Phát huy vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình
20/03/2020 | 2:10
Giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, với ba trụ cột là giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Trong đó giáo dục gia đình được coi là chủ đạo, bởi Gia đình là tổ ấm, nơi tràn đầy tình yêu thương ruột thịt, nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư, thực hiện chức năng phát triển nòi giống, vừa là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người.
Với con người Việt Nam truyền thống, gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Gia đình không chỉ là nơi sinh sống, nuôi lớn mỗi cá nhân về thể chất mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho con người. Gia đình là giá trị cao đẹp mà con người mong muốn vươn tới. Gia đình truyền thống được coi là hạnh phúc và đáng tự hào là gia đình có sự chung sống của nhiều thế hệ kiểu “tam đại”, “tứ đại”, “ngũ đại” đồng đường. Trong đó, hạnh phúc gia đình được duy trì trên cơ sở sự gắn kết hài hòa của các mối quan hệ giữa các cá nhân, thế hệ với những tình cảm và chuẩn mực đạo đức, giá trị tốt đẹp.
Tuy nhiên trước làn sóng mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế làm cho nhận thức của con người về gia đình có nhiều thay đổi. Tinh thần tự do, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi đã khiến con người hướng đến cuộc sống độc lập. Gia đình, đối với không ít người hiện nay, không còn là giá trị duy nhất. Ngoài gia đình, họ còn nhiều mối quan tâm, nhiều giá trị khác để vươn tới. Thực tế này khiến cho gia đình Việt Nam truyền thống nói chung và gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu nói riêng đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thế hệ, thành viên trong gia đình. Những giá trị văn hóa riêng biệt, chuẩn mực truyền thống trong nếp ăn, nếp ở của các đồng bào dân tộc nơi đây cũng đang dần biến đổi.
Ở không ít gia đình, mối quan tâm về cơm, áo, gạo, tiền được đặt lên hàng đầu. Những người cha, người mẹ áp dụng các hình thức kinh doanh theo công nghệ tiên tiến và mải mê chạy theo guồng quay công việc mà quên đi nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương và dậy dỗ con trẻ. Thậm chí có không ít gia đình còn “khoán trắng” cho xã hội và nhà trường việc giáo dục con trẻ. Bên cạnh đó, một số cha mẹ thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục con trẻ dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm sinh lý và nhận thức lệch lạc trong những giai đoạn phát triển đầu đời của con…
Nguyên nhân của thực trạng này là một bộ phận gia đình đã không còn là “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Ở đó, cha mẹ thiếu gương mẫu, thường xuyên mâu thuẫn, xung đột, thậm trí bạo lực gia đình. Cùng với đó là vấn đề ly hôn, nhất là các gia đình cha mẹ ly hôn khi con còn nhỏ tuổi, thì con trẻ thường thấy: hoặc là dễ bị rơi vào khủng hoảng tâm sinh lý, hoặc thu mình, rồi dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn, bạo lực trong tương lai.
Trước những bất cập, hạn chế nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 49 CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam… Ban lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã ban hành các văn bản mang tầm chiến lược, dài hạn, nhằm phát huy vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mỗi quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững …
Hội thi tìm hiểu pháp luật về PCBLGĐ từ tỉnh đến cơ sở luôn thu hút đông đảo người dân tham gia.
Song song với việc ban hành các văn bản, tỉnh Lai Châu thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 như: tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Hội thi nấu ăn; tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc giáo dục cho trẻ em và trẻ em gái; Tọa đàm giao lưu văn hóa, văn nghệ kết hợp với tuyên truyền miệng…thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.
Được dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững bản Sì Thâu Chải với 100% là người dân tộc Si La xã Kan Hồ (Mường Tè) với chuyên đề: “Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc” mà Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Trưởng bản, Hù Cố Dứ đưa ra, rồi sau đó các thành viên thảo luận, chúng tôi mới cảm nhận được sự sôi nổi của từng thành viên. Tuy mỗi người có một ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại tất cả các thành viên đều đồng nhất quan điểm: Để gia đình thực sự là tổ ấm thì các thành viên phải thường xuyên, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, không chỉ về vật chất mà cả tâm, sinh lý, tình cảm; ông bà, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm giáo dục con cái từ lời ăn tiếng nói, giao tiếp ứng xử; phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Anh Lý Công Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè chia sẻ: “Để phát huy tối đa vai trò của giáo dục gia đình thì ngoài việc tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình; cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng như: kỹ năng làm cha làm mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Thì việc vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng các bản, khu phố, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng”.
Đồng quan điểm với anh Hòa nhưng đi vào thực tiễn đời sống gia đình, chị Khuất Thị Tâm ở Viện kiểm sát tỉnh chia sẻ: “Giáo dục gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành đạo đức, nhân cách của trẻ, chính vì vậy mặc dù công việc rất bận nhưng chúng tôi luôn dành thời gian chia sẻ, chăm sóc con cái; vào những ngày nghỉ có thể đưa con đi chơi, hướng dẫn con mua sắm những món đồ của riêng con; vào bữa ăn thì việc đầu tiên là so đũa cho các thành viên, phép cơm rồi sau đó mới được ăn; khi gặp người lớn thì việc đầu tiên là phải chào hỏi lễ phép… đó chính là những kỹ năng sống rất cần thiết cho trẻ khi nhỏ và cả sau này”.
Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thông qua nhiều cách làm cụ thể khác nhau như: Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức các Hội nghị, tọa đàm nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Gia đình Việt Nam 28/6; Báo Lai Châu, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống, nêu gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp; các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đặc biệt là 370 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 400 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và 400 Nhóm phòng, chống bạo lực Gia đình được thành lập tại các bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, với 5.775 thành viên tham gia chính là những hạt nhân quan trọng trong việc phát huy vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình, từ đó góp phần đẩy lùi bạo lực, hủ tục lạc hậu và xây dựng gia đình đồng bào các dân tộc Lai Châu thực sự là tổ ấm hạnh phúc bình yên.
Đồng nhất về phương pháp triển khai, hiệu quả sát thực trong từng cách làm, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc, nên vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình đã phát huy tối đa hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nhân cách, văn hóa con người Lai Châu thời kỳ hội nhập phát triển.
Bài, ảnh: Nhật Minh
Bài viết liên quan
Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023
Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023).
Đoàn đại biểu Bộ VHTTDL viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), sáng 28/8/2023 đoàn đại biểu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đưa “ánh sáng” của Văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo
Chiều ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thiếu tướng Lê Văn Phúc – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Chiều 8/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác VHTTDL tháng 7/2023 và Nghe báo cáo về công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023).
Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023
Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.