Chung tay bảo vệ quyền trẻ em

11/03/2022 | 14:15

Bộ LĐ,TB&XH, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã cùng ký ban hành Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025; Các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Lễ ký kết Quy chế phối hợp liên ngành chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025 giữa 4 Bộ (LĐ,TB&XH, VHTTDL, GD&ĐT, Y tế)

Một loạt các biện pháp của các cơ quan có trách nhiệm, được triển khai từ ngay đầu năm 2022 đã cho thấy sự quyết tâm nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và cả ngăn chặn phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em ở nước ta.

Chưa được quan tâm đầy đủ

Ngày 22.2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em để nghe các Bộ, ngành hữu quan báo cáo, trao đổi, phân tích, làm rõ nguyên nhân cũng như xác định giải pháp khắc phục, phòng ngừa, giảm thiểu các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn chỉ ra, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em còn một số hạn chế. Đầu tiên là một số quy định của pháp luật về trẻ em, nhất là trong Luật Trẻ em và một số quy định pháp luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời. Cùng với đó, không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ, qua kiểm tra có địa phương tổ chức Trung Thu diễu hành rất lớn, tiêu tốn hàng tỉ đồng, nhưng cả năm không dành cho công tác quản lý nhà nước về trẻ em được 1 đồng, đến khi Bộ trưởng điện, địa phương đó mới vội cấp ngân sách. Qua tiếp nhận các cuộc gọi và kết nối Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 với địa phương, chỉ có 2 lực lượng ứng xử nhanh nhất, đó là ngành LĐ,TB&XH và Công an, trong khi đó, một bộ phận cán bộ chủ chốt địa phương lại rất ngại khi tiếp xúc trợ giúp…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc thời gian gần đây có nhiều vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình rất nghiêm trọng. Trong đó, người gây bạo lực lại chính là bố, mẹ, mẹ kế, cha dượng của trẻ. Đáng lên án là những hành vi bạo lực này được thực hiện dưới sự thờ ơ của cha, mẹ, ông bà và thậm chí là sự tiếp tay, dung túng của người cha. Gần đây nhất, tại Quảng Nam, người cha đã nhẫn tâm ném con gái 5 tuổi của mình xuống sông khiến bé thiệt mạng. Những vụ việc này, theo Thứ trưởng đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đang xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác PCBLGĐ, trong đó đặc biệt tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình với trẻ em. Bộ VHTTDL cũng đang xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, bên cạnh những hoạt động về truyền thông, tập huấn về PCBLGĐ, sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc BLGĐ; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng là trẻ em. Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia để đưa các quy định về PCBLGĐ với trẻ em trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích của trẻ em.

Nhiều giải pháp thiết thực

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 5.11.2012 của Bộ Chính trị “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Luật Trẻ em 2016, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu rõ, những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, những đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành liên quan sẽ được các cơ quan của Quốc hội tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực trẻ em; giám sát công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực trẻ em.

Trong Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ VHTTDL cũng đã nêu rất rõ sự phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ giữa Bộ VHTTDL với các Bộ, ngành để ngăn chặn, răn đe sớm các biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình từ sớm là vô cùng cần thiết. Theo đó, mỗi Bộ, ngành đều cần chủ động để có những phải pháp để ngăn chặn BLGĐ nói chung và bạo lực với trẻ em nói riêng. Mới đây, 4 Bộ (LĐ,TB&XH, VHTTDL, GD&ĐT, Y tế) đã ký ban hành Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025 với mục tiêu “Xác định rõ trách nhiệm và tăng cường năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai Đề án, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộcủa các Bộtrong việc phối hợp triển khai Đề án”.

Theo thông tin từ Bộ LĐ,TB&XH, năm 2022 Bộ này sẽ thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, làng SOS, cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng trẻ em và các tổ chức trên địa bàn cả nước. Tinh thần chung địa phương tự thanh tra, kiểm tra cơ sở và Thanh tra Bộ, Sở sẽ kiểm tra lại kết quả, hình thành báo cáo chung để trình Chính phủ, xây dựng một Nghị quyết liên quan tới vấn đề trẻ em.

Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian gần đây Bộ LĐ,TB&XH đã tích cực, chủ động hơn và đã có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, đặc biệt là các địa phương, 5 cơ quan được giao phối hợp thực hiện vấn đề này đã có Chương trình hoạt động cụ thể hơn. Tới đây, Bộ LĐ,TB&XH sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, để Chính phủ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đảm bảo công tác phối hợp được thực hiện hiệu quả, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. 

Theo baovanhoa.vn

http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/artmid/424/articleid/50536/chung-tay-bao-ve-quyen-tre-em

Bài viết liên quan

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023

Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 874/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xem thêm

Giáo dục con trẻ từ lời hát ru

“Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn… Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc…”.

Xem thêm

Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững của đất nước

Năm 2022, lĩnh vực Gia đình có rất nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo lĩnh vực này sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo ra nhiều “tế bào của xã hội” lành mạnh trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm

Nâng cao “quyền năng” kinh tế cho phụ nữ DTTS

Hơn 2.600 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số (DTTS) trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa thuộc 9 xã của huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam (AWEEV). Dự án không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Xem thêm

Truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Truyền thông vẫn được coi là giải pháp tập trung để chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông cần đa dạng hình thức, mở rộng đối tượng và ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả.

Xem thêm