Công tác tuyên truyền cổ động trực quan – Thực trạng và giải pháp

17/05/2021 | 3:50

Thông tin tuyên truyền cổ động là một lĩnh vực hoạt động giữ vị trí hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thông tin tuyên truyền cổ động có tác động trực tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống, của mỗi người dân và cộng đồng dân cư ở địa bàn cơ sở.

Thông tin tuyên truyền, cổ động là một lĩnh vực hoạt động giữ vị trí hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, là phương tiện công cụ sắc bén để truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Nội dung hoạt động tuyên truyền cổ động có tác động định hướng, động viên, khích lệ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội của ngành, địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước xu thế cách mạng công nghiệp hóa, khoa học công nghệ phát triển mạnh, loại hình hoạt động tuyên truyền vốn có ưu thế đang chịu tác động rất mạnh mẽ của cuộc cách mạng kỹ thuật công nghệ số. Bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyên truyền cổ động trực quan đang đặt ra những thách thức mới trong hiện tại và tương lai. Xuất phát từ vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền cổ động trực quan, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên truyền cổ động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

1. Khái quát về thông tin tuyên truyền cổ động và tuyên truyền cổ động trực quan

Thông tin tuyên truyền cổ động là một lĩnh vực hoạt động giữ vị trí hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thông tin tuyên truyền cổ động  có tác động trực tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống, của mỗi người dân và cộng đồng dân cư ở địa bàn cơ sở. Thông tin tuyên truyền cổ động có tác động định hướng dẫn dắt nhằm xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng; bảo đảm để cùng xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đánh giá về vai trò, vị trí của công tác thông tin tuyên truyền cổ động đã có nhận xét khái quát “Công tác thông tin tuyên truyền cổ động luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng bởi lẽ nó là công cụ chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền, vận động trực tiếp của Đảng, chính quyền tới nhân dân ở cơ sở. Với nhiều hình thức nhằm phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo chỉ đạo các biện pháp cụ thể của chính quyền cơ sở để nhân dân thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh nhất định. Với nhiều hình thức tổ chức hoạt động phong phú như: tuyên truyền cổ động bằng tin tức, cổ động bằng lời nói trực tiếp, tuyên truyền bằng cổ động trực quan, sử dụng hoạt động văn nghệ… sinh động hấp dẫn đã cổ vũ nhân dân hành động cách mạng thiết thực, cổ súy cho các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn ở địa phương làm lan tỏa rộng lớn trên phạm vi cả nước, toàn xã hội có tác động động viên cổ vũ toàn đảng, toàn dân thực hiện”.

Công tác thông tin tuyên truyền cổ động có tác động trực diện tới quần chúng nhân dân, phản ánh thể hiện các hành động cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nói một cách cụ thể hơn, công tác thông tin tuyên truyền cổ động là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước đến nhân dân, cổ súy động viên toàn xã hội thực hiện. Chính vì lẽ đó “Việc sử dụng những thông tin nhằm phản ánh các hoạt động của xã hội, của nhân dân đang thực hiện các nhiệm vụ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; sử dụng những thông tin nhằm định hướng nhận thức, tư tưởng của quần chúng theo sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị… để tập hợp và tổ chức quần chúng hành động hoàn thành công việc, nhiệm vụ trong từng hoàn cảnh cụ thể, ở từng thời điểm nhất định được gọi là công tác thông tin tuyên truyền cổ động”[1]. Công tác thông tin tuyên truyền cổ động có hiệu ứng tốt nhất không thể là thông tin tuyên truyền chung chung mà nội dung tuyên truyền phải gắn với địa điểm, không gian, thời gian cụ thể; gắn với nội dung tuyên truyền thật thiết thực với những vấn đề, sự kiện nổi bật đang được nhân dân ở cơ sở đang quan tâm. Nội dung của công tác tuyên truyền cổ động phải chỉ ra được những công việc thiết thực, cụ thể để động viên cổ vũ mọi người làm theo. Do vậy, yêu cầu biện pháp cơ bản trong công tác thông tin tuyên truyền cổ động là nêu điển hình, nêu lên những hình mẫu, khuôn mẫu rõ ràng, có lý lẽ thiết thực… để thuyết phục mọi người được thể hiện thông qua các hình thức tuyên truyền rất sinh động, hấp dẫn, gần gũi với đời sống nhân dân.

Về nội dung công tác thông tin tuyên truyền cổ động được thể hiện thông qua một số hình thức đó là:

– Thông tin tuyên truyền cổ động bằng tin tức: là phản ánh một sự kiện, một sự việc, một hiện tượng mới xảy ra được thuật lại một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhằm đem lại cho người nghe, người đọc, người xem nhận thức mới, khiến họ suy nghĩ và hành động theo một phương hướng nhất định. Phương tiện tuyên truyền bằng tin tức là các trạm tin, bảng tin được xây dựng ở các tụ điểm dân cư, gần nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hội họp…

– Thông tin tuyên truyền cổ động bằng lời nói trực tiếp: là hình thức hoạt động thường xuyên, sử dụng ngôn ngữ nói để truyền đạt chủ trường đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, biện pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương đối với quần chúng.

 – Thông tin tuyên truyền cổ động bằng các hình thức trực quan: là phương pháp, hình thức tác động trực tiếp chủ yếu vào mắt con người, tạo nên ấn tượng về một vấn đề nhất định theo mục đích mà người tuyên truyền, người cổ động muốn truyền đạt tới người xem, để họ hiểu và làm theo. Phương pháp tuyên truyền cổ động trực quan có sức thuyết phục, lôi cuốn mạnh mẽ quần chúng, gắn kết giữa công tác tuyên truyền với tổ chức hành động và triển khai thực hiện.

– Thông tin tuyên truyền cổ động bằng các hình thức văn nghệ: là phương pháp sử dụng các loại hình văn học, nghệ thuật để chuyển tải nội dung đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các biện pháp chỉ đạo của chính quyền tới nhân dân [1,3].

2. Thực trạng công tác tuyên truyền cổ động trực quan

Nhiệm vụ chủ yếu của công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động là phổ biến rộng rãi trong công chúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán thói hư, tật xấu; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Trong công tác thông tin tuyên truyền cổ động, có nhiều biện pháp, hình thức. Triển lãm là hình thức giáo dục trực quan sinh động mà sâu sắc thu hút đông đảo quần chúng. Các tổ, đội thông tin lưu động là lực lượng xung kích, luôn đem tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến tận những bản, làng xa xôi, hẻo lánh. Luôn dùng hình thức văn nghệ nhỏ, nhẹ để chuyển tải thông tin; kết hợp cổ động trực quan với tuyên truyền miệng. Hoạt động thông tin cổ động đòi hỏi rất nhanh nhạy, kịp thời, tác động trực tiếp với đối tượng nên có hiệu quả cao.

Tuyên truyền cổ động trực quan là một loại hình mỹ thuật có chủ đích tuyên truyền rõ ràng, nhằm mục đích phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng vì lợi ích của đất nước và của nhân dân. Tuyên truyền cổ động trực quan là hình thức sử dụng phương pháp tác động đến đối tượng thông qua hình ảnh, màu sắc, kiểu chữ, cách trình bày, trang trí… nhằm thu hút người xem, dẫn dắt suy nghĩ và hành động của họ theo định hướng, trong một thời điểm nhất định. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của đất nước, công tác tuyên truyền cổ động trực quan luôn đồng hành trong đời sống xã hội, đồng thời là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ nhân dân ta hoàn thành sắc các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, nỗ lực đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan không chỉ đạt được mục đích tuyên truyền có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng xã hội mà còn tạo dấu ấn nghệ thuật – mỹ thuật đậm nét trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

2.1. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan trước thời kỳ đổi mới:

Chúng ta cùng hoài niệm trở về trước thời kỳ đổi mới: Khi đất nước còn trong chiến tranh gian khổ, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước: miền Nam anh dũng đang chìm trong máu lửa của cuộc chiến tranh, miền Bắc vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện sức người sức của cho miền Nam ruột thịt đánh Mỹ. Chính trong thời điểm lịch sử này, công tác tuyên truyền cổ động trực quan là công cụ sắc bén để chuyển tải chủ trương của Đảng, sách lược của nhà nước, động viên cổ vũ nhân dân ta hoàn thành sứ mạng vẻ vang: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trên khắp các vùng miền của đất nước, các tỉnh/thành phố đã sử dụng các cụm áp phích, các bảng tường để vẽ lên những cụm tranh cổ động trực quan thật sinh động, hấp dẫn và đẹp mắt, treo dán những tờ áp pích, kẻ vẽ những khẩu hiệu có nội dung chiến lược vừa có tác dụng tuyên truyền, vừa động viên, cổ vũ khích lệ quân và dân ta hăng say chiến đấu, thi đua lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là những khẩu hiệu cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân ta: Không có gì quý hơn độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Tiến lên toàn thắng ắt về ta; Tất cả vì miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Thanh niên hăng hái lên đường tòng quân…Có những cụm tranh cổ động là hình tượng Bác Hồ và đoàn quân đi với khẩu hiệu “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” thật sự có sức cổ vũ, lay động và thuyết phục… Trong lĩnh vực lao động sản xuất: Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì giải phóng miền Nam; Thi đua hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội; Thi đua tăng năng xuất lao động; Thi đua lao động giỏi, sản xuất tốt… Thời kỳ khó khăn, các cụm cổ động trực quan chỉ được vẽ bằng vôi, bột màu, có những tấm áp pích sử dụng bằng chất liệu đóng khung gỗ, dán vải làm nền nhưng nội dung tuyên truyền và hình thức thể hiện đã thể hiện được cảm xúc, tình cảm, sự rung động trái tim và nghệ thuật tài hoa của các họa sĩ nên rất nhiều cụm cổ động trực quan đã trở thành ký ức đẹp đẽ của một thời kỳ rất khó khăn gian khổ nhưng huy hoàng rực rỡ. Chính trong thời điểm lịch sử ấy nhưng bằng tài năng sáng tạo của các họa sĩ sống có bản lĩnh, trí tuệ, có trách nhiệm và tâm huyết trước Đảng, dân tộc và nhân dân đã sáng tác, thể hiện mỹ thuật những thước tranh tuyên truyền cổ động, ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần đoàn kết dũng cảm quật cường của quân và dân ta trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, phản ánh không khí lao động sôi nổi khẩn trương của nhân dân ta.

Không thể phủ nhận rằng: Công tác tuyên truyền cổ động trực quan đã phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả lớn trong công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về các phương tiện nghe nhìn. Nhờ công tác tuyên truyền cổ động trực quan đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hướng ứng và thực hiện theo nội dung tuyên truyền, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bằng trực giác của mình, khi đến mỗi địa phương, chúng ta chỉ nhìn vào hệ thống tuyên truyền cổ động trực quan, nhất là các cụm tuyên truyền cổ động trực quan ở vị trí trung tâm của các tỉnh/thành phố, huyện/thị xã, xã, phường/thị trấn…, phần nào chúng ta có thể đánh giá nhận diện được diện mạo đời sống văn hóa, sự quan tâm tới lĩnh vực văn hóa và năng lực sáng tạo văn hóa của chính quyền, cán bộ và nhân dân địa phương đó với trách nhiệm “con người nào thì phong trào đó”, đặc biệt thể hiện được tâm và tài của các thế hệ họa sĩ trong lĩnh vực văn hóa cơ sở.

2.2. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan thời kỳ đổi mới:

Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác tuyên truyền cổ động trực quan càng phát triển mạnh mẽ, các cụm cổ động trực quan và hệ thống các bảng tường, áp pích với các hình thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, cổ vũ không khí thi đua lao động sản xuất, xây dựng đất nước, tuyên truyền thiết thực phục vụ các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời nội dung tuyên truyền cổ động bám sát Nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn có ý nghĩa chính trị, có tác dụng giáo dục sâu sắc như: Thi đua là yêu nước; Tất cả vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Tuyên truyền về chính sách Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế…Đặc biệt vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, không khí tuyên truyền cổ động sôi động ở hầu hết các địa bàn cơ sở đã thông qua các hình thức tuyên truyền cổ động thiết thực và hấp dẫn có tác động tích cực động viên cổ vũ nhân dân ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội.

Để định hướng, chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động trực quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành một số văn bản quản lý nhà nước, quy định hoạt động của đội tuyên truyền cấp tỉnh và cấp huyện, hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện, quy định về tổ chức, liên hoan văn nghệ quần chúng tạo điều kiện thuận lợi về quản lý nhà nước trong hoạt động nghiệp vụ, có cơ chế chính sách cho cán bộ hoạt động trong lĩnh Vực này để công tác tuyên truyền cổ động ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực. Từ năm 2014-2016,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đã ban hành 3 Thông tư[2] quy định và hướng dẫn tổ chức hoạt động tuyên truyền cổ động và liên hoan văn nghệ quần chúng. Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (nay là Cục Văn hóa cơ sở) đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động, phát động trên diện rộng toàn quốc để thu hút lực lượng họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác các mẫu tranh cổ động theo các chủ đề có định hướng tuyên truyền rõ ràng. Việc tổ chức các cuộc thi đã thu hút được đông đảo các họa sĩ ở khắp mọi miền trên cả nước tham gia, đóng góp làm phong phú thêm nguồn tư liệu tuyên truyền. Trên cơ sở đó đã lựa chọn được những mẫu tranh đẹp, in nhân bản phát hành rộng rãi về cơ sở để cơ sở in sao tuyên truyền và thể hiện trên các cụm tuyên truyền cổ động của địa phương. “Để tạo cơ sở thuận lợi cho lực lượng họa sĩ ở cơ sở có điều kiện thuận lợi thực hiện công tác cổ động trực quan, Cục Văn hóa thông tin cơ sở xây dựng bản định mức tính vật liệu, nhân công thực hiện công tác cổ động trực quan trình Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành đã góp phần đánh giá đúng sức lao động của họ. Tạo điều kiện để lực lượng họa sĩ góp phần làm cho không khí cổ động trên phạm vi toàn quốc được tổ chức đồng thời điểm. Dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên phủ, dịp bầu cử Đại biểu Quốc hội, dịp kỷ niệm 30 tháng Tư, đi dọc đất nước đều rực rỡ tranh cổ động. Đây là cơ sở để Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở xây dựng quy hoạch hệ thống cổ động chính trị trên phạm vi toàn quốc”[3].

Trên thực tế, nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng các cụm cổ động trực quan ở những vị trí trung tâm tỉnh lỵ, thường xuyên thay đổi nội dung tuyên truyền phù hợp với định hướng tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị – kinh tế – văn hóa xã hội của Trung ương, ngành và địa phương. Các cụm cổ động, hệ thống bảng tường áp pích tuyên truyền cổ động được kẻ vẽ thể hiện mỹ thuật hoành tráng, tạo hình ảnh rực rỡ sinh động, hấp dẫn đạt được hiệu quả tuyên truyền thiết thực. Tính đến nay, cả nước đã có 61 đội Thông tin lưu động cấp tỉnh, 628 đội Thông tin cấp huyện và 30.681 đội văn nghệ quần chúng. Theo số liệu thống kê của các tỉnh/thành, trong năm 2016, trên cả nước có 4.052 cụm tranh cổ động trên 40 m2; có 16.199 cụm tranh cổ động dưới 40m2; có 51 cụm tranh cổ động ở các cửa khẩu biên giới; đã tổ chức 1002 cuộc triển lãm tranh cổ động, ảnh tuyên truyền; đã tổ chức cắt dán, chăng cheo 5.469 băng rôn, khẩu hiệu, phướn; 7.916 mẫu tranh cổ động; 1.008.824 tranh cổ động, 215.999 áp phích, ảnh đã được in, phát tới cơ sở[4]. Tuyên truyền cổ động trực quan giữ vai trò quan trọng để tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, có tác động tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của mỗi địa phương và khu vực. Trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan từ Trung ương đến cơ sở đã thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều hình thức tuyên truyền để truyền tải được các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đồng thời, công tác tuyên truyền cổ động trực quan có chức năng thông tin và giáo dục văn hoá ngoài nhà trường.

Một số bất cập:

Trong bối cảnh hiện nay, cả nước đang tiến hành thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta đang đứng trước thách thức về nhiều mặt, cả trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, từ bên trong cả từ bên ngoài. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan hiện nay cũng không nằm ngoài ngoại lệ đang đứng trước một số thách thức, đó là:

– Thiếu quỹ đất phục vụ tuyên truyền cổ động trực quan: Tuyên truyền cổ động trực quan cần có vị trí không gian, địa điểm có lợi thế về hiệu ứng tuyên truyền rộng rãi để tuyên truyền, nhưng hiện nay trong cơ chế thị trường với tốc độ đô thị hóa cao, nên nhiều địa phương chưa chú trọng ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các cụm cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ hoạt động chính trị này, thậm chí có các cụm cổ động đã bị mất dần do làm đường, cắm đất xây nhà, chung cư… dễ dẫn đến nhiều nơi không có các cụm cổ động lớn tương xứng với vị trí và tiềm năng kinh tế xã hội của địa phương.

– Tuyên truyền cổ động trực quan đang bị lấn lướt bởi các phương tiện truyền thông quảng cáo đa phương tiện: Chúng ta đều biết rằng tuyên truyền cổ động trực quan là phương tiện để chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, định hướng và cổ vũ hành động cho nhân dân thực hiện các mục tiêu chính trị kinh tế xã hội. Nhưng hiện nay, cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ, các phương tiện truyền thông quảng cáo đã xâm lấn và lấn lướt làm lu mờ tuyên truyền cổ động trực quan (các tấm biển quảng cáo cỡ lớn, các hình thức quảng cáo sản phẩm hàng hóa đa phương tiện lại bắt mắt đã làm lu mờ các cụm tranh cổ động, các bảng khẩu hiệu chiến lược…) ở nhiều nơi, nhiều địa phương.

– Tuyên truyền cổ động trực quan chưa thường xuyên liên tục: Công tác tuyên truyền cổ động trực quan còn mang tính kỳ cuộc, chưa thường xuyên liên tục, chủ yếu chú trọng tuyên truyền cổ động phục vụ vào dịp tổ chức các ngày lễ lớn hoặc các sự kiện của ngành và địa phương nên chưa công tác tuyên truyền cổ động trực quan bị gián đoạn, chưa thường xuyên, ảnh hưởng đến vai trò mang tính định hướng, dẫn dắt hoạt động liên tục.

Một số nơi chưa chú trọng thay mới nội dung tuyên truyền nên có những nội dung tuyên truyền đã hết thời hạn nhưng không được xóa, thay nội dung tuyên truyền mới gây phản cảm (ví dụ: có những nơi còn để khẩu hiệu mừng Đảng, mừng xuân, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ kinh tế xã hội đã hết thời hạn mà khẩu hiệu nội dung tuyên truyền không được thay thế, bổ sung kịp thời).

– Phương pháp tuyên truyền cổ động truyền thống có nguy cơ biến mất: Chúng ta đang bước vào cuộc cuộc mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các phương tiện hiện đại thể hiện như đồ họa vi tính, in kỹ thuật số, công nghệ 3D, Photoshop… tạo thuận lợi cho các họa sĩ sáng tác, thể hiện tranh cổ động, thể hiện mỹ thuật các cụm tuyên truyền cổ động trực quan, nhưng không loại trừ trường hợp do quá lệ thuộc vào các phương tiện hiện đại, các họa sĩ mất dần khả năng tư duy sáng tạo, thiếu tìm tòi thể nghiệm và đặc biệt những nghề vẽ tranh cổ động truyền thống cũng mất dần. Rất đáng tiếc, vô hình dung sẽ mất đi khả năng sáng tạo và bàn tay tài hoa, phương pháp thể hiện mỹ thuật độc đáo riêng biệt của các họa sĩ. Đây thật sự là điều vừa đáng “mừng” nhưng cũng rất “đáng lo” về nghề truyền thống trong tuyên truyền cổ động trực quan đang xa lạ, phôi pha và sẽ mất dần, không còn lại ký ức. Trên thực tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh khó khăn vẫn cần những phương pháp tuyên truyền cổ động truyền thống này vì chưa có điều kiện tiếp cận với các phương tiện, phương pháp thể hiện mỹ thuật công nghệ số hiện đại trong tuyên truyền cổ động trực quan.

3. Giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cổ động trực quan:

3.1. Về định hướng tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, giáo dục thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển văn hóa, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa và phát triển văn hóa. Đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và các chính sách về phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

3.2.  Chú trọng chỉ đạo hướng dẫn công tác tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở:

– Hướng dẫn cho cơ sở (các tỉnh/thành phố) tiến hành quy hoạch hệ thống cụm cổ động trực quan để dành quỹ đất xây dựng các cụm tuyên truyền cổ động trực quan ở các vị trí trung tâm có tác dụng tuyên truyền cao để phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của địa phương.

– Củng cố và kiện toàn đội ngũ làm công tác tuyên truyền cổ động từ Trung ưong đến cơ sở đảm bảo đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay.

3.3. Nâng cao trình độ chuyên môn trong sáng tác và thể hiện mỹ thuật tuyên truyền cổ động trực quan: nội dung tuyên truyền cổ động trực quan có tác động mạnh và hiệu ứng tuyên truyền rất lớn trong đời sống xã hội lại phụ thuộc vào cách trình bày, thể hiện mỹ thuật của họa sĩ. Do đó đòi hỏi cần có đội ngũ họa sĩ có tâm, có tầm, có tài, vừa biết sáng tác và thể hiện.

3.4. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về sáng tác và thể hiện nội dung tuyên truyền cổ động trực quan cho cán bộ văn hóa cơ sở, nòng cốt là lực lượng họa sĩ của các các Trung tâm văn hóa tỉnh, huyện, Phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện để xây dựng hạt nhân cho phong trào cơ sở.

3.5. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý cho cán bộ làm công tác tuyên truyền cổ động, có chế độ cho các họa sĩ để thu hút và nuôi dưỡng được những họa sĩ tài năng để họ sáng tác cống hiến phục vụ công tác tuyên truyền cổ động, đồng thời là hạt nhân để xây dựng, duy trì và củng cố hoạt động tuyên truyền cổ động ở cơ sở.

Ngày nay, nhờ ảnh hưởng của cách mạng khoa học và công nghệ đã xuất hiện các phương tiện truyền thông đại chúng được hiện đại hóa cùng với hệ thống thông tin mạng rộng khắp nên công tác thông tin cũng phát triển mạnh. Con người vì thế càng được tiếp cận và chịu tác động của cả thế giới khoa học công nghệ tiên tiến, song con người cũng bị chi phối, dễ lúng túng dao động trước sự bùng nổ thông tin đa chiều. Trước bối cảnh này, công tác tuyên truyền cổ động trực quan được tiếp thêm nhiều phương pháp hiện đại và kỹ năng mới, do đó cơ quan quản lý nhà nước cần phải có định hướng đúng đắn để giúp cho con người lựa chọn và tiếp nhận thông tin thuận lợi, từ đó có nhận thức và hành động đúng, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân tốt, có trách nhiệm với đất nước. Dù bất luận trong điều kiện và hoàn cảnh nào, công tác tuyên truyền cổ động trực quan vẫn mãi mãi là phương tiện, là công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng, là hoạt động có hiệu quả trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và trong sự nghiệp cách mạng của đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (Cục Văn hóa cơ sở) (2005), 60 năm công tác Văn hóa – Thông tin cơ sở, Hà Nội – 2005.
  2. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (Cục Văn hóa cơ sở) (2013), Tài liệu nghiệp vụ văn hóa cơ sở, Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội.
  3. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2014), Thông tư quy định hoạt động của đội tuyên truyền cấp tỉnh và cấp huyện (Thông tư số 20/2014/TT-BVHTTDL, ngày 09 tháng 12 năm 2014), Hà Nội .
  4. Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2016), Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện. (Thông tư số 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL, ngày 11 tháng 3 năm 2016), Hà Nội.
  5. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2016), Thông tư quy định về tổ chức, liên hoan văn nghệ quần chúng (Thông tư số 09/2016/TT-BVHTTDL, ngày 14 tháng 10 năm 2016), Hà Nội.
  6. 6. Quốc hội khóa XIV (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (2017), Tài liệu Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở – Hà Nội, tháng 7/2017.
  7. Hà Văn Tăng chủ biên (2004), Tài liệu Nghiệp vụ Văn hóa-Thông tin cơ sở), Bộ Văn hóa Thông tin (Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở), Hà Nội.

Hà Nội, Tháng 4 năm 2021

                                                                                                             TS. Trần Thị Tuyết Mai – Viện văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

[1]Hà Văn Tăng chủ biên (2004), Tài liệu Nghiệp vụ Văn hóa-Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa Thông tin (Cục Văn  hóa-Thông tin cơ sở), Hà Nội, tr.83.

[2]Ba Thông tư Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành gồm: Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2014), Thông tư quy định hoạt động của đội tuyên truyền cấp tỉnh và cấp huyện (Thông tư số 20/2014/TT-BVHTTDL, ngày 09 tháng 12 năm 2014), Hà Nội – Link: https://vanbanphapluat.co/thong-tu-20-2014-tt-bvhttdl-hoat-dong-doi-tuyen-truyen-luu-dong-cap-tinh-cap-huyen, truy cập lần cuối cùng ngày 28/6/2018; Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2016), Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện. (Thông tư số 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL, ngày 11 tháng 3 năm 2016), Hà Nội – Link: https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/thong-tu-46-2016-ttlt-btc-bvhttdl-che-do-quan-ly-dac-thu-doi-tuyen-truyen-luu-dong-308082.aspx, truy cập lần cuối cùng ngày 28/6/2018;  Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2016), Thông tư quy định về tổ chức, liên hoan văn nghệ quần chúng (Thông tư số 09/2016/TT-BVHTTDL, ngày 14 tháng 10 năm 2016), Hà Nội – Link: https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-09-2016-tt-bvhttdl-to-chuc-thi-lien-hoan-van-nghe-quan-chung-5018a.html, truy cập lần cuối cùng ngày 28/6/2018.

[3]Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (Cục Văn hóa cơ sở) (2005), 60 năm công tác Văn hóa – Thông tin cơ sở, Hà Nội – 2005, tr.163-164.

[4]Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở (2017) “Thực hiện chính sách xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực trạng và giải pháp” Bài Tham luận trong Tài liệu Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở – Quốc hội khóa XIV (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Hà Nội, tháng 7/2017.

Bài viết liên quan

Trao quyết định chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Trường Cán bộ quản lý VHTTDL

Ngày 27/3/2024, Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao quyết định chỉ định chức danh Bí thư Đảng bộ Trường Cán bộ quản lý VHTTDL, nhiệm kỳ 2020-2025 cho đồng chí Phạm Quế Anh – Ủy viên BCH Đảng bộ, Hiệu trưởng Nhà trường.

Xem thêm

Lễ Khai giảng Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Yoga năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 17/3/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Khai giảng Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Yoga năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh – Lớp 1 theo hình thức trực tuyến.

Xem thêm

Công tác điều tra, khảo sát Nghiên cứu đề tài KH&CN cấp bộ năm 2024 – 2025 tại tỉnh Quảng Ninh

Từ ngày 13 – 16/3/2024, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Đoàn khảo sát, điều tra thu thập thông tin về thực trạng nội dung và phương thức bồi dưỡng, nhu cầu về đổi mới nội dung và phương thức bồi dưỡng kiến thức văn hóa, thể thao, cũng như xây dựng sổ tay hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công chức cấp xã và cấp huyện hiện nay tại tỉnh Quảng Ninh, do TS. Phạm Quế Anh – Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn. Đoàn khảo sát còn có một số thành viên nghiên cứu.

Xem thêm

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và triển khai công tác nữ công năm 2024

Ngày 07/03/2024, tại Hòa Bình, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Chương trình chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và triển khai công tác nữ công năm 2024 và tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang công tác trong ngành VHTTDL tỉnh Hòa Bình.

Xem thêm

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý văn hoá, thể thao và du lịch

Chiều ngày 01/3/2024, tại trụ sở Bộ VHTTDL số 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm Hà Nội, Lãnh đạo Bộ đã tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý VHTTDL.

Xem thêm