Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3: “Biết đủ” để hạnh phúc

18/03/2022 | 15:41

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3) hiện đã được 193 nước ủng hộ nhằm thúc đẩy những điều tích cực được lan tỏa khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam. Khái niệm và quan điểm hạnh phúc là điều mà rất khó có thể định nghĩa, nó tuỳ thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người và ở mỗi thời kỳ, giai đoạn cũng khác nhau.

Hằng năm có rất nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3

Năm nay, Ngày Quốc tế Hạnh phúc ở vào thời điểm mà cả thế giới và Việt Nam vẫn đang gồng mình lên để chống dịch bệnh Covid-19. Có lẽ mong muốn chung nhất của mọi người đó là làm sao có đủ sức khỏe để vượt qua đại dịch, để cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường.

Nhìn cuộc sống bằng con mắt tích cực

Những ngày qua, đồng nghiệp, học sinh và người thân, bạn bè của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đều rất quan tâm sau thông tin bà chia sẻ trên facebook: “Mấy hôm nay tôi đã bị con điên Cô Vi không mời mà cứ xông đến thăm. Tôi đang cố gắng tống nó đi. Hy vọng vài hôm nữa tôi sẽ nhìn thấy cái lưng của nó. Mong các bạn của tôi không bị nó ghé”. Và khi bà thông báo đã khỏi bệnh và “đã nhìn thấy lưng của con Cô Vi”… thì mọi người yêu quý bà mới thấy thở phào nhẹ nhõm… PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái mang trong mình rất nhiều những căn bệnh hiểm nghèo như bà đã chung sống với bệnh tiểu đường 22 năm, bệnh ung thư ruột đã khiến bà phải trải qua 2 lần phẫu thuật lớn…

Trên facebook cá nhân, PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ về thông tin bà bị và thoát khỏi F0 một cách rất lạc quan

Ở thời điểm này, mọi hoạt động của mỗi con người đều bị hạn chế bởi dịch Covid-19, mỗi người phải buộc làm các xét nghiệm, buộc phải tiêm đầy đủ vắc xin và buộc phải đối diện với F0 khi mắc phải… Tự giam mình trong 7 ngày, lựa chọn cho mình loại thuốc phù hợp với dịch bệnh cũng như các căn bệnh nền PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn luôn giữ cho mình sự cân bằng về tâm lý, đi lại tập thể dục đều đặn trong phòng. Kinh nghiệm của bà là đừng nên trầm trọng hóa mọi chuyện mà hãy nhìn mọi thứ bằng một tinh thần lạc quan, tích cực. Chiến thắng bệnh tật cùng với vốn tri thức và cả sự kiên trì đã giúp bà, một người đã hết tuổi làm việc, nghỉ hưu vẫn tiếp tục lao vào miệt mài làm việc với nhịp độ hơn cả những người khỏe trẻ. Điều hạnh phúc nhất của vị nữ PGS.TS này đó là biết đối diện với thực tế để tận hưởng những niềm vui mà cuộc sống đưa lại từ công việc, từ các mối quan hệ trong xã hội. Niềm vui của bà là mỗi ngày có đủ sức khỏe, đủ tâm trạng vui vẻ để buổi sáng đi bộ tập thể dục, hít thở không khí trong lành, ngắm cây cối hoa lá, đủ sức khỏe để có thể làm những công việc mà mình ưa thích như viết, đọc, nghe, nhìn và cả suy nghĩ…

Góc nhỏ riêng tư đầy hạnh phúc trong công việc và cuộc sống gia đình của NSƯT Tạ Tuấn Minh – Thanh Hường

Cuộc sống sẽ hạnh phúc nếu “biết đủ”…

Bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ cũng rất ngưỡng mộ cặp vợ chồng NSƯT Tạ Tuấn Minh và Thanh Hường (Nhà hát Kịch Việt Nam). Những bức ảnh chia sẻ của họ trên facebook đã phần nào thấy được sự hạnh phúc của một cặp vợ chồng nghệ sĩ không chỉ thấy được sự đồng điệu trong công việc mà cả những thói quen ngoài cuộc sống. Tuyệt nhiên không thấy họ khoe với mọi người những món quà đắt tiền, hay đi ăn nhà hàng sang trọng, nhưng có thể thấy họ hạnh phúc bên nhau với những món ăn rất bình dân hay uống nước tại một quán nước chè nho nhỏ. Tạ Tuấn Minh được trao Giải Đạo diễn xuất sắc với vở Người tốt nhà số 5 tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020, HCV tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 với vai Thái sư Trần Thủ Độ trong vở Thiên mệnh. Thành công của chồng nhưng người thể hiện niềm vui và hạnh phúc hơn lại là vợ anh, nghệ sĩ Thanh Hường. Có thể thấy phần nào sự chia sẻ và lặng lẽ đứng sau những thành công của Tạ Tuấn Minh chính là vợ anh, một hậu phương vững chãi.

NSƯT Tạ Tuấn Minh chia sẻ, quan niệm về hạnh phúc của anh thật đơn giản, đó là mỗi con người trước khi mang tới hạnh phúc cho cộng đồng, xã hội thì phải làm sao cho mái ấm gia đình của mình thật sự hạnh phúc, đây chính là nền tảng để phát triển. Chẳng ai biết thế nào cho đủ và biết thế nào để đong đếm được hạnh phúc. Theo anh, muốn tìm hạnh phúc thì mỗi người đều phải định ra thang điểm hạnh phúc của mình, biết dung hòa mọi việc từ gia đình tới xã hội và đối diện với mọi áp lực trong công việc, cuộc sống để tìm cách vượt qua. “Kể từ khi yêu và lấy nhau, chúng tôi không có thói quen tặng những món quà sang trọng đắt tiền mà chúng tôi cho rằng cái quan trọng nhất là vợ chồng, con cái phải dành cho nhau thời gian để cùng chia sẻ mọi vấn đề trong đời sống. Vào những ngày đặc biệt của riêng gia đình như kỷ niệm ngày cưới, ngày sinh nhật con hay chỉ là một dấu ấn nào đó trong cuộc sống vợ chồng thì chúng tôi có thể cùng nhau đi đâu đó ở ngoại ô, hay quay lại nơi mà chúng tôi đã từng có kỷ niệm đẹp… Hoặc khi nào chịu áp lực công việc, chúng tôi thư giãn bằng cách buông bỏ mọi suy nghĩ, mọi phàn nàn mà cùng nhau ngồi cà phê ở một quán nhỏ hay ăn một món ăn vặt ưa thích”, Tạ Tuấn Minh chia sẻ.

Bài học “biết đủ” để hạnh phúc, có thể ai cũng đã được nghe nhưng thực tế không phải ai cũng có thể làm được như vợ chồng NSƯT Tạ Tuấn Minh. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, mỗi người cần biết bản thân đang cần gì, muốn gì và phải làm gì thì chắc chắn sẽ có được hạnh phúc. Nhưng theo ông nói ra thì dễ, còn để thực hiện thì không phải ai cũng gạt bỏ hết những mơ mộng, tham vọng ẩn sâu. Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình một số điều cần làm, đó là: Sống tối giản, nghĩ ít hơn, trân trọng thực tại. Theo ông, sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn ở mức tối thiểu, hay nói đúng hơn là chỉ sở hữu những đồ đạc cần thiết nhất với bản thân, từ đó tìm kiếm sự cân bằng và hạnh phúc trong những việc quan trọng khác. Khi áp dụng lối sống tối giản, mỗi người sẽ nhận ra việc bớt mua sắm, tiêu tiền, nhà cửa ít đồ đạc, thoáng đãng khiến cuộc sống trở nên thoải mái hơn cũng như được thỏa sức tận hưởng những niềm vui giản dị. Mọi chuyện trong cuộc sống cũng sẽ trở nên đơn giản hơn, nếu như bạn không có xu hướng suy nghĩ quá nhiều. Bởi lẽ, việc luôn để tâm đến mọi thứ xung quanh mình, khiến dễ bị căng thẳng và lo lắng. Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc. Vậy nên thay vì để tâm trạng luôn trong trạng thái phiền não và lo âu, hãy sống đơn giản, suy nghĩ tích cực và học cách buông bỏ những thứ không đáng. Đồng thời cũng đừng nên đặt ra tiêu chuẩn quá cao, hay quá khắt khe với bản thân về công việc, các mối quan hệ… hãy chấp nhận những gì mình đang có và hài lòng với nó.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay rơi vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với những thách thức do đại dịch Covid-19. Trong thời khắc khó khăn này, chúng ta hãy cùng nhau hành động để lan tỏa hạnh phúc tới tất cả mọi người. Hạnh phúc không chỉ đến vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc mà chúng ta còn có thể nỗ lực để tự biến cuộc sống của mình được hưởng trọn vẹn 365 ngày hạnh phúc trong năm. 

Theo baovanhoa.vn

http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/artmid/424/articleid/51190/ngay-quoc-te-hanh-phuc-203160%e2%80%9cbiet-du%e2%80%9d-de-hanh-phuc

Bài viết liên quan

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023

Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xem thêm

Giáo dục con trẻ từ lời hát ru

“Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn… Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc…”.

Xem thêm

Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững của đất nước

Năm 2022, lĩnh vực Gia đình có rất nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo lĩnh vực này sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo ra nhiều “tế bào của xã hội” lành mạnh trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm

Nâng cao “quyền năng” kinh tế cho phụ nữ DTTS

Hơn 2.600 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số (DTTS) trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa thuộc 9 xã của huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (AWEEV). Dự án không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Xem thêm

Truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Truyền thông vẫn được coi là giải pháp tập trung để chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông cần đa dạng hình thức, mở rộng đối tượng và ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả.

Xem thêm