Truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

12/12/2022 | 15:00

Truyền thông vẫn được coi là giải pháp tập trung để chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông cần đa dạng hình thức, mở rộng đối tượng và ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả.

Đây là những nội dung được đề ra tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh trên thế giới do Tổng cục Dân số KHHGD (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tổ chức ngày 12.12 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Hội nghị thu hút 140 đại biểu các Bộ, ngành, cán bộ làm công tác dân số của 18 tỉnh, thành phố.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ Phạm Vũ Hoàng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ cho biết, Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBTSGTKS) thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tăng lên 109,8 và tỷ số này là 112 năm 2021. MCBGTKS ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn; năm 2006 có 3/6 vùng MCBGTKS thì đến 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây Nguyên là đang ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng MCBGTKS, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc.

Ông Phạm Vũ Hoàng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS tại Việt Nam, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ từ lúc chuẩn bị kết hôn, khi kết hôn; khi chung sống, khi có con đến khi qua đời. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội. Cùng với đó còn có nguyên nhân trực tiếp là lạm dung khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính. “Hệ luỵ của tình trạng này ảnh hưởng đến vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, dư thừa hàng triệu nam giới hay nói cách khác là thiếu hụt phụ nữ và trẻ em gái. Đàn ông phải sống độc thân sẽ làm thay đổi các mối quan hệ và tình dục; buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hoá dân số. Riêng về việc thừa nam thiếu nữ thì theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu TSGTKS vẫn giữ như hiện nay, Việt nam sẽ dự thừa 1,5 nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059”, ông Hoàng cho hay.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm truyền thông trong giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ, những năm qua Việt Nam đã nỗ lực trong giảm TSGTKS, từ mức 112,8 năm 2015 xuống còn 112,1 năm 2020 và tiến tới đưa TSGTKS về mức dưới 109 vào năm 2030. Để đạt được kết quả này, Việt Nam đã triển khai 4 giải pháp nhằm giảm tình trạng MCBGTKS, trong đó, giải pháp về truyền thông là giải pháp cơ bản và quan trong nhằm can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là xuất phát từ định kiến giới, từ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS theo các nhóm đối tượng.

Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong giải quyết vấn đề MCBGTKS, bà Hà Quỳnh Anh, đại diện UNFPA cho rằng, từ trước đến nay chủ yếu tập trung ở nâng cao nhận thức, do đó nhưng cần phải tập trung nhiều hơn nữa và thay đổi hành vi. Chẳng hạn như hành vi không ưa thích con trai và nâng cao giá trị của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới, bạo lực giới. “Chúng tôi thấy rằng, cần phải tập trung nhiều hơn nữa các hoạt động truyền thông cho giới trẻ là rất cần thiết và đặc biệt Việt Nam là một trong những nước sử dụng công nghệ rất nhiều. Vì vậy, các hoạt động truyền thông hướng tới giới trẻ cần phải sáng tạo và sử dụng ứng dụng công nghệ. Trong đó tập trung nhiều hơn nữa vào sự tham gia của nam giới; nam giới cần phải nêu tấm gương bình đẳng giới từ trong gia đình, xã hội và nam giới cần phải cam kết không gây áp lực với người phụ nữ của mình về việc cần phải sinh con trai”, bà Quỳnh Anh nói.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu tại các tổ chức, địa phương đã nêu lên những khó khăn và kinh nghiệm truyền thông hiệu quả, sáng tạo nhằm giảm lựa chọn giới tính khi sinh, thay đổi hành vi của cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Thuý, Phó Giám đốc Trung tâm CSAGA cho biết, đã tổ chức các chương trình game show, sự kiện cộng đồng như “Sinh con gái, hái niềm vui”, cuộc thi trên tik tok “Là con gái để toả sáng”, toạ đàm trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông… thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng. Tại Long An tổ chức mô hình “Nam giới điểm 10”, phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà ở cả nam và nữ”; Hội Nông dân xây dựng mô hình “CLB Người cha trách nhiệm”, sân khấu hoá nội dung tuyên truyền qua các tiểu phẩm; tỉnh Bắc Giang tổ chức truyền thông trong các trường THCS, trong KCN cho học sinh, công nhân…

 

Theo baovanhoa.vn

Bài viết liên quan

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023

Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xem thêm

Giáo dục con trẻ từ lời hát ru

“Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn… Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc…”.

Xem thêm

Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững của đất nước

Năm 2022, lĩnh vực Gia đình có rất nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo lĩnh vực này sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo ra nhiều “tế bào của xã hội” lành mạnh trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm

Nâng cao “quyền năng” kinh tế cho phụ nữ DTTS

Hơn 2.600 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số (DTTS) trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa thuộc 9 xã của huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (AWEEV). Dự án không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Xem thêm

Ngăn chặn bạo lực gia đình để không còn ai “chạy trốn” khỏi nơi bình yên

Khi nói đến gia đình là nói đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương song ở nhiều gia đình, lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất. Nhiều người đã phải “chạy trốn” khỏi “chốn an toàn” ấy để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống.

Xem thêm