Nâng cao “quyền năng” kinh tế cho phụ nữ DTTS

28/12/2022 | 14:47

Hơn 2.600 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số (DTTS) trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa thuộc 9 xã của huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (AWEEV). Dự án không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Các cặp vợ chồng cùng tham gia mạng lưới Nam giới tiên phong của huyện Quang Bình (Hà Giang)

 Những ngày cuối năm, chị Lò Thị Oan (người dân tộc Thái, sinh năm 1988), cùng các chị em trong bản Cà Nà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đang bận rộn cho vụ ngô thứ 2. Từ ngày tham gia dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (do tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu và Hà Giang triển khai), các chị em được cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn từ cách ủ phân, các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nên có nền tảng kiến thức, áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả rõ rệt, làm động lực để các chị cùng nhau lao động, sản xuất.

Chị Oan chia sẻ, gia đình chị đều làm nông, mỗi năm trồng 2 vụ ngô, 1 vụ lúa và trồng chè nhưng năng suất không cao nên thu nhập thấp, chỗ nào đất xấu thì trồng ngô, hết vụ ngô thì trồng lúa và không biết kỹ thuật gì cả, chỉ là kinh nghiệm của bố mẹ dạy cho. Nhưng từ khi tham gia dự án AWEEV, chị được hướng dẫn về cách ủ phân để bón cho cây trồng; trước đây thân cây ngô hay rơm rạ toàn phải đốt bỏ, giờ thì dùng để ủ phân; đầu ra cho sản phẩm dùng để chăn nuôi hoặc được các công ty thu mua.

Thấy dự án mang lại nhiều lợi ích nên hầu hết các gia đình trong bản đều tham gia, chia làm 2 nhóm: Hoa Ban 23 thành viên và Tự Lực 27 thành viên. Nhóm Hoa Ban của chị Oan không chỉ được hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật mà các chị còn tự góp nhau mỗi tháng 50.000 đồng để có chị em nào khó khăn, cần tiền gấp thì cho vay với lãi suất thấp, và quy định trả sau 4-6 tháng. Nhờ vậy, các chị em không còn đơn độc, lầm lũi làm lụng như trước nữa, mà đã biết nhờ cậy, dựa vào nhau để nâng cao cuộc sống. “Thấy vợ mình có nhiều tiến bộ nên các anh chồng rất ủng hộ, nhiều khi họp nhóm, các chị bận thì anh đi thay. Trước đây, phụ nữ thường phụ thuộc vào thu nhập của chồng nên tiếng nói trong gia đình không có giá trị, thậm chí còn bị chồng bạo lực. Nhưng hiện nay, các chị em đã không còn yếu đuối nữa, đã hiểu rằng nếu so sánh ngày công làm việc của vợ với chồng thì vợ còn nhiều hơn nên thu nhập cao hơn. Thay vì tuyệt đối nghe chồng thì giờ đây các chị em cũng có ý kiến của mình, chồng và các con nghe theo”, người phụ nữ dân tộc Thái vui mừng kể.

Không chỉ tạo “sân chơi” cho phụ nữ mà các anh nam giới cũng không ngoài cuộc. Ngày 13.12 vừa qua, tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo xây dựng và triển khai kế hoạch cùng Mạng lưới Nam giới tiên phong tại huyện Quang Bình với sự tham gia của 11 cặp vợ chồng là những người xung phong trở thành “đầu tàu” trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương. Hoạt động này cũng nằm trong khuôn khổ của dự án AWEEV, trong đó việc thành lập Mạng lưới Nam giới tiên phong là nhằm tăng cường sự tham gia của nam giới vào các hoạt động thúc đẩy tiếng nói và tinh thần lãnh đạo của phụ nữ DTTS. Thông qua Hội thảo, nam giới tiên phong cùng nhau thảo luận về mục tiêu, thông điệp của mạng lưới, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trong 6 tháng tới. Các hoạt động như trò chuyện, đối thoại, sự kiện cộng đồng được các anh đề xuất và lên kế hoạch, với mục tiêu nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp phần thay đổi hành động của nam giới khác trong cộng đồng. Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để các cặp vợ chồng đặt mục tiêu thay đổi trong chính gia đình mình và cam kết thực hiện thường xuyên các thay đổi này. Bà Hoàng Thị Vần (Hội LHPN tỉnh Hà Giang), Trưởng BTC cho biết, tham gia dự án, cả nam giới và phụ nữ được hỗ trợ để phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức trong việc đối xử công bằng, các hoạt động có thể điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu và bối cảnh thực địa nhất, chứ không nhất thiết phải cứng nhắc đi theo thiết kế ban đầu.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ thành viên của mạng lưới Nam giới tiên phong tại Hà Giang và Lai Châu triển khai các hoạt động tại cộng đồng, từ đó góp phần tăng cường khả năng lãnh đạo, giao tiếp, học hỏi của nam giới tiên phong và vợ của họ. Theo bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, dự án AWEEV góp phần tăng cường phúc lợi kinh tế cho phụ nữ DTTS thông qua thúc đẩy việc thực hiện quyền kinh tế, tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế được trả công; đồng thời tăng cường tiếng nói và năng lực lãnh đạo của chính phụ nữ DTTS trong các quyết định liên quan đến hoạt động kinh tế hộ gia đình, các hoạt động sinh kế và sản xuất kinh doanh. Dự án tin tưởng rằng, việc tăng phúc lợi kinh tế, chất lượng cuộc sống sẽ góp phần cải thiện đời sống của phụ nữ DTTS và gia đình của họ.

Dự tính sẽ có 2.635 phụ nữ và nam giới DTTS thuộc 9 xã của hai huyện Tam Đường và Quang Bình được hưởng lợi từ tác động của AWEEV. Mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế được trả công sẽ được thực hiện thông qua việc tăng cường các cơ hội, nguồn lực kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các địa phương. Ngoài ra, dự án đặc biệt chú ý hỗ trợ các giải pháp giải quyết gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc không được trả công và chiến lược thay đổi các khuôn mẫu giới về việc làm. “Dự án cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức tại cộng đồng, các tổ chức vì quyền phụ nữ, các công ty tư nhân nhằm cải thiện phúc lợi kinh tế và vị thế của phụ nữ DTTS. Để thực hiện được điều này, phụ nữ cần có quyền tiếp cận và kiểm soát bình đẳng với các cơ hội, tài sản và nguồn lực kinh tế. Với cách tiếp cận tổng thể và đa chiều, chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ trực tiếp đóng góp cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đặc biệt nhìn thấy rõ hơn vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS nói riêng và phụ nữ nói chung”, bà Lê Kim Dung nhấn mạnh. 

Theo baovanhoa.vn

Bài viết liên quan

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023

Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xem thêm

Giáo dục con trẻ từ lời hát ru

“Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn… Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc…”.

Xem thêm

Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững của đất nước

Năm 2022, lĩnh vực Gia đình có rất nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo lĩnh vực này sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo ra nhiều “tế bào của xã hội” lành mạnh trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm

Truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Truyền thông vẫn được coi là giải pháp tập trung để chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông cần đa dạng hình thức, mở rộng đối tượng và ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả.

Xem thêm

Ngăn chặn bạo lực gia đình để không còn ai “chạy trốn” khỏi nơi bình yên

Khi nói đến gia đình là nói đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương song ở nhiều gia đình, lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất. Nhiều người đã phải “chạy trốn” khỏi “chốn an toàn” ấy để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống.

Xem thêm