Sức hút của bản sắc văn hóa và di sản thiên nhiên đối với phát triển du lịch và kinh tế bền vững

30/03/2020 | 2:05

Những năm qua ở nước ta, sau khi trở thành di sản thế giới các di sản đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế đối với công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản. Các di sản này đều đuợc triển khai lập dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị. Trong các dự án đó, phần phát huy giá trị được coi trọng không kém phần bảo tồn.

1. Mấy vấn đề cơ bản

Có thể nói rằng, bản sắc văn hóa và các di sản thế giới nước ta đã đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển kinh tế trên nhiều mặt: Chấn hưng nhiều giá trị văn hóa các dân tộc và quốc gia; bộ mặt các di sản thế giới ngày càng được ổn định và cải thiện thông qua công tác quản lý, tu bổ tôn tạo. Nhiều bộ phận trong di sản được phục hồi, nhiều điểm tham  quan du lịch mới được mở ra quanh khu di sản, ngày càng nhiều hoạt động dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch được mở ra tại các khu di sản quốc gia và thế giới.

Những con số thống kê sơ bộ thời gian qua tại các di sản thế giới đã phản ánh rõ ràng lượng khách du lịch tại các khu di sản tăng vọt ngay trong năm đầu tiên trở thành di sản thế giới, và hàng năm lượng khách du lịch đều tăng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước. Lượng khách tham quan di sản tăng nhanh kéo theo sự phát triển nhanh chóng trực tiếp của ngành du lịch tại địa phương có di sản thế giới và gián tiếp là ngành du lịch trong phạm vi cả nước (1).

Di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành di sản thế giới, nói theo cách của ngành thương nghiệp, điều đó giống như di sản được gắn một “thương hiệu” đặc biệt, hấp dẫn, đánh tiếng ra toàn thế giới. Di sản thế giới là tài sản chung của nhân lọai, do đó nghiễm nhiên trở thành một điểm không thể không đến của các du khách ngoài nước khi tới Việt Nam. Đồng thời, khi một di sản được ghi vào Danh mục di sản thế giới cũng là nguồn động lực thôi thúc, lôi cuốn người dân trong nước đến với các di sản này. Trong thuyết minh của không ít nhân viên hướng dẫn du lịch ta thấy xuất hiện những câu cửa miệng như: “Đến Việt Nam mà không đến thăm di sản này, thưởng thức di sản kia (di sản thế giới) thì chưa phải đã đến Việt Nam”.v.v. điều đó càng khẳng định sự tiêu biểu cho đất nước của các di sản thế giới.

Những năm qua ở nước ta, sau khi trở thành di sản thế giới các di sản đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế đối với công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản. Các di sản này đều đuợc triển khai lập dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị. Trong các dự án đó, phần phát huy giá trị được coi trọng không kém phần bảo tồn.

Vịnh Hạ Long của Việt Nam được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới

Thực tiễn những năm qua cho thấy, các di sản văn hóa, tự nhiên đã góp phần ngày càng quan trọng trong việc phát triển du lịch của đất nước. Tại các địa phương nhất là địa phương có di sản thế giới, chúng ta đã có rất nhiều sáng kiến hoạt động quảng bá di sản. Qua đó cũng góp phần quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với di sản thế giới, như việc tổ chức các: Năm du lịch Hạ Long, Festival Huế, Quảng Nam hành trình di sản, Đêm rằm phố cổ (Hội An), con đường di sản miền Trung.v.v. Những hoạt động này, sau khi thử nghiệm thành công đã trở thành thường xuyên, định kỳ tại các di sản thế giới và đã được ngành du lịch rất quan tâm. Trong các hoạt động nêu trên, nhiều sáng kiến nhằm phục hồi các hoạt động văn hóa phi vật thể được thể nghiệm, nhiều cuộc trình diễn văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian được tổ chức. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống cũng có dịp được giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Sức hút của các di sản văn hóa và tự nhiên đã tạo tiền đề cho việc mở rộng các điểm du lịch và các hoạt động khác xung quanh các di sản thế giới như: Du lịch nhà vườn, vườn sinh thái tại Huế, du lịch Cù Lao Chàm,  tham quan các làng nghề, tắm  biển ở Hội An.v.v.  Du lịch phát triển tại các di sản không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân ở các địa phương có di sản mà còn làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại một số địa phương, góp phần phát triển các ngành nghề dịch vụ du lịch, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, hoạt động văn hóa truyền thống (văn hóa phi vật thể) được phục hồi, phát triển phục vụ trở lại cho du lịch.

Sau khi trở thành di sản quốc gia và  thế giới, chúng ta đã đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác quản lý và công tác bảo quản, tu bổ và tôn tạo các di sản. Hàng trăm tỉ đồng đã được nhà nước chi cho việc bảo quản tu bổ và phục hồi các di tích ở Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Hội An. Hàng trăm tỉ đồng khác được đầu tư để nâng cấp các cơ sở hạ tầng của di sản. Nhờ những nỗ lực đó, bộ mặt của các di sản văn hóa và tự nhiên ngày càng được cải thiện, được bảo quản, tu bổ và phục hồi…ngày càng trở nên hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (2)

Trước đây, khi giá vé hàng không của người nước ngoài cao hơn người trong nước, người ta đã nói đến “đường bay vàng” để chỉ tuyến bay Hà Nội – Huế, nhiều chuyến bay chỉ toàn người nước ngoài bay từ Hà Nội vào tham quan di tích Huế. Tương tự như vậy, các tuyến xe lửa, xe ca, tàu thuỷ trở khách đến tham quan du lịch các di sản thế giới cũng nhộn nhịp hơn, tất bật hơn.

2. Vấn đề đặt ra

Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như ở trên, song đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên nói chung, bảo tồn di sản phục vụ phát triển du lịch nói riêng thời gian qua còn lộ ra  những bất cập về nhiều mặt.:

– Nhận thức, tâm lý phổ biến của các vị lãnh đạo chính quyền địa phương khi đề đạt nguyện vọng nâng cấp di tích của địa phương mình lên hạng di tích quốc gia đặc biệt hoặc di sản thế giới, ngoài mong muốn nhận đựơc sự quan tâm đầu tư lớn của Chính phủ vào công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, còn có ý muốn tăng nhanh hoạt động du lịch tại di tích. Qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, cải thiện một phần đời sống nhân dân. Đây là một nguyện vọng chính đáng, tuy nhiên ở góc độ bảo tồn di sản, nếu việc bảo tồn di sản không được coi trọng ngang bằng hoặc hơn việc khai thác di sản thì sẽ dẫn đến tình trạng phá hoại di sản, làm cho di sản bị xuống cấp, mai một nhanh chóng.

– Về tổ chức bộ máy quản lý di sản, tuy mỗi di sản đã có một tổ chức quản lý riêng, song quy mô và cơ chế tổ chức của các cơ quan giữa các di sản còn chưa thống nhất. Đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ ở một số cơ quan quản lý di sản thế giới còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Sự thiếu đồng bộ trong tổ chức và đội ngũ cán bộ ảnh hưởng rất rõ đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như tài nguyên du lịch.(3) Chính vì thế, chất lượng công tác quản lý di sản cũng còn rất khác nhau.

– Nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản chưa thực sự đồng đều, vững chắc và có lợi cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.  Có thể nói, tại địa phương có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, về mặt hình thức, phần lớn mọi người đều vui mừng khi địa phương mình có di sản thế giới, ý thức trách nhiệm của cộng đồng với việc bảo vệ di sản thế giới được nâng lên. Nhưng trên thực tế những nhận thức này chưa tương xứng với nhu cầu bảo vệ di sản thế giới. Cán bộ và người dân địa phương hướng sự quan tâm vào việc khai thác di sản là chính, việc bảo vệ di sản chủ yếu vẫn là những biện pháp hành chính của các cơ quan quản lý. Có thể nói, người dân ở các di sản thế giới quan tâm đến việc được hưởng lợi gì từ di sản thế giới hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ di sản thế giới là gì?

– Ngành du lịch, trong những năm, qua sự phối kết hợp giữa các ngành liên quan và địa phương đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng những kết quả đó còn chưa xứng tầm với đòi hỏi phát triển du lịch bền vững tại các di sản. Sự phối kết hợp còn chưa hài hòa giữa khai thác tài nguyên du lịch và bảo tồn di sản. Vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm.

– Di tích bị khai thác nhiều gấp nhiều lần đầu tư tu bổ (nếu tính theo kinh phí đầu tư và kinh phí thu được từ dịch vụ và các ngành). Du lịch kéo theo những mặt tiêu cực đối với di sản, những hiểm họa trực tiếp và tiềm năng, ô nhiễm môi trường tự nhiên và xã hội ở các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa.

– Ngoài những tác động tiêu cực về mặt xã hội như ô nhiễm môi trường tự nhiên và xã hội, một số ngành nghề thủ công được phục hồi nhưng do nhu cầu phục vụ du lịch nên có không ít hàng chợ, hàng kém chất lượng được tung ra thị trường, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của một số ngành nghề thủ công truyền thống, không ít di sản văn hóa phi vật thể bị thương mại hóa, lễ hội bị đưa ra khỏi không gian, thời gian thiêng, bị cắt ngắn hoặc kéo dài để phục vụ nhu cầu du lịch, từ đó hình ảnh của một số lễ hội đã bị hiểu sai rất nhiều.

– Việc học tập chuyên môn, ngoại ngữ của một số cán bộ, nhân viên hời hợt chỉ nhằm phục vụ những lợi ích trước mắt, chứ không chú ý chuyên sâu, nâng cao thường xuyên để đáp ứng những đòi hỏi chuyên môn cao của ngành.

3. Giải pháp

– Ngành văn hóa, du lịch và chính quyền địa phương phải tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất tổ chức bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên quốc gia và thế giới.

– Những năm tới, cần tập trung tăng cường hợp tác giữa các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương, trước hết là giữa ngành du lịch và bảo tồn di sản văn hóa để tạo ra sự phát triển du lịch thực sự bền vững. Cần lồng ghép tốt giữa Chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp và tôn tạo di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và Chương trình quốc gia về du lịch, các chương trình về môi trường, giáo dục, các quy họach phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực có di sản thế giới.

– Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, song song với quá trình đào tạo các cán bộ chuyên môn, cần có kế hoạch tập huấn về chuyên môn và thái độ ứng xử đối với di sản, với khách tham  quan cho cán bộ và nhân dân các địa phương có di sản thế giới, các đối tượng tham gia khai thác du lịch tại các di sản thế giới – không chỉ cán bộ du lịch mà cả đối với những người bán hàng, dân địa phương, những người đạp xích lô, lái “xe ôm”, hướng dẫn du lịch tự do.v.v. để thực sự tạo ra những hoạt động du lịch bền vững tại các khu di sản thế giới.

– Đầu tư có trọng điểm cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi những điểm di tích vật thể, nghiên cứu, lập hồ sơ, tư liệu và phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng tại các khu di sản thế giới. Đầu tư chiều sâu cho việc duy trì một số ngành nghề thủ công và lễ hội, nghệ thuật trình diễn tiêu biểu độc đáo tại các khu di sản.

– Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như giao thông vận tải, hàng không, xây dựng, lao động – thương binh và xã hội, công an, thuỷ sản… và các cơ quan địa phương đảm bảo cho môi trường di sản văn hóa và tự nhiên được trong sạch. Tạo sự ổn định, bền vững cho di sản và sự an toàn cho khách tham quan du lịch, tránh chồng chéo, thiếu hiệu quả bền vững.

PGS. TS. Lê Ngọc Thắng 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, BCHTW khóa VIII.
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2003), Nghị quyết 24 Hội nghị lần thứ 7, BCHTW khóa IX.
  3. Ban Chấp hành Trung ương (2014), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCHTW khóa XI,
  4. Bộ VHTTDL (2019), Quyết định số 209/QĐ- BVHTTDL ngày 23 tháng 2 năm 2019 về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
  5. Bộ Văn hoá – Thông tin (1998), Một số giá trị văn hóa truyền thống với đời sống văn hoá cơ sở ở nông thôn hiện nay, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
  6. Nguyễn Lâm Thành-Lê Ngọc Thắng (2015),Vấn đề dân tộc ở việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.Tạp chí Cộng sản, số 874 (8-22015)
  7. Thủ tướng Chính phủ (2003),Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 124/2003/QĐ-TTg ngày 17/6/2003 về phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các tộc người thiểu số Việt Nam.
  8. Thủ tướng Chính phủ (2009),  Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;
  1. Thủ tướng Chính phủ (2011),Quyết định số 1270/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án: “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.
  2. Quốc hội, Hiến  pháp 2013
  3. Quốc hội (2017), Luật du lịch số 09/ 2017/QH14, Quốc hội khóa 14
  4. Quốc hội (2019), Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 .

(1) Theo  Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 ước đạt 12,9 triệu lượt. Như vậy, chỉ sau 1 năm thiết lập mốc đón 10 triệu lượt vào năm 2016, năm nay khách quốc tế đến nước ta lại tiếp tục tăng thêm 2,9 triệu lượt, tương đương tăng 29,1% so với năm 2016.

– Với 15,5 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa, tổng nguồn thu từ khách du lịch năm 2018 đã mang về cho Việt Nam hơn 620.000 tỷ đồng.Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Du lịch cho biết, trong năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần 20% so với năm 2017, góp phần làm tăng nguồn thu từ khách du lịch lên 21,4% so với năm trước đó.

– Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2019 ước đạt 1.512.447 lượt, tăng 14,9% so với tháng 07/2019 và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 8 tháng năm 2019 ước đạt 11.309.232 lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018.

(2) – Năm 2018 được coi là năm thành công của du lịch Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, ước tính đến hết năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm ngoái và 80 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng.

(3) Ví dụ những năm trước đây ở Quảng Nam, nơi có hai di sản văn hóa thế giới, nhưng có tới ít nhất ba cơ quan nghiệp vụ tham gia quản lý di tích là Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An trực thuộc Uỷ ban nhân dân thị xã Hội An và Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Duy Xuyên. Sự chồng chéo về quản lý và nhiệm vụ đã tạo nên những mâu thuẫn, gây bất lợi cho di sản cả trong công tác bảo tồn di tích và phát triển du lịch.

Bài viết liên quan

Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Vào hồi 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Xem thêm

Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).

Xem thêm

Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.

Xem thêm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo

Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Xem thêm

Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam

Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).

Xem thêm