“Rào chắn” bảo vệ trẻ trên không gian mạng

05/11/2022 | 10:29

Với trẻ em, Internet là một kênh cung cấp kiến thức, giải trí quan trọng trước guồng quay 4.0 của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, không gian này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ như: Tiếp cận thông tin giả, độc hại, nghiện mạng xã hội… Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng tuyên truyền các nội dung xấu độc, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ và có thể dẫn đến tình trạng các em bị dụ dỗ và xâm hại.

Vn-cop.vn là một trong những địa chỉ an toàn, cung cấp những công cụ, phần mềm hữu ích,

giúp trẻ em tham gia tương tác lành mạnh trên môi trường mạng

87% trẻ em sử dụng Internet hằng ngày

Theo kết quả khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH, trong 3 tháng đầu năm, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này có 87% sử dụng hằng ngày. Ngoài thời gian học tập, trung bình trẻ em dành tới 5-7 tiếng/ngày để lên mạng. Tuy nhiên, chỉ có 36% trẻ em (hầu hết ở độ tuổi 16-17) được giáo dục về việc đảm bảo an toàn trên mạng. Thống kê từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng đã tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022, có 268 cuộc gọi đến tổng đài yêu cầu được tư vấn, với 3 nhóm vấn đề lớn: Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trên môi trường mạng (31%); cách sử dụng Internet an toàn (31,3%); tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm chiếm (gần 17%).

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho hay, theo khảo sát về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam về bóc lột và XHTD qua mạng, có 1% trẻ em được khảo sát bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/ hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để thực hiện hành vi TD; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện TD. Do vậy, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, như: Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật trẻ em (2016) quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 54), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018) (Điều 29 quy định về BVTE trên không gian mạng)… Tới đây, Bộ LĐ,TB&XH sẽ tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự quan tâm của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hoàn thiện, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em và cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Gia đình là “lá chắn” quan trọng

Thực tế là, rất nhiều trẻ em từ thành thị đến nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa đang bị “hút hồn” bởi những chiếc điện thoại, máy tính, tivi kết nối mạng Internet. Trước đó, một số phụ huynh đã tá hỏa khi biết các clip trên kênh TIMMY TV có những nội dung và hình ảnh kinh hãi, rùng rợn, đáng nói đối tượng chính của kênh là trẻ em, với trên 140 triệu lượt người xem và hơn 772.000 lượt theo dõi, với những nhan đề như: “TIMMY phát hiện mẹ con chết oan bị nấu canh thai nhi bán cho đại gia ăn quay về trả thù chết người”, “TIMMY nhận ra cô dâu bị hồn ma nhập xác sống”…, hay vụ kênh Thơ Nguyễn với hơn 8,7 triệu người theo dõi đã chia sẻ clip cho búp bê ma uống nước ngọt để “xin vía học giỏi”, dạy trẻ mê tín, lười học nhưng vẫn có kết quả tốt. Dù ngay sau đó các chủ trang mạng này đều đã bị cơ quan chức năng xử lý, thế nhưng tác hại ghê gớm mà những clip bất chấp để “câu like, câu view” ấy vẫn chưa có hồi kết…

Ngay lúc này, gia đình và nhà trường cần phải tăng cường hơn nữa việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn, cũng như cách nhận biết các thông tin, video, clip độc hại, không phù hợp trên môi trường mạng. Theo bà Đinh Thị Như Hoa, hiện nay có 3 loại công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm: Công cụ có sẵn trên các hệ điều hành window, IOS, Android hoặc trên các trình duyệt; công cụ hỗ trợ là các ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông); các ứng dụng hỗ trợ như phản ánh, kiểm tra… có thể giới hạn thời gian sử dụng, giới hạn nội dung sử dụng, giúp bảo vệ trẻ khỏi các nội dung xấu độc. Như việc cài đặt YouTube Kid, cha mẹ có thể cài đặt độ tuổi của trẻ, chế độ lọc nội dung, vô hiệu hóa tính năng video gợi ý, đặt danh mục các clip hay những kênh các con nên xem.

Cha mẹ cũng có thể sử dụng các ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên thiết bị đầu cuối, như phần mềm CyberPurify Kids giúp phát hiện và chặn lọc 15 loại nội dung độc hại trên Internet theo thời gian thực; Google Family Link giúp kiểm soát các thanh toán, tải về và nội dung nào được hiển thị; Kapersky Safe Kids giúp chặn quyền truy cập vào nội dung không phù hợp hoặc có hại, giới hạn thời gian sử dụng. Ngoài ra, có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra bằng cách liên hệ với Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Hotline: 111); cơ quan Công an các cấp hoặc gọi Hotline 113; hoặc liên hệ với Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa chỉ website: vn-cop.vn (Hotline: 0963563571).

Ngoài việc ứng dụng các công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, thì sự đồng hành với trẻ từ phía nhà trường và gia đình là rất cần thiết. Rõ ràng, việc sử dụng Internet là quyền lợi của trẻ em, vì vậy cần phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm để trẻ khai thác quyền lợi này một cách hợp lý, hợp pháp và đúng định hướng, với quan điểm tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ chứ không phải là tuyệt đối ngăn cấm. 

Theo baovanhoa.vn

 

Bài viết liên quan

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023

Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xem thêm

Giáo dục con trẻ từ lời hát ru

“Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn… Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc…”.

Xem thêm

Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững của đất nước

Năm 2022, lĩnh vực Gia đình có rất nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo lĩnh vực này sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo ra nhiều “tế bào của xã hội” lành mạnh trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm

Nâng cao “quyền năng” kinh tế cho phụ nữ DTTS

Hơn 2.600 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số (DTTS) trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa thuộc 9 xã của huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (AWEEV). Dự án không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Xem thêm

Truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Truyền thông vẫn được coi là giải pháp tập trung để chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông cần đa dạng hình thức, mở rộng đối tượng và ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả.

Xem thêm