làng cổ.

+ Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú homestay: xác định nhu cầu lưu trú trên cơ sở tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp; rà soát đánh giá các nhà dân hiện có, có khả năng kinh doanh homestay; đầu tư nâng cấp phòng ngủ, công trình phụ để kinh doanh homestay; hướng dẫn kỹ năng phục vụ buồng, bàn, lễ tân, bếp.

+ Hướng dẫn người dân tổ chức và  kinh doanh du lịch cộng đồng. Cải thiện năng lực hướng dẫn, phục vụ, tiếp đón khách du lịch của cộng đồng và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng.

+ Tăng cường bảo vệ làng cổ trước tác động của đô thị hóa và văn hóa hiện đại: Xây dựng quy tắc ứng xử cho khách du lịch; kiểm tra, đánh giá các di sản văn hóa trong làng cổ; hỗ trợ phục hồi và duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống; bảo tồn văn hoá truyền thống và giảm thiểu lai căng văn hoá tới cộng đồng trong làng cổ.

+ Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch: Xây dựng quy chế/quy định và có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong quá trình tham quan làng cổ.

+ Kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch trong làng cổ, bảo đảm mọi hoạt động du lịch phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững và quy định của pháp luật.

+ Nâng cao thái độ ứng xử thân thiện của người dân với khách du lịch, khuyến khích người dân hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch tham quan và tìm hiểu đời sống văn hóa, lối sống và truyền thống tại địa phương.

– Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng.

– Công khai thông tin về đề án, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để các cộng đồng chủ động tham gia, tạo diễn đàn cho người dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển du lịch, giúp người dân thấy được vai trò chủ thể của họ trong quá trình ra quyết định và triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án du lịch cộng đồng.

– Có chính sách hỗ trợ ban đầu đối với các hộ dân mới tham gia làm du lịch cộng đồng, như: tư vấn kỹ thuật, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch giúp người dân có kỹ năng cần thiết để cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch tốt nhất.

– Có chính sách tín dụng ưu đãi và các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huy động tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cho việc phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn di sản tại Làng cổ. Có chính sách khuyến khích, đền bù hợp lý cho việc di dời (nếu có).

– Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ Làng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, thuận lợi cho việc đón tiếp khách du lịch, trước tiên là bãi đỗ xe, khu dịch vụ giới thiệu, trưng bày sản phẩm, khu WC đạt chuẩn, biển chỉ dẫn tham quan (có thể sử dụng mã QR code), phủ sóng wifi tốc độ cao phủ rộng cả Làng… đặc biệt là tạo dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp…

– Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch làng cổ kết nối với điểm du lịch khác thuộc thị xã Sơn Tây và các điểm du lịch của Ba Vì, hình thành tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, tìm hiểu lịch sử, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, tâm linh và giải trí ở khu vực này.

– Hỗ trợ mở các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch Làng cổ truyền thống, tạo điều kiện để các nghệ nhân và nhân lực du lịch trong Làng được giao lưu, thăm quan, học tập tại các mô hình phát triển du lịch Làng cổ, phố cổ, du lịch cộng đồng trong và ngoài nước, chẳng hạn như phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích (Huế), du lịch cộng đồng ở Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình), Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La). Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của dân làng về lợi ích trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác phát triển du lịch tại Làng.

– Tăng cường sử dụng các cuốn sách, ảnh giới thiệu về Làng cổ, tập gấp, bản đồ bằng nhiều ngôn ngữ (do JICA tài trợ xuất bản) tại các sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng. Thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh trên website của Làng, và các tạp chí, báo chuyên ngành; đăng ký thành viên các FanPage, hội, nhóm trên mạng xã hội về du lịch làng nghề trong nước và quốc tế, đăng bài, hình ảnh để trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch, đồng thời quảng bá mạnh mẽ Làng cổ Đường Lâm đến đông đảo các đối tượng.

– Ứng dụng công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm cung cấp tiện ích và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch tại làng cổ và khu vực lân cận.

– Ban Quản lý Làng cổ cần kết nối chặt chẽ hơn với các công ty lữ hành để thu hút khách du lịch đến thăm quan làng cổ.

– Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước, rác thải, giải quyết triệt để việc gây ô nhiễm tiếng ồn, nhắc nhở, có biện pháp xử phạt nghiêm đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc chăn nuôi gia súc, gia cầm tại những điểm lân cận di tích.

Các định hướng, giải pháp nêu trên cần được thực hiện một cách đồng bộ và có giai đoạn, đặc biệt cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết giữa dân làng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm, đáp ứng yêu cầu và nguyên tắc phát triển bền vững./.

Nguyễn Thị Phương Linh

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Bài viết liên quan

Tổ chức Tập huấn về Công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại tỉnh Tiền Giang

Từ ngày 29/8 đến ngày 31/8/2024, tại tỉnh Tiền Giang, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Lớp Tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024.

Xem thêm

Hội nghị thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính và quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Sáng 27/8, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính và quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì Hội nghị.

Xem thêm

Lễ Bế mạc Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Yoga tại Thành phố Hồ Chí Minh – Lớp 3

Ngày 24/8/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Cục Thể dục Thể thao tổ chức Lễ Bế mạc Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Yoga tại Thành phố Hồ Chí Minh – Lớp 3.

Xem thêm

Khai giảng các lớp bồi dưỡng tháng 8 năm 2024

Chiều ngày 22/8/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức lễ Khai giảng các lớp Bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên và tương đương – lớp L7, A7, T1, HA1; lớp Bồi dưỡng đối với công chức ngạch Chuyên viên chính và tương đương – lớp L7; lớp Bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương – Lớp L7 theo hình thức trực tuyến.

Xem thêm

Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024

Sáng 15/8 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối từ trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hộ nghị do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì

Xem thêm