Bốn đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

09/10/2024 | 9:04

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 38, sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trình bày tờ trình tóm tắt.

4 đối tượng thụ hưởng

Trình bày Tờ trình tóm tắt Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, có 4 đối tượng thụ hưởng của Chương trình đó là: Thứ nhất, người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ.

Thứ ba, các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Thứ tư, các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Về phạm vi, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình cũng tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa…); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Bên cạnh đó, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Không chuyển dự án số 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

Với tổng nguồn vốn dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng, Chương trình được thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035 và chia làm các giai đoạn. Cụ thể, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Theo tờ trình do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trình bày, Chương trình có 7 mục tiêu tổng thể, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035.

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, nội dung thành phần của Chương trình bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022.

Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần. Thứ nhất, Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Thứ hai, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Thứ ba, Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Thứ tư, Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thứ năm, Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.

Thứ sáu, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thứ bảy, Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Thứ tám, Phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Thứ chín, Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thứ mười, Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, qua rà soát nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua và căn cứ ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ tiếp thu các nội dung Quốc hội đã thống nhất cao đó là tên gọi của Chương trình: “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”.

Chính phủ cũng tiếp thu việc không chuyển dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 vào Chương trình./.

Theo BHVTTDL

https://bvhttdl.gov.vn/bon-doi-tuong-thu-huong-cua-chuong-trinh-mtqg-ve-phat-trien-van-hoa-giai-doan-2025-2035-20241008101253377.htm

Bài viết liên quan

Những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xây dựng môi trường văn hóa cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương. Những đặc điểm này đòi hỏi phải có chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp.

Xem thêm

Du lịch Phú Yên trải nghiệm vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”

Phú Yên nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi. Với vị trí địa lý đặc biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và hệ thống di sản văn hóa phong phú tạo tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế du lịch. Thời gian qua, du lịch Phú Yên đang quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, nỗ lực thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch, từng bước hình thành thương hiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước. Vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” hiện đang được ví như một “nàng công chúa đang thức giấc” với nhiều tiềm năng, lợi thế vốn có đang được khai thác, bảo tồn để phát triển du lịch. Hiện nay, Phú Yên đang là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa trong hành trình du lịch vùng Nam Trung Bộ.

Xem thêm

Những thách thức và giải pháp khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế

Được sự đồng ý của Chính phủ về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động hàng không, xuất nhập cảnh và du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã thông tin những điểm mới nhất trong phương án đề xuất dự kiến áp dụng từ ngày 15/03/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi công bố chính thức. Đây là tín hiệu rất khả quan với nền kinh tế-xã hội và ngành du lịch nước nhà nhưng vẫn còn đó không ít thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp nhằm phát huy hiệu quả khi triển khai, thực hiện chủ trương kịp thời và đúng đắn này.

Xem thêm

Yên Bái, quy hoạch văn hóa, thể thao và du lịch hướng tới sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Nằm ở trung tâm khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Yên Bái là trung điểm của tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai kết nối tới vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ; là điểm giữa của tuyến đường sắt liên vận trên hành lang giao thương kinh tế quốc tế kết nối các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh qua Côn Minh, Trung Quốc đến các nước Đông Bắc Á, Châu Âu và các nước ASEAN;  giữ vai trò bản lề mở ra tiểu vùng kinh tế – du lịch trọng điểm Tây Bắc phía hữu ngạn sông Hồng và Đông Bắc phía tả ngạn sông Hồng.

Xem thêm

Để du lịch làng cổ đường lâm phát triển

Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng khách du lịch trên địa bàn Hà Nội, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi, trong đó xu hướng tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cộng đồng ở điểm đến được khách du lịch quốc tế đặc biệt chú ý. Theo đó, việc phát triển du lịch làng cổ, làng nghề gắn với du lịch đã và đang là xu hướng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, lịch sử kết hợp với bảo tồn một cách bền vững.

Xem thêm