Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Xây dựng trên cơ sở tiếp cận quyền con người
21/09/2022 | 15:16
Tại cuộc họp chuyên gia lấy ý kiến cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức vừa diễn ra, nhiều ý kiến nhận định: Luật sửa đổi đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận quyền con người, có đúc kết những bài học kinh nghiệm và mô hình tốt của các nước…
Các đại biểu và các chuyên gia tại cuộc họp
Theo đó, kiến nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan cũng như thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ tham gia đóng góp cho quá trình thực hiện những chính sách và chương trình nhằm chấm dứt bạo lực gia đình tại Việt Nam.
Cần bảo đảm quyền, nhu cầu, tiếng nói của nạn nhân được quan tâm và lắng nghe
Tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara, đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “Hướng tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm đã được áp dụng nhằm bảo đảm quyền, nhu cầu và tiếng nói của họ được thực sự quan tâm và lắng nghe. Điều này lại càng trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam khi bạo lực đối với phụ nữ hầu hết vẫn bị che giấu”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.
Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) Khuất Văn Quý, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật đã trình bày về những điểm mới nhất của dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội (tháng 6.2022). Đại diện Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên đã chia sẻ kinh nghiệm, phương thức hiệu quả nhất trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là những hoạt động truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng phó bạo lực gia đình. Đại sứ và Trưởng đại diện của phái đoàn ngoại giao tại Hà Nội đến từ Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Cơ quan Liên Hợp Quốc đã gửi đến Hội nghị những thông điệp chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình trong nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình.
Cần xem xét quy định biện pháp hòa giải trong phòng, chống BLGĐ đảm bảo tính khả thi, dễ thực hiện, tránh hiểu lầm… Đây là ý kiến được ghi nhận của nhiều chuyên gia tại cuộc họp. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh các định kiến giới, xu hướng tính dục là nguyên nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên hiện nay trong hòa giải vẫn củng cố khuôn mẫu, định kiến giới; Các cán bộ làm công tác xã hội chủ yếu làm theo kinh nghiệm cá nhân, còn các quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật (sửa đổi) về nội dung “hòa giải” trong phòng, chống bạo lực gia đình vẫn chưa được làm rõ, dễ gây hiểu lầm. Trưởng mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam Hoàng Tú Anh cho biết: “Hòa giải lại khuyên người phụ nữ nhẫn nhịn, hay nam giới thôi không đánh vợ nếu vợ làm sao thì hệ luỵ là anh, chứ không nói họ đang vi phạm pháp luật và phải trả giá. Đây là cái chưa được làm rõ, thậm chí gây hiểu lầm trong sử dụng hòa giải. Chính vì hòa giải như vậy mà nhiều phụ nữ đã phải chịu đựng bạo lực trong một thời gian rất dài”.
Đánh giá về ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Đức Hạnh cho rằng: “Mục tiêu ngay trong khái niệm nói rõ hòa giải để hóa giải các mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình, để không phát sinh bạo lực gia đình (BLGD) không phải biện pháp thay thế biện pháp xử lý BLGĐ, nhưng xuất phát từ góp ý thì hiểu rằng diễn đạt của dự thảo Luật chưa rõ ràng, yếu tố phòng ngừa BLGĐ gây sự hiểu lầm. Chúng tôi sẽ tiếp thu để thể hiện văn bản phù hợp hơn, nói được ý nghĩa thực sự của quy định pháp lý đó”.
Nội dung “hòa giải” chưa được làm rõ, dễ gây hiểu lầm khiến nhiều phụ nữ phải chịu đựng bạo lực trong một thời gian rất dài (ảnh minh họa)
Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống BLGĐ
Ở góc độ của mình, đại diện các tổ chức cộng đồng đã tập trung bàn về việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống BLGĐ. Theo các đại biểu, khi tham gia công tác phòng, chống BLGĐ thì các tổ chức xã hội có nhiều thuận lợi như: Sáng tạo về phương pháp tiếp cận và nhiều kinh nghiệm, có khả năng tiếp cận với các nhóm dễ bị tổn thương, huy động được sự tham gia của cộng đồng; là những tổ chức tâm huyết với công tác xã hội và hướng tới cộng đồng. Tuy nhiên các tổ chức xã hội cũng đang gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ về nguồn lực, cơ chế cũng như nhận thức và sự tham gia của người dân. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em Nguyễn Vân Anh cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cộng với việc quản lý để tổ chức xã hội có cơ chế hợp pháp, có sự hỗ trợ của Nhà nước để họ làm tốt công việc của mình để cùng với Nhà nước xây dựng một xã hội an toàn và tốt đẹp”.
Một số chuyên gia khuyến nghị, kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, Chính phủ cấp ngân sách hỗ trợ các tổ chức xã hội theo chương trình và thỏa thuận việc phân bổ ngân sách được thực hiện hằng năm với các mục tiêu cụ thể, nhưng các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ thực hiện hoàn toàn độc lập với Chính phủ. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà nước và tư nhân, các tổ chức xã hội, quan tâm hơn tới dịch vụ dành cho nam giới vì đây là mảng mới ở Việt Nam.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng các thông tin và kinh nghiệm được chia sẻ tại cuộc tọa đàm, ý kiến cộng đồng, kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt những kinh nghiệm của Australia với những hoạt động thực tiễn tiêu biểu nhất trong việc ứng phó bạo lực gia đình, bao gồm cả cơ chế liên kết các tổ chức xã hội trong việc cung cấp dịch vụ, sự phát triển của các tòa án chuyên trách về vấn đề bạo lực gia đình và sự phát triển của các chính sách dựa trên bằng chứng thực tế”.
Công tác hòa giải thường khuyên người phụ nữ phải nhẫn nhịn, nam giới thôi không đánh vợ, chứ không nói họ đang vi phạm pháp luật và phải trả giá. Đây là cái chưa được làm rõ, thậm chí gây hiểu lầm trong sử dụng hòa giải. Chính vì hòa giải như vậy mà nhiều phụ nữ đã phải chịu đựng bạo lực trong một thời gian rất dài.
(TS HOÀNG TÚ ANH, Trưởng mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam) |
Theo baovanhoa.vn
Bài viết liên quan
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2024
Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1126/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023
Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Giáo dục con trẻ từ lời hát ru
“Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn… Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc…”.
Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững của đất nước
Năm 2022, lĩnh vực Gia đình có rất nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo lĩnh vực này sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo ra nhiều “tế bào của xã hội” lành mạnh trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Nâng cao “quyền năng” kinh tế cho phụ nữ DTTS
Hơn 2.600 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số (DTTS) trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa thuộc 9 xã của huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (AWEEV). Dự án không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.