Phát triển bền vững văn hóa và du lịch làng nghề

03/10/2014 | 1:28

Làng nghề trong thực tiễn đời sống xã hội xưa nay vốn là một loại hình hoạt động kinh tế có tính văn hóa sâu sắc. Về bản chất, những cộng đồng nghề nghiệp ra đời và phát triển trực tiếp vì mục đích kinh tế là chủ yếu nhưng đồng thời ngay lập tức […]

Làng nghề trong thực tiễn đời sống xã hội xưa nay vốn là một loại hình hoạt động kinh tế có tính văn hóa sâu sắc. Về bản chất, những cộng đồng nghề nghiệp ra đời và phát triển trực tiếp vì mục đích kinh tế là chủ yếu nhưng đồng thời ngay lập tức và từng bước trở thành một hiện tượng văn hóa đặc trưng của xã hội

Nhiều làng nghề mang đậm dấu ấn văn hóa riêng của cá nhân, gia đình, dòng họ hoặc cộng đồng địa phương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Văn hóa làng nghề, nhất là ở các làng nghề truyền thống trong thực tế có thể trở thành một bộ phận trong những loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù có vị trí quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Giá trị văn hóa làng nghề vì vậy cần được bảo tồn, phát huy như một trong những vốn di sản góp phần tạo cơ sở nền tảng lâu dài cho sự phát triển bền vững bản thân làng nghề, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội nói chung, hoạt động du lịch nói riêng.

  1. Phát triển văn hóa làng nghề

1.1. Văn hóa làng nghề

Khởi phát từ xã hội truyền thống cho đến nay, bên cạnh nông nghiệp nuôi, trồng và buôn bán nhỏ trước đây hoặc ngoài công nghiệp, thương nghiệp sản xuất lớn hiện nay, làng nghề (ở Nam Bộ – Việt Nam còn gọi là xóm nghề) hình thành, phát triển như một trong những phương cách mưu sinh của con người chủ yếu tại các vùng nông thôn hẻo lánh, các vùng ven đô thị sầm uất. Sản phẩm làng nghề được kết tinh bằng sức lao động (chủ yếu bằng “thủ công”) của cá nhân, tập thể nghệ nhân để trở thành món thương phẩm, đòi hỏi phải được tiêu thụ như một thứ hàng hóa mà giá trị trực tiếp của nó là có thể đem lại khoản lợi ích kinh tế nhất định[1] vừa phục vụ cho nhu cầu đời sống của người sản xuất vừa có thể tái sản xuất ra các sản phẩm khác ngày càng nhiều hơn về số lượng, tốt hơn về chất lượng. Trong thực tế, việc phát triển làng nghề đồng nghĩa với khả năng phát triển công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước, đặc biệt ở khu vực nông thôn… Như vậy, làng nghề ra đời trước hết và trực tiếp vì mục đích kinh tế và đó là một hiện tượng kinh tế – xã hội rất đặc trưng. Nhưng đồng thời, làng nghề cũng là một hiện tượng văn hóa – xã hội mang tính điển hình. Vì sao? Một trong những định nghĩa chung đáng ghi nhận ở đây là: “làng nghề là một thực thể vật chất và tinh thần được tồn tại cố định về mặt địa lý, ổn định về nghề nghiệp hay một nhóm các nghề có mối liên hệ mật thiết với nhau để làm ra một sản phẩm, có bề dày lịch sử và được tồn tại lưu truyền trong dân gian”[2]. Bản thân làng nghề với các yếu tố cấu thành của nó thực chất là những thành tựu hoạt động sáng tạo có ý thức cao (liên quan cả lý trí, tình cảm, tâm linh) của con người (cả cá nhân lẫn cộng đồng) và kết quả hoạt động ấy được khẳng định vị thế trong không gian và tích lũy theo thời gian để đem lại những giá trị tích cực nhất định cho đời sống xã hội.[3]

Và đây chính là cơ sở rõ ràng nhất để nói về văn hóa làng nghề, yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của bản thân các làng nghề bao gồm các nội dung liên quan những thành tố cơ bản mang tính chất điều kiện quyết định sự phát triển bền vững của mọi hoạt động làng nghề, có thể khái quát gồm:

– Những giá trị văn hóa thể hiện ở ngay trong những sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Đó là nơi kết tinh những thành quả sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân dựa trên nguồn nguyên liệu truyền thống có sẵn hoặc tái tạo kết hợp vốn tinh hoa tri thức dân gian (văn hóa kỹ thuật – nghệ thuật…) và kỹ năng “tay nghề” cụ thể của bản thân hoặc kế thừa từ các thế hệ đi trước để tạo ra những sản phẩm ích dụng mang những giá trị độc đáo nhất định của văn hóa dân tộc và địa phương…

– Bản thân các nghệ nhân chính là những chủ thể quan trọng nhất của văn hóa làng nghề[4]. Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO từng dùng khái niệm “Báu vật nhân văn sống” để dành tặng cho đội ngũ nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống trên thế giới. Không thể khác, đó chính là những tài năng thông qua bàn tay, trái tim và khối óc của mình để sáng tạo nên các sản phẩm, các hoạt động của làng nghề góp phần bổ sung, làm đẹp thêm truyền thống và bản sắc văn hóa cộng đồng địa phương và dân tộc. Do đó, bản thân họ đã là một tài sản văn hoá sống, nắm giữ những giá trị văn hoá của cộng đồng, của dân tộc và có thể là của cả nhân loại…

– Môi trường tồn tại và phát triển của làng nghề thực chất cũng chính là không gian văn hóa vật thể của làng nghề. Từ cảnh quan điều kiện tự nhiên cho tới các yếu tố xã hội liên quan làng nghề, ví dụ như từ dòng sông, bến nước, cây đa… cho tới cổng làng, những di tích lịch sử – văn hóa, nhà thờ tổ nghề… tất cả đều là môi trường vừa nuôi dưỡng vừa thể hiện ra các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương, dân tộc thông qua văn hóa làng nghề.

– Một môi trường tồn tại và phát triển khác của làng nghề là không gian văn hóa phi vật thể của làng nghề. Đó là những nếp sinh hoạt cộng đồng (tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán…) mà mỗi tập thể làng nghề trong quá trình sống và sản xuất lâu dài của mình đã hình thành nên và giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, dân tộc cũng như của bản thân làng nghề.

1.2. Giải pháp phát triển bền vững văn hóa làng nghề             

Quan niệm chung về “phát triển bền vững” (sustainable development) hiện nay là sự phát triển vững chắc không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai lâu dài trên cơ sở đảm bảo giữ được sự cân bằng, hài hòa giữa các mối quan hệ liên quan sự phát triển ấy như về chia sẻ lợi ích giữa các cá nhân, tập thể cộng đồng người tham gia, về khai thác với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, về tuân thủ và làm chủ các quy luật khách quan chi phối bản thân sự tồn tại của đối tượng phát triển trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Làng nghề như đã phân tích ở trên, với tư cách là một thực thể xã hội vừa có tính kinh tế vừa mang bản chất văn hóa sâu sắc, do đó phát triển bền vững làng nghề không thể khác, phải bắt đầu từ những yếu tố khách quan như vậy.

1.2.1. Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề

Dựa theo bản chất của đối tượng, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế đã có và dựa theo tinh thần các văn bản pháp quy liên quan hiện nay, nhóm giải pháp này gồm có:

– Điều tra, quy hoạch tổng thể các làng nghề nhằm không chỉ thống kê về số lượng mà còn kiểm kê, đánh giá đầy đủ chất lượng các vốn văn hóa làng nghề truyền thống đang có trên địa bàn các địa phương và trong cả nước; xác lập các mục tiêu dài hạn và tạo điều kiện phát triển bền vững cho các làng nghề, khắc phục tình trạng phát triển tự phát hoặc biến mất của các ngành nghề truyền thống.

– Bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề, xét về bản chất chính là giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống vốn có, đặc biệt là tính cộng đồng nông thôn. Tính cộng đồng của làng nghề trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay được chú ý phát huy không chỉ nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề, mà còn là biểu hiện sự tiếp nối truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề và của dân tộc trong điều kiện mới. Nó góp phần nâng cao và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, qua đó huy động sự đóng góp tự nguyện và rộng rãi của người dân vào việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa của làng nghề.

– Khai thác, phát huy mọi ứng dụng văn hóa khoa học – kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất làng nghề, đồng thời phải chú ý cảnh giác “bệnh” quá đề cao áp dụng kỹ thuật máy móc vào trong quá trình sản xuất làm cho làng nghề thủ công truyền thống có thể dần bị biến đổi thành những ngành nghề công nghiệp, cơ khí, làm mất đi ý nghĩa và giá trị văn hóa đích thực của các làng nghề. Ở đây chúng ta phải khẳng định lần nữa rằng: Sản phẩm của các làng nghề là những sản phẩm độc đáo được sản xuất theo kinh nghiệm, kĩ năng, kĩ xảo là chính, nhiều sản phẩm không thể sử dụng máy móc vào trong quá trình sản xuất mà chỉ có bàn tay con người mới có thể thực hiện được để tạo ra giá trị riêng cho nó.

– Trong các làng nghề nhất là các làng nghề truyền thống thường có nhiều nghệ nhân tài hoa và đội ngũ thợ lành nghề. Nhưng nhìn chung đa số được truyền nghề chủ yếu chỉ bằng con đường “cha truyền, con nối”, không qua trường lớp nên đôi khi thiếu bài bản và từ đó đã hạn chế khả năng nắm bắt, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả các kiến thức kinh tế – xã hội. Để khắc phục tình trạng chất lượng nguồn nhân lực ở những làng nghề còn nhiều hạn chế như vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức đào tạo giảng dạy theo trường lớp quy củ, không chỉ phối hợp với các làng nghề để học viên có thể tiếp cận và học tập thêm ngay tại cơ sở sản xuất của mình mà còn khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, những người thợ tay nghề cao, các chủ cơ sở sản xuất của các làng nghề ở địa phương thường xuyên được tiếp xúc, trao đổi, giao lưu học hỏi ở những địa phương trong và ngoài nước…

– Như đã nói việc bảo vệ môi trường, cảnh quan của làng nghề không chỉ liên quan đến sức khỏe cộng đồng, vẻ đẹp cần có của cơ sở sản xuất mà nó còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc khác. Do đó, ngoài các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để bảo vệ tài nguyên, xử lý môi trường, việc tuyên truyền, vận động kết hợp với các giải pháp quản lý, kiểm tra hữu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan trong khu vực làng nghề là hết sức cần thiết. Ngoài ra, các giá trị tinh thần của làng nghề được lưu giữ trong các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội, kể cả các bí quyết, truyền thống tốt đẹp của ngành nghề cũng rất cần được nghiêm túc trân trọng giữ gìn, phát huy thông qua những quy ước, luật tục của dòng họ hay cộng đồng làng xã.

1.2.2.Giải pháp phát triển kinh tế trong văn hóa làng nghề

Thực chất đây là việc vận dụng những quy luật kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) nhằm chủ động tạo điều kiện phát triển bền vững các làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa làng nghề như đã nêu ở trên:

– Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề, đặc biệt chú ý xây dựng thương hiệu làng nghề. Hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì gắn với không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

– Bên cạnh giải quyết “đầu ra” thông qua tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thì vấn đề “đầu vào” của các làng nghề, tức nguồn nguyên liệu sản xuất, nhất là đối với nguồn nguyên liệu tự nhiên tại chỗ và trong nước là rất quan trọng. Không chỉ cần nắm rõ trữ lượng nguồn nguyên liệu hiện có để khai thác sử dụng hợp lí mà còn phải tìm cách đẩy mạnh xã hội hóa việc phục hồi tái tạo nguồn nguyên liệu ấy, kể cả nghiên cứu tìm ra những nguồn nguyên liệu mới chất lượng có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu tự nhiên truyền thống vốn có.

– Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị, thường xuyên đổi mới công nghệ, cơ khí hoá, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất để không ngừng phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm cho các ngành nghề truyền thống.

– Trong bối cảnh và xu thế phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, các làng nghề cần được khuyến khích tiến tới thành lập các doanh nghiệp (ở nông thôn) với quy mô lớn hoặc vừa và nhỏ, tạo điều kiện tập trung để làm đòn bẩy thúc đẩy ngành nghề phát triển theo hướng sản xuất lớn đồng thời có thể kết hợp triển khai các mô hình văn hóa doanh nghiệp phù hợp nhằm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, tích cực theo định hướng chung đã xác định.

– Các chính sách hỗ trợ về vốn, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn, bên cạnh việc ưu tiên lãi suất, các loại thuế thu nhập và xuất khẩu… là hết sức quan trọng đối với các làng nghề hiện nay. Ngoài ra, hỗ trợ cho các làng nghề có cơ hội tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước vẫn là một trong các giải pháp có ý nghĩa chiến lược.

  1. Phát triểndu lịch làng nghề

2.1. Du lịch làng nghề

Nói tới du lịch là nói đến “hoạt động của con người rời nơi cư trú thường xuyên đến một nơi khác nhằm chủ yếu thỏa mãn nhu cầu văn hóa vật chất, tinh thần thông qua tiêu dùng các sản phẩm du lịch mang những giá trị văn hóa độc đáo nhất định và có thể đem lại hiệu quả kinh tế quan trọng cho người (địa phương) làm du lịch”[5]. Quan niệm đó có ý nghĩa quan trọng đối với bản chất làng nghề, cả về khía cạnh kinh tế lẫn văn hóa làng nghề. Nhìn từ góc độ Du lịch học, người ta từng nói rằng: “Bất cứ tài nguyên tự nhiên hoặc nhân văn nào, bất cứ sản phẩm của lĩnh vực sản xuất nào, nếu được thiết kế, cải tạo và vận hành phù hợp đều có thể trở thành sản phẩm du lịch để giới thiệu với du khách” [6] Như vậy làng nghề có thể được xem là một loại tài nguyên quan trọng trong nhóm các tài nguyên du lịch nhân văn, một trong những yếu tố đã và đang được khai thác để cấu thành nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đến với các làng nghề trong hành trình du lịch là dịp để du khách được khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của các nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức phường, hội riêng của các làng nghề truyền thống[7]Trong thực tế các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia…) và nhiều nơi ở Việt Nam, thời gian qua du lịch làng nghề đã là một hướng đi quan trọng để giới thiệu, tôn vinh văn hóa làng nghề, qua đó giới thiệu văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc rất hiệu quả, gồm cả hiệu quả kinh tế không nhỏ cho cộng đồng tại chỗ. Hình ảnh các làng nghề thường xuyên được khách du lịch đến thăm, vừa xem trình diễn các thao tác sản xuất, vừa mua sản phẩm của các làng nghề với tư cách một trong các trọng điểm du lịch (main destinations) đã trở thành quen thuộc như là một nhu cầu đáng quan tâm của du khách cũng như của những người “thiết kế tour”, các “tour guide” (hướng dẫn viên du lịch), các công ty lữ hành.

2.2. Giải pháp phát triển bền vững du lịch làng nghề

Phát triển du lịch làng nghề thực chất là một giải pháp quan trọng nhằm góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững bởi lẽ nó không chỉ giúp mở rộng thị trường theo cách “xuất khẩu tại chỗ”, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn nó còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề một cách tích cực theo các định hướng chủ yếu như sau:

2.2.1. Làng nghề với du lịch văn hóa

Du lịch văn hóa là du lịch dựa trên các chương trình, sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác các giá trị, các loại hình văn hóa như di tích, lễ hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực… nhằm tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu, khám phá về các nền văn minh, văn hóa dân tộc, địa phương vùng, miền. Hệ thống giá trị văn hóa làng nghề như đã nêu ở trên rõ ràng là cơ sở nền tảng vững chắc để có thể “thiết kế” thành những “điểm đến” hấp dẫn với những chương trình sản phẩm dịch vụ du lịch mang hàm lượng văn hóa cao. Đặc biệt, khi các làng nghề phục vụ phát triển du lịch văn hóa thì đó không những là cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề một cách hiệu quả nhất về văn hóa lẫn kinh tế mà nó còn có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ của người dân địa phương đối với tầm quan trọng phải góp phần giữ gìn, tôn tạo và quản lý tốt hơn những giá trị văn hóa làng nghề nói riêng, văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung.

2.2.2Làng nghề với du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái là du lịch hướng tới mục tiêu thưởng thức và có trách nhiệm cao đối với việc bảo tồn môi trường sống (gồm sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn) thông qua các điểm đến được chủ định thiết kế gắn với thiên nhiên và văn hóa mang những giá trị đặc trưng nhất định. Phát triển làng nghề truyền thống gắn du lịch thực chất là khai thác các giá trị văn hóa làng nghề như những “bảo tàng dân tộc học ngoài trời” thông qua những “hiện vật gốc” liên quan cả thiên nhiên lẫn nhân văn gắn với một môi trường đời sống thực tế của cộng đồng địa phương do đó nó là hình thức bảo vệ, tôn vinh môi trường sinh thái một cách sinh động, bền vững nhất!

2.2.3. Làng nghề với phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng được xem là một loại mô hình hoạt động du lịch bền vững, bởi nó có sự tham gia của số đông cư dân tại chỗ cùng khai thác, bảo tồn, phát huy các vốn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn tại địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng có khả năng thu hút đông đảo du khách và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cụ thể góp phần nâng cao đời sống cho chính cộng đồng. Trong hoạt động du lịch, không chỉ tài nguyên nhân văn mà cả tài nguyên thiên nhiên đều có quan hệ và chịu sự quyết định bởi vai trò chủ nhân, chủ thể của cộng đồng cư dân tại chỗ kết hợp với vai trò chủ trì về quy hoạch, kế hoạch, tổ chức quản lý của Nhà nước và các cơ quan chức năng, vai trò nòng cốt trong đầu tư, tác nghiệp của các doanh nghiệp.Và đó là một mô hình lý tưởng mà du lịch làng nghề có rất nhiều khả năng để đáp ứng nếu được tập trung đầu tư khai thác tốt.

Dựa trên cơ sở các nội dung đã phân tích như trên, kết hợp tham khảo các quan điểm lý luận khác nhau và liên hệ sát tình hình thực tế, chúng ta có thể khẳng định rằng làng nghề là một thực thể xã hội mang bản chất kinh tế – văn hóa rất rõ nét. Trong đó, mối quan hệ kinh tế và văn hóa trong quá trình phát triển của văn hóa làng nghề và du lịch làng nghề là mối quan hệ biện chứng có tính mục đích cao: nếu kinh tế là điều kiện thì văn hóa là mục tiêu và động lực cho chính quá trình phát triển ấy. Đây là quy luật mang tính định hướng chiến lược cho các giải pháp cơ bản nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa làng nghề và phát triển du lịch làng nghề, tạo điều kiện để phát triển bền vững các làng nghề nói riêng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước nói chung trong giai đoạn mới hiện nay./.

H.Q.T

[1] Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống theo tinh thần Thông tư 116/2006/TT và Nghị định số 66/2006/NĐ – CP của chính phủ Việt Nam quy định rõ rằng: Giá trị sản xuất và thu nhập từ ngành nghề truyền thống ở làng đạt trên 50% tổng giá trị sản xuất và thu nhập của làng trong năm…

[2] Lê Thị Minh Lý (2003): Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, Tạp chí Di sản văn hóa số 4 -2003.

[3]  Theo thông tư 116/2006/TT – BNN và nghị định số 66/2006/NĐ-CP như đã nói về phát triển ngành nghề nông thôn: Đối với nghề truyền thống, gồm 03 tiêu chí: nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi làng nghề.

[4] Thông tư liên tịch số 41/2002/TTLT/BNN-BLĐTBXH-BVHTT ngày 30/5/2002 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lao động -TBXH và Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và một số chính sách đối với nghệ nhân: (1) Là người thợ giỏi, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, có khả năng sáng tác mẫu mã và sao chép mẫu đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ bình thường khác không làm được; (2) Có công đóng góp trong việc giữ gìn, phát triển, đào tạo và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ…

 

[5] Huỳnh Quốc Thắng: Tổng quan về đào tạo & xây dựng nguồn nhân lực du lịch, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Nguồn nhân lực và phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận” do Trường Đại học Phan Thiết & Cơ quan Đại diện Bộ VHTTDL tại TPHCM tổ chức tại Phan Thiết ngày 28 – 10 – 2013, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013.

[6]  Trần Trung Dũng: Bản tin Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, số 7 – 2007.

[7]http://www.langnghe.org.vn/du-lich-lang-nghe.htm

 

Bài viết liên quan

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng trong việc định hướng, xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Xem thêm

Tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số 

Văn hóa là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước hào hùng, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh dân tộc Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Đóng góp một phần không nhỏ trong đó là những thành tựu do đồng bào các dân tộc thiểu số góp sức. Chính vì vậy những năm qua Lai Châu luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tôn vinh cũng như phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Xem thêm

Xây dựng bản văn hóa gắn với quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch

Đó là cách làm không mới nhưng đã thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, đồng thời hình thành nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giầu bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch đến khám phá trải nghiệm mà Lai Châu đã làm được trong thời gian qua.

Xem thêm

Sức mạnh mềm văn hóa góp phần nâng cao vị thế đất nước

Phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Chắc chắn những giá trị vốn có ấy của dân tộc sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Xem thêm

Gắn kết di sản văn hóa với kinh tế du lịch

Một trong những giải pháp mà Lai Châu đã triển khai thực hiện hiệu quả trong việc bảo tồn di sản văn hóa chính là gắn kết di sản với phát triển kinh tế du lịch và khai thác bền vững các giá trị di sản bằng cách dựa vào cộng đồng. Bởi trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chúng ta phải biết cách biến di sản thành tài sản, biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường.

Xem thêm