Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Du lịch là cầu nối gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa
17/04/2023 | 10:15
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hoá, tài nguyên văn hoá được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.
Sáng 13/4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM HANOI 2023. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và đại diện 51 tỉnh thành phố của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hội chợ.
Nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về văn hóa trong du lịch
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, để triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững”, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với nhiều bộ, ngành Trung ương, các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng phục hồi kinh tế nói chung và phục hồi lại du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19 nói riêng.
Bằng các việc làm cụ thể, với mong muốn tập trung sức mạnh tổng hợp để, chung tay xây dựng “Sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với “phát triển xanh, bền vững và lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc sự kiện sáng 13/4.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, để thực hiện được các nội dung chỉ đạo và định hướng nêu trên, Bộ VHTTDL đã phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ khai mạc năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận – Hội tụ xanh diễn ra ngày 25/3, xác định 46 nội dung hoạt động được triển khai trên toàn quốc năm 2023 này.
Đồng thời với đó, là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch để tổ chức nhiều sự kiện, tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn như Kế hoạch tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em đến với nhân dân và du khách; đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi những nội dung về thủ tục lưu trú của khách du lịch quốc tế, tháo gỡ những điểm nghẽn này để tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
“Và hôm nay, tại thủ đô Hà Nội – một trong hai thành phố đầu tàu về phát triển du lịch, trung tâm trung chuyển khách hàng đầu cả nước, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã báo cáo và nhận được sự đồng thuận của Bộ VHTTDL tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội) 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa Việt Nam” để góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của các doanh nghiệp trong bối cảnh, tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa là xu hướng của thời đại
Bộ trưởng nhấn mạnh, Du lịch được xem như là “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thời đại. Du lịch đồng thời là cầu nối để gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hoá, tài nguyên văn hóa được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.
Đối với đất nước Việt Nam, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, với nguồn cội “con Lạc cháu Hồng”, được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cho các điểm đến, hướng tới phát triển du lịch bền vững trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chủ động, sâu sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi lựa chọn chủ đề chính thức của Hội chợ năm này là “Du lịch Văn hóa Việt Nam”. Được tổ chức lần đầu vào năm 2013, sau 11 lần tổ chức, VITM Hà Nội đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến du lịch hết sức quan trọng, là ngày hội có quy mô lớn của ngành Du lịch, mang lại những cơ hội thiết thực giúp các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các địa phương trong nước và quốc tế gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng phát triển.
Nhìn lại một thập kỷ đã trôi qua, với 12 lần tổ chức hội chợ, cùng với thương hiệu uy tín đó, và sự đổi mới, chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, sự đúng đắn trong công tác lựa chọn các sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng Hội chợ lần này nhất định sẽ đạt được mục tiêu, khắc phục nhanh chóng những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 tác động đến ngành du lịch.
“Tôi được biết, Hội chợ năm nay dù khó khăn những vẫn thu hút sự tham gia trực tiếp của 600 doanh nghiệp tới từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đó là sự hưởng ứng rất tích cực.
Sau Lễ khai mạc Hội chợ, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đặc biệt là việc dành nhiều thời gian, thời lượng để tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” giúp cho chúng ta có những nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về văn hóa trong du lịch, bởi lẽ sản phẩm du lịch luôn gắn liền với văn hoá, mang đậm dấu ấn văn hoá. Qua đó, sẽ hạn chế đi những lệch chuẩn trong vấn đề xây dựng các sản phẩm văn hóa trong chuỗi hoạt động du lịch như thời gian vừa qua.
Và rõ ràng, với cách tiếp cận này, sẽ thu hút và đón nhận được nhiều ý kiến đề xuất góp ý, những ý tưởng mới gợi mở cho phát triển du lịch văn hóa. Gắn với việc đó, Bộ VHTTDL sẽ đưa ra các thông điệp, các khuyến nghị và giới thiệu bộ sản phẩm mới về vấn đề xây dựng mô hình văn hóa tại các khu du lịch, các điểm đến, để các địa phương, các cộng đồng doanh nghiệp có thể tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng trong tương lại gần”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng, từ kết quả bước đầu sau khi chúng ta mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, nhất là kết quả của quý I năm 2023 khi Việt Nam đã đón trên 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa, trên cơ sở tinh thần “du lịch nội địa vẫn là bệ đỡ cho du lịch quốc tế”, đây chính là những tiền đề hết sức quan trọng để cho các doanh nghiệp có mặt tại hội chợ lần này tìm kiếm thêm được đối tác mới, tìm được hướng kinh doanh mới, nhiều hợp đồng sẽ được ký kết, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham gia vào chuỗi hoạt động trong khuôn khổ của Hội chợ.
Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ kết nối được nhiều hơn với các doanh nghiệp lữ hành để chung tay phát triển sản phẩm theo hướng “mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc”, xây dựng các tour, tuyến khai thác tối đa tiềm năng du lịch và phù hợp với thị hiếu của du khách.
“Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách, kiến nghị cấp có thẩm quyền cùng các đơn vị nhanh chóng phục hồi lại ngành du lịch, để du lịch Việt Nam phải là một điểm đến an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng mà chúng ta đang hướng tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa
Phát biểu tại sự kiện, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, chủ đề của VITM Hà Nội 2023 là “Du lịch Văn hóa”, nhằm hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam.
Sự khác biệt của nền văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất và cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của khách du lịch cả quốc tế và nội địa. Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát huy các giá trị của Văn hóa Việt Nam, xây dựng nền công nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh, gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa, đưa Du lịch trở thành một mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của cả văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Bài viết liên quan
Việt Nam hợp tác du lịch chặt chẽ với các quốc gia ASEAN+3
Ngày 11/7/2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã tham dự Hội nghị trực tuyến Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 45. Malaysia và Hàn Quốc là đồng Chủ tịch Hội nghị.
Đoàn Thanh niên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động phong trào “Thanh niên du lịch hành động Xanh” giai đoạn 2024 – 2025
Nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của cơ quan và của ngành du lịch, đồng thời phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ thông qua các phong trào thanh niên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động phong trào “Thanh niên du lịch hành động Xanh” giai đoạn 2024 – 2025.
Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
Vào hồi 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa
Chiều 16/4, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 đã chính thức bế mạc sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 13/4-16/4/2023) với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa
Với chủ đề “Du lịch Văn hóa”, Ban tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2023 kỳ vọng sự kiện sẽ góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đồng thời đưa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới.