Ngày xuân nói chuyện lễ hội
28/02/2020 | 2:13
Một Mùa Xuân nữa lại về dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta – Xuân Canh Tý 2020. Cùng với tiết Xuân của thiên nhiên, đất trời, vũ trụ là Xuân của lòng người, của cộng đồng 54 tộc người trên khắp mọi miền đất nước.
1. Lễ hội
Một Mùa Xuân nữa lại về dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta – Xuân Canh Tý 2020. Cùng với tiết Xuân của thiên nhiên, đất trời, vũ trụ là Xuân của lòng người, của cộng đồng 54 tộc người trên khắp mọi miền đất nước. Xuân như tiếp thêm năng lược cho một chu kỳ, sức sống mới của CON NGƯỜI vùng với CỎ HOA và MUÔN LOÀI. Và Xuân cũng là mùa của Lễ hội – sự bừng lên của các giá trị Vật thể và Tâm linh, của Niềm tin tín ngưỡng, của cái hữu hình và vô hình trong sự giao thoa của đất trời, của năm cũ và năm mới với nhiều ước vọng của con người về một chu kỳ làm ăn “nhân khang, vật thịnh”, của hạnh phúc mang đậm sắc thái nhân văn trên các vùng miền, địa phương đất Việt.
Hội chùa Hương tích
Chúng ta biết rằng, Lễ hội là một hiện tượng văn hóa được hình thành và phát triển trong những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa và kinh tế nhất định, gắn với những đặc điểm văn hóa vật thể và tâm linh cộng đồng. Lễ hội vừa góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo nên những thói quen của nếp sống mới. Các loại hình lễ hội có yêu cầu về không gian, thời gian, lễ thức riêng. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng, vừa hướng về nguồn cội, vừa cân bằng đời sống tâm linh đồng thời phản ánh những giá trị sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của cộng đồng.
Trong thời kỳ đổi mới và đặc biết trong những năm gần đây, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế, đời sống văn hóa ở cơ sở được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Địa phương có nhiều lễ hội nhất là thành phố Hà Nội (1095 lễ hội), ít lễ hội nhất là tỉnh Lai Châu (17 lễ hội). Như vậy lễ hội dân gian có tỷ lệ lớn nhất và bao trùm hầu hết các làng xã Việt Nam.
Cho đến nay, Lễ hội Việt Nam bao gồm các loại hình cơ bản sau:
– Lễ hội dân gian
– Lễ hội Lịch sử, cách mạng
– Lễ hội Tôn giáo
– Lễ hội Văn hóa, thể thao và du lịch
– Lễ hội Ngành nghề
– Lễ hội du nhập từ nước ngoài
Các lễ hội trên diễn ra trong những thời điểm phù hợp với tính chất và gắn với các dấu mốc của từng loại hình lễ hội trong năm. Nhưng mùa Xuân có thể nói là mùa của Lễ hội dân gian, của một số lễ hội tôn giáo trên đất nước ta.
Lễ hội dân gian là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Lễ hội dân gian diễn ra trên phạm vi toàn quốc.
Một trong Lễ hội tiêu biểu có tính quốc gia là Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Và vào ngày 06 tháng 12 năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 7 của Việt Nam được thế giới công nhận. Sở dĩ hồ sơ của Việt Nam được đánh giá cao là bởi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với Tổ tiên. Bên cạnh đó, sức sống trường tồn và mạnh mẽ của tín ngưỡng này cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng là một trong những ưu điểm góp phần nâng cao giá trị của di sản. Mỗi người con đất Việt trải quan hàng thế kỷ cứ độ mùa Xuân lai vẳng bên tai câu ca nghe rất bình dị nhưng lại mang hồn cốt dân tộc, là thành tố tạo nên sự cố kết, sức mạnh dân tộc qua hàng ngàn năm:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngay giỗ tổ mùng Mười tháng Ba
Hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương nay không chỉ diễn ra ở tỉnh Phú Thọ mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước. Ngày hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của toàn dân tộc.
Một số lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam ( An Giang), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)… được đầu tư tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại…
Lễ hội Đền Hùng
Nhiều lễ hội dân gian đã bị thất truyền sau nhiều năm không tổ chức nay được khôi phục như lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn – Lạng Sơn)… Khu vực miền Trung: Lễ hội Quan Thế Âm – Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), lễ hội Đập Đồng Cam (Phú Yên), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Quảng Ngãi), lễ hội Đập Trống của người Ma Coong (Quảng Bình), Lễ hội Nghinh Ông…
Có dịp đi qua những lễ hội đó trên đất nước, ta mới cảm nhận được sức sống văn hóa, sự tiềm ẩn của di sản văn hóa, văn hiến có bề dày hàng ngàn năm của cha ông ta để lại. Mỗi Lễ hội trên đều gắn với các di tích, địa danh, nội dung lịch sử, truyền thuyết thấm đẫm giá trị trị nhân văn, truyền thống văn hiến dân tộc..tạo nên bản sắc văn hóa quốc gia, vùng miền, địa phương. Cứ mỗi độ Xuân về lại đánh thức chu kỳ văn hóa, tái hiện và làm bừng lên sức sống tiềm ẩn của mỗi cá thể, gia đình, cộng đồng, nuôi dưỡng hồn, khí cốt con dân đất Việt.
Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số làm phong phú bản sắc văn hóa, bức tranh văn hóa đa dạng và thống nhất của quốc gia. Trong thời gian qua, lễ hội dân gian của cộng đồng các tộc người thiểu số được quan tâm khôi phục và tổ chức như lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú) thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn; Lễ hội Gầu Tào dân tộc H’Mông (Hòa Bình); Lễ hội Hoa Ban dân tộc Thái (Sơn La); Lễ hội mừng lúa mới, lễ mừng nước giọt, lễ lập làng… của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Giẻ -Triêng (Tây Nguyên); Lễ hội Chol Thnăm Thmây của đồng bào Khmer thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…Các lễ hội dân gian các tộc người đa dạng về hình thức biểu hiện, phong phú về sắc mầu, lễ vật, lễ nghi…song đều phản ánh thẫm đẫm giá trị nhân văn tri ân thần linh (nhiên thần, nhân thần…) và ước muốn nhiều điều tốt lành trong sản xuất, làm ăn của cư dân nông nghiệp, về sức khỏe, về hạnh phúc trong cuộc sống.
Lễ hội dân gian của các tộc người đa số và thiểu số trên khắp vùng miền của đất nước mỗi độ Xuân về vừa là dịp để cộng đồng bày tỏ nhận thức, tình cảm của con người trước các chu kỳ vận hành của tự nhiên, vừa là dịp để duy trì, bảo tồn những nét đẹp trong truyền thống văn hiến của dân tộc. Cũng như các loại hình lễ hội khác, lễ hội dân gian đa dạng về thể loại, phong phú về hình thức biểu hiện ở các tộc người, địa phương, vùng miền song đều diễn ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần LỄ và phần HỘI.
Đây là mô típ phổ biến trong lễ hội dân gian của các cộng đồng dân cư và phổ biến ở các vùng miền ở nước ta. Mặc dù đi vào cụ thể, chi tiết các phần lễ và phần hội của lễ hội ở nước ta có những biểu hiện rất sinh động và đa dạng; nhưng trên bình diện tổng quan đó là những nét tương đồng thể hiện triết lý dân gian về lẽ sống, về thế giới hiện thực và tâm linh trong bối cảnh của nền văn minh nông nghiệp trồng trọt khu vực nhiệt đới Đông Nam Á.
“LỄ” là hệ thống các nghi thức diễn ra trong lễ hội nhằm thể hiện sự “ứng xử” đối với Thần linh, với các Nhân thần, Nhiên thần theo những quy trình, nội dung chặt chẽ, với các lễ vật (nông sản và các lễ vật khác liên quan), hình thức cúng bái kèm theo âm nhạc, vũ điệu, trang phục dân gian với những quan niệm triết lý sâu xa. Đó chính là những “luật tục” nghiêm túc được thực hiện qua các thế hệ trong đời sống cộng đồng để bày tỏ những ước muốn của “Con người” với “Thần linh” được gặp nhiều điều “thuận buồm xuôi gió”, “xuôi chèo mát mái” trong cấy trồng, mùa vụ, trong sức khỏe và đời sống bình dị của cư dân nông nghiệp.
“HỘI” là sáng tạo văn hóa của cộng đồng thường đi liền và tái hiện sau phần “LỄ” với mục đích vui chơi, thụ hưởng thông qua văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, thi tài giữa các nhóm người trong cộng đồng (nam nữ: hát đối đáp, giao duyên; thanh niên: đấu vật, chơi bóng, pháo đất; giữa các làng: nấu cơm thi, gói bánh, đi cà kheo, đua thuyền, chọi trâu…). Quanh năm lam lũ làm ăn, đây là dịp để “dân làng”, “dân bản” “dân buôn”, “dân phum, sóc”…“xả trét” phục hồi sức lao động để bước vào một năm mới, một chu kỳ làm ăn mới, một chu kỳ sức khỏe mới mọi sự “hanh thông” nhiều phúc, lộc, tài “bằng năm, bằng mười năm trước”.
Trong chu kỳ văn hóa của cộng đồng (1 năm), chu kỳ sinh trưởng của cây trồng vật nuôi, chu kỳ đời người, lễ hội dân gian hàng năm là dịp để con người thụ hưởng những thành quả lao động của mình làm ra, để thăng hoa trong đời sống tinh thần, tâm linh, để sáng tạo các giá trị văn hóa, để vui chơi và cuối cùng là để tiếp thêm sức mạnh cho một chu kỳ vận động làm ăn, sáng tạo, lao động, sinh sống trong một đời sống ngày càng no ấm, hạnh phúc cùng với chu kỳ vận hành của vũ trụ.
Nét tương đồng là trong các lễ hội của các cộng đồng dân cư, dân tộc, địa phương, vùng miền là phần Lễ được tiến hành theo những nghi thức, quy trình do chính các cộng đồng dân cư sáng tạo, thực hành để chuyển tải tới các vị thần linh những nội dung ước nguyện của dân chúng về một năm làm ăn thuận lợi, cuộc sống an lành no ấm.
Phần hội chủ yếu là những trò chơi dân gian tạo ra không khí vui tươi, lãng mạn, sự gần gũi chia sẻ của các thành viên thuộc các lớp tuổi, giới tính trong cộng đồng. Những trò chơi dân gian trong các lễ hội của các cộng đồng dân cư, địa phương, dân tộc, vùng miền rất phong phú và đa dạng,… nhưng tất cả đều nói lên một nếp sống dân gian nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng để tái tạo sức lao động bước vào một chu kỳ làm ăn, sinh sống mới.
Thông qua tổ chức lễ hội dân gian đã góp phần tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, quảng bá danh lam thắng cảnh của địa phương, các làng nghề, nghề truyền thống được khôi phục.
2. Quản lý lễ hội
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục đề ra nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hoá. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục đặt ra mục tiêu về chăm lo văn hoá “làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hàng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại. Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hoá; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”…
Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích…
Quản lý lễ hội là một trong những nội dung quản lý nhà nước về văn hóa có tính đặc thù riêng với nhóm lễ hội (Dân gian, Lịch sử, Tôn giáo hoặc Du nhập từ nước ngoài vào nước ta). Lễ hội trong đời sống tộc người, quốc gia thường luôn gắn với các di sản văn hóa và hiện tượng văn hóa tâm linh; gắn bó và phản ánh ước nguyện của con người, cộng đồng người quy mô khác nhau về một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc; ước nguyện mọi điều tốt đẹp đến với con người… Trong lễ hội dù ở loại hình gì đi chăng nữa đều phản ánh những phương thức sinh hoạt với các phần cơ bản là phần Lễ và phần Hội với nhiều giá trị, sinh hoạt văn hóa vật thể và phi vật thể đan cài đậm cá tính tộc người, vùng miền, địa phương. Đó cũng là đối tượng quản lý của ngành văn hóa nhằm làm sao để các chủ thể văn hóa – người dân được thụ hưởng và phát huy khả năng sáng tạo trong bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tộc người và quốc gia.
Hoạt động quản lý nhà nước về lễ hội là quá trình, tác động của bộ máy chức năng nhà nước đối với toàn bộ hoạt động lễ hội của tộc người, cộng đồng, địa phương và quốc gia bằng quyền lực thông qua Hiến pháp, pháp luật, bộ máy tổ chức và cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện để người dân tham gia thụ hưởng, sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh và ước muốn về cuộc sống tốt đẹp.
Trong thực tiễn bên cạnh những thành tựu đạt được thì đây là vấn đề còn nhiều việc phải tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng của ngành VHTTDL. Hoạt động quản lý Lễ hội mỗi độ Xuân về thực chất và chủ yếu là quản lý Lễ hội dân gian. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều trong thời gian qua nhưng trong quá trình lễ hội và quản lý lễ hội luôn bộc lộ những vấn đề trong việc tổ chức, liên quan đến:
– Vai trò của ngành VHTTDL từ Trung ương đến địa phương: Đó là sự không ngừng hoàn thiện thể chế quản lý phù hợp với từng loại hình lễ hội, địa phương, vùng miền; là việc đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp và gián tiếp trong quản lý lễ hội; là việc xã hội hóa các hoạt động lễ hội sao cho đúng với bản chất, giá trị văn hóa của lễ hội, hạn chế sự lạm dụng, “thương mại hóa” dẫn đến “tầm thường hóa lễ hội…là có “tội” với “tiền nhân”…
– Vai trò của chính quyền các cấp: Đó là sự chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, coi lế hội là tài nguyên du lịch, quảng bá văn hóa, phát triển kinh tế -xã hội một cách chân chính, lành mạnh chống tư tưởng “thương mại hóa”, tầm thường lễ hội của địa phương, quốc gia…
– Sự được giáo dục và tuyền truyền nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia lễ hội: Đây là vấn đề trước mắt và lâu dài đối với các đối tượng công dân, người dân khi tham gia lễ hội phải được trang bị tri thức về lễ hội với những bản sắc, giá trị văn hóa tại các di tích, điểm du lịch; là hành vị thái độ “có văn hóa” khi tham gia lễ hội, tạo nên hình ảnh văn hóa tộc người, địa phương, quốc gia…trong con mắt du khách trong nước và quốc tế…
– Những yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến các lễ hội: Đây là vấn đề đặt ra đối với ngành văn hóa, chính quyền địa phương các cấp, hệ thống chính trị… cần được quan tâm, dự báo và có biện pháp giải quyết để bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội mang tính bề vững đối với địa phương và quốc gia.
Xuân Canh Tý (2020) theo chi đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành VHTTDL đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hạn chế và không tổ chức Lễ hội trước đại dịch nCoV. Có ý kiến vui mừng và có thái độ không đúng khi cho rằng các lế hội “tốn kém, vô bổ…” bị cấm không diễn ra trong nạn dịch toàn cầu nCoV… Tuy nhiên việc nhận thức và quan tâm đến các vấn đề Lễ hội dân gian và quản lý Lễ hội mỗi độ Xuân về luôn là vấn đề cần thiết, cần được nhận thức, chia sẻ trong ngành và trong cộng đồng xã hội. Cần có thái độ khách quan, khoa học đúng mức đối với bản chất, giá trị của lễ hội đã, đang và sẽ đồng hành đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và diện mạo, bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế hôm nay và mai sau.
PGS. TS. Lê Ngọc Thắng
Bài viết liên quan
Khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”
Tối 29/11, tại Quảng trường 16/3, Thành phố Kon Tum (Kon Tum), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023, với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”.
Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, không một thế lực thù địch nào có thể chia rẽ
Tối 23/11, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023.
Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam
Chiều ngày 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam.
Tổ chức thành công Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I: Góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Diễn ra sôi nổi trong 3 ngày, chiều 5/11, tại TP. Lai Châu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I.
Vẻ vang phụ nữ Việt Nam
Lịch sử dân tộc Việt Nam được khởi sinh, nuôi dưỡng và trường tồn bắt nguồn từ huyền sử mẹ Âu cơ. Huyền sử ấy như một mạch ngầm âm ỉ chảy qua ngàn năm văn hiến hòa vào dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng, trao truyền và bảo vệ giống nòi dân tộc.