Người đi dép cao su: Vở diễn đậm chất sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh

26/04/2023 | 17:06

Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt vở kịch về lãnh tụ Hồ Chí Minh mang tên Người đi dép cao su.

Chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Algeria, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng phần đầu vở kịch Người đi dép cao su của Kateb Yacine nhằm tri ân tình cảm của nhân dân Algeria và nhà văn Kateb Yacine đối với nhân dân Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa Đại sứ Algeria tại Việt Nam và Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

Đến dự buổi biểu diễn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam…

Phát biểu tại buổi công diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ tự hào khi đơn vị lần đầu tiên dàn dựng vở kịch “Người đi dép cao su” tại Việt Nam, qua đó, tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Algeria.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu

Chương trình nghệ thuật “Người đi dép cao su” được dàn dựng với ê kíp tài năng, gồm Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Mạnh Hùng đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng họa sĩ thiết kế sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lâm Tùng chọn nhạc, Nghệ sĩ nhân dân Kiều Lê biên đạo múa và toàn bộ diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam góp mặt, đã giới thiệu hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với góc nhìn đầy sáng tạo.

Kateb Yacine là nhà văn Algeria (1929 – 1989) sống nhiều năm ở Pháp, sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và kịch. Không chỉ viết kịch bản, ông còn tham gia hoặc tự mình tổ chức những đoàn kịch đi biểu diễn nhiều nơi ở xứ sở quê hương và một số nước châu Âu trước đông đảo khán giả công nhân, nông dân, sinh viên.

Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy trên đất nước của chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam và vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Và kịch bản Người đi dép cao su ra đời.

Với sự đồng cảm sâu sắc của người đứng cùng hàng ngũ với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, Kateb Yacine đã khắc họa hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, mà trước hết và chủ yếu được khai thác ở góc độ một con người của đời thường. Con người bình dị mà lớn lao. Không những thế, tác phẩm Người đi dép cao su đã trở thành hình tượng nghệ thuật phản ánh những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc dám đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Kịch bản Người đi dép cao su có vấn đề lịch sử, nhưng không phải là một vở kịch lịch sử; có vấn đề chính trị, nhưng không phải là một vở kịch chính luận. Trước hết, đây là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó hư cấu và sáng tạo có vai trò quan trọng và phải được cân nhắc kỹ lưỡng trong mối qua hệ với cái hiện thực.

Kịch, nhưng trong đó xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với hoàn cảnh không còn là động lực chủ yếu thúc đẩy hành động kịch phát triển. Sự kiện kịch không được tổ chức theo diễn biến nhân – quả trực tiếp: Hành động này của các nhân vật dẫn đến hành động khác, tình huống này đưa đến tình huống kia. Quy luật diễn biến ấy không còn chi phối cấu trúc vở Người đi dép cao su của Yacine. Diễn biến nhân – quả gắn với trục thời gian của các sự kiện, các hành động được thay thế bằng cách sắp đặt bên cạnh nhau trên không gian của văn bản cũng như trên sàn diễn, những nhân vật, những sự kiện, những hành động có vẻ như chẳng liên quan trực tiếp gì đến nhau.

Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Người đi dép cao su

Kịch không có thắt nút, mở nút, không còn bị khuôn vào cái khung nghệ thuật quy ước về không gian và thời gian; là kịch thơ mà không phải thơ: lời thoại của các nhân vật thực chất là văn xuôi, nhưng lại được ngắt ra thành những dòng thơ, văn xuôi tự do, không vần nhưng có nhịp điệu; đây đó vẫn còn cả trang văn xuôi. Nhìn chung, kịch bản Người đi dép cao su của Kateb Yacine không tuân theo quy tắc kịch truyền thống.

Kịch bản dài 304 trang, với 1800 câu thoại, hàng trăm nhân vật có tên và không tên, nên chúng tôi chưa có điều kiện dàn dựng cả vở mà chỉ có thể biên tập, lựa chọn, dàn dựng, phần đầu của kịch bản với mong muốn: khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài thông qua hình tượng Người đi dép cao su – Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc chia sẻ.

Đạo diễn, TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng cho biết: “Nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, “Người đi dép cao su” không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một biên niên sử của Việt Nam, là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người Việt Nam. Vở kịch giữ nguyên được không gian kịch đồ sộ, là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu được dàn dựng với một phong cách đặc biệt mới lạ, lần đầu tiên được công diễn ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, vở diễn sẽ mang đến cho người xem những cảm xúc mới lạ về kịch và trở thành dấu ấn tốt đẹp trong dịp kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Algeria.”./.

Theo Bvhttdl

https://bvhttdl.gov.vn/nguoi-di-dep-cao-su-vo-dien-dam-chat-su-thi-ve-chu-tich-ho-chi-minh-20230425142218851.htm

Bài viết liên quan

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI: Nêu cao tinh thần tự hào về văn hóa dân tộc Chăm trong nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc

Chiều ngày 21/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về kế hoạch tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận.

Xem thêm

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024

Sáng 24/2, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội.

Xem thêm

Chuỗi hoạt động đặc sắc trong “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Từ ngày 1 – 29/2/2024, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra chuỗi hoạt động với chủ đề “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.

Xem thêm

Khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”

Tối 29/11, tại Quảng trường 16/3, Thành phố Kon Tum (Kon Tum), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023, với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”.

Xem thêm

Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, không một thế lực thù địch nào có thể chia rẽ

Tối 23/11, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023.

Xem thêm