Văn hóa ứng xử trong lễ hội

01/07/2019 | 5:45

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một bộ phận hữu cơ của giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống của các tộc người và quốc gia. Tổ chức và quản lý lễ hội (QLLH) là một thực trạng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với ngành Văn hóa thể thao và du lịch, chính quyền các cấp trên nhiều bình diện, trong đó có vấn đề “Văn hóa ứng xử”.

1. Bàn về “Ứng xử trong lễ hội”

Bàn về Lễ hội. quản lý lễ hội, bàn về “văn hóa ứng xử trong lễ hội” là một vấn đề lúc đầu nghe có vẻ không “ăn nhập” nhưng thực ra nếu suy ngẫm thì chúng ta dễ nhận thấy đây là vấn đề “cốt lõi”. Lễ hội là tụ họp, tụ hội rất nhiều thành viên trong và ngoài cộng đồng (làng, bản; tộc người; quốc gia…) cùng tham dự và đồng thời mang đến một bầu không khí mới, một sự ứng xử của các nhóm người trong “đám đông” với những xu hướng, chiều cạnh tâm lý, hành vi khác nhau. Trong cái đám đông với thành phần vừa tính trước, vừa không thể tính trước được cho thấy nổi lên vấn đề ỨNG XỬ giữa con người với nhau trong không gian, thời gian diễn ra Lễ hội.

Câu hỏi đặt ra là, nếu tham gia lễ hội các thành viên có văn hóa ứng xử thì sinh hoạt lễ hội diễn biến ra thế nào? Và nếu văn hóa ứng xử thấp (thậm chí sơ khai) thì tình hình lễ hội sẽ diễn ra như thế nào? Chắc chắn tình hình những năm qua về vấn đề trên đủ cho chúng ta cảm nhận cái được  chưa được trong định hướng, tổ chức, quản lý lễ hội. Bàn về văn hóa ứng xử trong lễ hội là bàn về Nhận thức, Hành vi của từng cá nhân và nhóm người, đám đông trong quá trình tham gia lễ hội. Với tinh thần đó, tôi cho rằng đây là nội dung rất quan trọng và cơ bản góp phần cùng với các hoạt động khác để từng bước đưa hoạt động lễ hội, QLLH ở nước ta đi vào nền nếp, đúng với ý nghĩa hoạt động văn hóa, tạo nên hình ảnh Văn hóa lễ hội Việt Nam tốt đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế và người dân của chúng ta.

Lễ hội chùa Hương (Ảnh internet)

2. Ứng xử và Văn hóa ứng xử trong Lễ hội  

*Ứng xử: Khi bàn về ứng xử có những quan niệm tuy không hoàn toàn giống nhau về câu từ những đều toát lên những quan niệm cơ bản thuộc về nhận thức, hành vi của con người trong một hoàn cảnh cụ thể liên quan đến bản thân minh.Về cơ bản có thể nhận thấy, ứng xử là phản ứng của con người đối với sự tác động của người khác đến mình trong một tình huống cụ thể nhất định. Ứng xử là phản ứng có lựa chọn tính toán, là cách nói năng tuỳ thuộc vào tri thức, kinh nghiệm và nhân cách của mỗi người nhằm đạt kết quả cao nhất trong giao tiếp.

Trong sinh hoạt văn hóa Lễ hội, ứng xử, ứng xử đúng với tinh thần văn hóa của các lễ hội là một hành vi rất cần thiết và quan trọng cần được quán triệt, tuyên truyền cho các thành viên cộng đồng khi tham gia lễ hội; có thể xem đó là “hành trang” tất yếu mà mỗi cá nhân, đám đông cần có khi đến với các loại hình lễ hội. Theo các quan niệm trên về “Ứng xử” thì có 2 tình huống diễn ra, đó là những phản ứng của một cá nhân với cá nhân khác hay giữa các cá nhân và đám đông diễn ra với những lời nói, hành vi không đẹp mắt, êm tai, gây “tổn thương” cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của các Lễ hội mà ông cha để lại hay do chính chúng ta tạo dựng nên. Vấn đề ở đây là chúng ta hướng tới các giá trị Ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên khi tham gia lễ hội và hạn chế bớt, tiến tới loại bỏ các lời nói, thái độ, hành vi không tốt đẹp diễn ra tại các lễ hội.

*Văn hóa ứng xử trong lễ hội: Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu thì: Văn hóa ứng xử là cách thể hiện ra bên ngoài của những thái độ – yêu, thích, ghét, trọng, khinh…, và người ta có thể học hỏi, chia sẻ những điều này với nhau. Và nền tảng của những thái độ đó chính là những giá trị và chúng ta đang bị khủng hoảng về giá trị thực sự, trước hết là sự xung đột giữa những giá trị cổ truyền với một xã hội hội nhập hiện nay.Với xã hội cổ truyền, dường như có một sự đứt gãy, trong khi con người mới một thời được đề cao đã không còn phù hợp, còn những giá trị hiện đại thì không được khuyến khích.Nếu không chọn được những giá trị nền tảng, mà để cho những “giá trị hoang dã là quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ và danh vọng ảo” thống trị thì dần dần chúng sẽ phá đi những nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội.

Văn hóa ứng xử là vấn đề được bàn khá nhiều trong đời sống xã hội. Trước khi nói về Văn hóa ứng xử trong lễ hội, chúng ta thấy không ít ý kiến bàn về:Văn hóa ứng xử của người Việt Nam; Văn hóa ứng xử trong giao tiếp đời thường;Văn hóa ứng xử trong công sở;Văn hóa ứng xử doanh nghiệp;Văn hóa ứng xử trong lễ cưới hiện đại; Nghệ thuật giao tiếp ứng xử;Văn hóa ứng xử của người Hà Nội thời kỳ đổi mới; Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên; Văn hóa ứng xử của người Âu-Mỹ và Châu Á…

Vậy Văn hóa ứng xử trong lễ hội (VHUXTLH) là loại văn hóa ứng xử gì, có đặc điểm thế nào ? Đây là vấn đề cần được nhận thức trước khi bàn về nội hàm và các biểu hiện của nó. Trong tham luận nhỏ này, chúng tôi bước đầu chia sẻ một vài ý kiến sau: VHUXTLH là một dạng thức biểu hiện nhận thức và hành vi của cá nhân và cộng đồng trong một sinh hoạt văn hóa đặc thù gắn với một không gian tâm linh, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng (lễ hội dân gian), trang nghiêm (lễ hội hiện đại…); khác với loại hình, văn hóa ứng xử khác trong đời sống thường nhật. Đây là môi trường sinh hoạt văn hóa đặc thù diễn ra hàng năm theo chu kỳ, hoặc đột xuất (lễ hội hiện đại…);

– VHUXTLH là biểu hiện của tinh thần, thái độ, hành vi, lời nói của con người trong một hình thức sinh hoạt cộng đồng với những quy mô khác nhau (làng,bản/địa phương/vùng miền/quốc gia/quốc tế) với nhiều thành phân, lứa tuổi, giới tính, quốc tịch…; là môi trường giao tiếp phức hợp, phức tạp (đa nhận thức, đa hành vi, đa văn hóa…) luôn luôn diễn ra tại các loại lễ hội;

– VHUXTLH là “thước đo” về tình hình Tổ chức, Quản lý lễ hội của các cơ quan chức năng, Chính quyền các cấp; là thể hiện ý thức, trình độ “văn hóa ứng xử” của người dân và các thành phần xã hội khi tham gia lễ hội.

Đây chính là câu hỏi và vấn đề mà các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần quan tâm đề hoàn thiện các vấn đề Tổ chức, QLLH nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng các Mục tiêu, Nhiệm vụ phát triển Kinh tế-xã hội, Văn hóa, Du lịch…đề ra.

– VHUXTLH là một hiện tượng, sinh hoạt văn hóa phức hợp mang bản sắc văn hóa từng tộc người, địa phương, vùng, quốc gia; phản ánh những giá, trình độ phát triển kinh tế-xã hội truyền thống và hiện đại của các thành phần dân cư và cá nhân khi tham gia lễ hội.

Chẳng hạn, năm 2011, số lượng người về dự các lễ hội tăng vượt trội so với các năm trước: Đền Hùng gần 4 triệu lượt người, Yên Tử 1,2 triệu lượt, Chùa Hương 1,5 triệu, Cửa Ông 240 000, Bái Đính hơn một triệu, Đền Trần 620 000, Bà Chúa Thiên Hậu (Bình Dương) hơn 1,5 triệu, Bà Chúa Xứ (An Giang) hơn 700 000, Núi Bà Đen (Tây Ninh) hơn 1,5 triệu lượt…  Theo Báo cáo tổng kết công tác tổ chức lễ hội 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2012, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước lượng du khách về dự lễ hội tăng so với năm trước: Lễ hội chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách, lễ hội Đền Hùng đón 5 triệu lượt khách, 70 vạn người dự lễ hội đền Phủ Dầy, lễ hội núi Bà Đen đón 1,5 triệu, Lễ hội vía bà Chúa Xứ đón 2,5 triệu lượt khách.Với số lượng thành phần dân cư các dân tộc, vùng miền như vậy thì có rất nhiều vấn đề trong “văn hóa ứng xử” đề ra.

3. Những nội dung cần quan tâm

a) Xác định những nội dung cơ bản của Văn hóa ứng xử trong lễ hội:

– Nhận thức: Trước hết cần có nhận thức đúng về “ứng xử” và “văn hóa ứng xử” để có hành vi “ứng xử có văn hóa” nói chung và trong lễ hội nói riêng. Thực tiễn cho thấy, công chúng khi tham gia Lễ hội gồm rất nhiều thành phần xã hội với những nhận thức (thậm chí chưa có nhận thức mà chí có bản năng) về ứng xử và văn hóa ứng xử giữa con người với con người khi tham gia vào các hoạt động lễ hội.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dung nạp tất cả mọi thành phần xã hội, thậm chí không đông không thành hội lễ. Mọi hành vi tích cực hay hạn chế trong ứng xử của các thành viên khi tham gia lễ hội là thể hiện sự nhận thức rất khác nhau về ứng xử nên thông thường qua lễ hội có rất nhiều vấn đề đặt ra, đôi khi phản cảm, gây bức xúc trong dư luận và những người tổ chức, quản lý lễ hội…Đây là vấn đề, cần được quan tâm nhưng cần phải có nhận thức đúng mới có giải pháp phù hợp, đáp ứng đòi hỏi tình hình thực tiễn đặt ra. Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để trang bị những vấn đề cơ bản về tri thức, cung cấp kiến thức về văn hóa ứng xử trong lễ hội cho những người tham gia lễ hội ? Đây là vấn đề rất cần thiết nhưng khi triển khai cần phải được đầu tư dày công trong phân loại đối tượng, chương trình, lộ trình. Nếu được triển khai sẽ bàn cụ thể sau.

– Thái độ: Đây là một trong những vấn đề cơ bản đặt ra trong văn hóa ứng xử .Theo quan niệm chung, thái độ là cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động theo một hướng nào đó trước một vấn đề hay một tình hình cụ thể. Khi tham gia lễ hội để “mọi người’ có Thái độ đúng, tích cực, “ứng một cách có văn hóa” thì không phải tự nhiên mà có. Thái độ là vấn đề quan trọng không chỉ trong lễ hội mà còn được coi trọng, đánh giá rất cao trong mọi hành vi ứng xử trong đời sống. Có nghiên cứu cho rẳng Thái độ chiếm 70-80% trong phần Năng Lực của một con người, theo công thức: ASKH = Thái độ (Attitude) + Kỹ năng (Skills) + Kiến thức (Knowledge) + Sức khỏe (Health).

– Hành vi: Để có văn hóa ứng xử trong lễ hội đúng thì một trong yêu tố cấu thành là “hành vi” của những người tham gia lễ hội. Hành vi của con người (thuộc nhiều thành phần, tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, quốc tịch…) xã hội khác nhau.Ở đây chúng ta chỉ có thể đề cập đến yêu cầu, nội dung cơ bản trong việc nhận thức và tạo lập hành vi đúng cho các thanh viên khi tham gia lễ hội.

Hành vi là một giá trị có thể thay đổi qua thời gian. Hành vi của con người được nghiên cứu và phân loại gồm: 1. Hành vi bản năng (bẩm sinh di truyền): Thoả mãn nhu cầu sinh lý của cơ thể; có thể là tự vệ; mang tính lịch sử, văn hoá mỗi quốc gia, vùng miền;2. Hành vi kỹ xảo: Là hành vi mới tự tạo trên cơ sở luyện tập, có tính mềm dẻo và biến đổi, nếu được định hình trên vỏ não và củng cố thì sẽ bên vững không thay đổi; 3. Hành vi đáp ứng: Là hành vi ứng phó để tồn tại, phát triển và là những hành vi ngược lại với sự tựnguyện của bản thân và không có sự lựa chọn; 4. Hành vi trí tuệ: Là hành vi đạt được do hoạt động trí tuệ nhằm nhận thức được bản chất của các mối quan hệ xã hội có quy luật của sự vật hiện tượng để đáp ứng và cải tạo thế giới.

Để xây dựng “văn hóa ứng xử trong lễ hội” cần nhận thức là việc làm cơ bản, day cộng nhưng không thể nóng vội vì nó đang tác động đến việc thay đổi nhận thức hành vi của Con người, công chúng (với nhiều thành phần, tầng lớp xã hội khác nhau).Mọi sự nôn nóng, tư duy “chộp dật”, “thành tích” sẽ không mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài.

b)Xác định những hoạt động để từng bước nâng cao chất lượngVHUXTLH trong thời gian tới

– Loại hình hoạt động nâng cao Nhận thức khi tham gia Lễ hội

– Loại hình hoạt động tạo lập Thái độ đúng, tích cực khi tham gia lễ hội

– Loai hình hoạt động xây dựng Hành vi có văn hóa, tích cực khoi tham gia lễ hội.

c)Xác định giải pháp

– Nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp quy, chỉ đạo, hướng dẫn mang tính chủ đề về “Văn hóa ứng xử trong lễ hội”

– Biên soạn, phổ cập tài liệu cơ bản và cho các nhóm đối tượng cơ bản liên quan đến sinh hoạt lễ hội theo các yêu cầu về Nhận thức – Thái độ – Hành vi khi tham gia Lễ hội.

– Đẩy mạnh hoạt động Truyền thông theo “Kế hoạch truyền thông” dài hạn (bằng nhiều thứ tiếng dân tộc trong nước)

– Phối hợp với các Nhà trường (Phổ thông, Đại học…), các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể…trong việc phổ biến, tuyên truyền, cập nhật tri thức “VHƯXTLH”.

Tóm lại, VHƯXTLH là vấn đề cơ bản, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, có giá trị khoa học, thực tiễn (văn hóa, kinh tế, du lịch, xã hội, đối ngoại…), đặc biệt là phát triển bền vững, thiết thực đối vời quốc gia và các địa phương. Vấn đề không chỉ dừng lại Hội thảo này mà cần được đầu tư nghiên cứu, triển khai trên bình diện khoa học, pháp lý theo những nội dung trên dây nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức lễ hội hiện nay ở nước ta. Cần có một Kế hoạch trước mắt và dài hạn, một lộ trình tư duy khoa học, quản lý theo hướng bền vững thì mới mang lại hiệu quả như chúng ta mong muốn.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Chí Bền (2015), Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb.KHXH, Hà Nội
  2. Nguyễn Hồng Chương, Lễ hội và những vấn đề đặt ra về quản lý lễ hội http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/7661
  3. Nguyễn Thu Hiền, Tổ chức và quản lý lễ hội trước những thách thức, http://vanhien.vn/news/To-chuc-va-quan-ly-le-hoi-truoc-nhung-thu-thach
  4. Kỷ yếu Hội thảo: Hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền ở các tỉnh phía Nam (Nghiên cứu trường hợp Lễ hội Bà chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang)
  5. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “Du lịch lễ hội và sự kiện”, Đại học Kinh tế Huế & Trường Quản lí Công nghiệp Du lịch, ĐH Hawaii, 6/2004.
  6. Đinh Gia Khánh, Lễ Hữu Tầng đồng chủ biên (1993), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb. KHXH, Hà Nội.
  7. Bùi Quang Thắng (2010), Tổ chức lễ hội như là một sự kiện, Bài đăng trong tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 318, tháng 10/ 2010
  8. Ngô Đức Thịnh (4- 1999), Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền, tạp chí văn hóa nghệ thuật, tr. 36- 40
  9. Trường cán bộ Quản lý văn hóa, Thể thao và du lịch (2015), Tài liệu hội thảo: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ ngành văn hóa về lễ hội dân gian.
  10. Bùi Hoài Sơn (2009), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa Dân tộc.

PGS. TS. Lê Ngọc Thắng 

Bài viết liên quan

Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).

Xem thêm

Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.

Xem thêm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo

Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Xem thêm

Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam

Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).

Xem thêm

Bộ VHTTDL hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID- 19″

Chiều 30/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Xem thêm