Bồi dưỡng kiến thức chung về quản lý nhà nước đối với công chức văn hóa – xã hội

03/10/2014 | 1:35

Trong bộ máy Quản lý nhà nước về văn hóa – xã hội cấp cơ sở ở nước ta hiện nay có thể nhận thấy có hai bộ phận cơ bản: – Cấp xã – cấp gắn chặt với nông thôn (cả đồng bằng và miền núi); – Cấp phường, thị trấn – gắn chặt […]

Trong bộ máy Quản lý nhà nước về văn hóa – xã hội cấp cơ sở ở nước ta hiện nay có thể nhận thấy có hai bộ phận cơ bản: – Cấp xã – cấp gắn chặt với nông thôn (cả đồng bằng và miền núi); – Cấp phường, thị trấn – gắn chặt với khu vực đô thị (cả đồng bằng và miền núi)

Hoạt động Quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa – xã hội cấp cơ sở ở vùng nông thôn và đô thị vừa có những nét tương đồng vừa có những nét khác biệt. Cả hai nhóm đối tượng và nội dung hoạt động quản lý nhà nước trên hai địa bàn hiện nay ở nước ta đang nằm trong quá trình vận động và chịu tác động của xu thế “đô thị hóa” và “xây dựng nông thôn mới”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, câu hỏi đặt ra là: Cần phải làm gì và làm như thế nào để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở nói chung và cấp phường, thị trấn nói riêng có chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đề ra. Câu trả lời cơ bản là phải tiến hành tuyển dụng, quy hoạch và bồi dưỡng kiến thức lý luận, kỹ năng quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cấp cơ sở nói chung và phường, thị trấn nói riêng. Một trong những “công đoạn” quan trọng để tiến hành bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa cấp phường, thị trấn là phải xây dựng bộ Tài liệu bồi dưỡng cập nhật đáp ứng nhu cầu phát triển chung của đất nước và của lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và cập nhật thông tin về quản lý nhà nước, tổ chức các hoạt động về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho công chức văn hóa – xã hội cấp cơ sở nói chung và phường, thị trấn nói riêng không chỉ là nhu cầu thường xuyên đặt ra mà còn gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn của Ngành và từng địa phương. Việc biên soạn chương trình bồi dưỡng chuyên môn, quản lý nhà nước phần văn hóa dùng cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn trong tình hình hiện nay là rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đối với công tác cán bộ, công chức và với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trang bị kiến thức gì cho đội ngũ cán bộ văn hóa – xã hội phường, thị trấn là vấn đề đặt ra. Từ thực tiễn của Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch, từ những hoạt động phối hợp của Nhà trường với Bộ Nội vụ, chúng tôi thấy nói lên 2 mảng kiến thức sau;

–  Nhóm Kiến thức chung: gồm những vấn đề lý luận, quan điểm mới, thiết thực, được chọn lọc và phù hợp với thời gian các khóa bồi dưỡng tạo nền tảng cho việc triển khai những nhiệm vụ cụ thể có chất lượng của công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn.

– Nhóm Kiến thức về kỹ năng tác nghiệp: gồm phần kiến thức được trình bày theo các “kỹ năng”, cầm tay chỉ việc với các quy trình hoạt động, điều hành hoặc đưa ra những nguyên tắc chung về kỹ năng để từng địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn có sự vận dụng, bổ sung trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

Nhu cầu thực tiễn chỉ ra rằng, trong hai mảng kiến thức đó thì cần giành nhiều thời lượng hơn cho phần kỹ năng, phần kiến thức chung chiếm tỷ lệ vừa phải trong tổng số các chuyên đề bồi dưỡng.

Bài này bàn về mảng “Kiến thức chung” cần trang bị cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn hiện nay. Từ quan sát bước đầu chúng tôi cho rằng đối với mảng Kiến thức chung bồi dưỡng cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn hiện nay cần quan tâm các vấn đề sau:

– Một, tỷ lệ số lượng các chuyên đề Kiến thức chung chiếm bao nhiêu phần trăm (%) trong số các chuyên đề bồi dưỡng?

– Hai, những kiến thức nào cần được trang bị về quản lý nhà nước và phù hợp với đối tượng công chức văn hóa – xã hội trên địa bàn phường, thị trấn?

Trong Tài liệu bồi dưỡng, phần “kiến thức chung” có thời lượng không nhiều. Do vậy cần cân nhắc những vấn đề kiến thức chung sao cho thật thiết thực, giúp cho đội ngũ công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn có cái nền cơ bản, cần thiết hỗ trợ trong nhận thức để triển khai các phần kỹ năng tác nghiệp một cách có ý thức và hiệu quả.

Từ kết quả khảo sát và qua ý kiến của cán bộ trong và ngoài trường trên cơ sở mục đích, thời gian cho phép, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:

  1. Nhóm kiến thức Quản lý nhà nước về Văn hóa, Gia đình, Thể thao và Du lịch

Vì sao cần phải trang bị nhóm kiến thức này cho đối tượng công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn trong tình hình hiện nay? Dù cấp xã (ở đồng bằng, miền núi, trung du và vùng dân tộc, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa…) hay phường, thị trấn (ở khu vực thị trấn, thị tứ, thành phố…) thì đây là nhóm kiến thức rất cần thiết, cơ bản, luôn luôn phải được cập nhật. Tên nhóm vấn đề là “Quản lý nhà nước về Văn hóa, Gia đình, Thể thao và Du lịch” nhưng các thông tin, chủ trương mới phải luôn luôn được cập nhật và cần liên hệ, làm rõ tính đặc thù của phường, thị trấn khác với cấp xã ở vùng nông thôn thế nào. Có như vậy mới giúp cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn cái “phông” cơ bản để triển khai có hiệu quả những kỹ năng tác nghiệp cơ bản trong thực thi nhiệm vụ của mình.

Nhóm kiến thức này cần hướng tới các nội dung cơ bản: Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Đây là những nội dung luôn luôn được cập nhật những thông tin mới qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc hoặc cụ thể hóa từ các Chiến lược phát triển các lĩnh vực của Ngành; hoặc của văn bản Hiến pháp mới, các văn bản mới của Chính phủ, Bộ ban hành. Nội dung Quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cần đề cập đến những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực Văn hóa, Gia đình, Thể thao và Du lịch của Ngành. Công tác tham mưu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn là nội dung quan trọng cần định hướng đúng để các chuyên đề kỹ năng làm căn cứ để triển khai. Kiến thức này xác định vị trí quan trọng của công tác tham mưu ở tầm lý luận làm nền tảng để công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn thấy được mình cần phải được trang bị và cần phải vươn lên như thế nào để đáp ứng được yêu cầu cơ bản, quan trọng này.

  1. Nhóm kiến thứcxây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn phường, thị trấn

Vì sao cần phải trang bị nhóm kiến thức chung này đối với công chức văn hóa-xã hội phường, thị trấn? Đây là nội dung quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa mới hiện nay. Nhưng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo tiêu chí được ban hành trên địa bàn phường, thị trấn có đặc thù khác với vùng nông thôn trên địa bàn xã do đặc điểm về dân cư, loại hình cư trú, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, lối sống đô thị (hoặc đang vận hành theo lối sống đô thị). Nhóm kiến thức này cần chú trọng đến các nội dung:

– Về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Hệ thống lại và bổ sung các nội dung, chủ trương về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở làm nền tảng cho việc quản lý, tham mưu và tổ chức các hoạt động văn hóa ở địa bàn phường, thị trấn.

– Nội dung cơ bản về xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn phường, thị trấn: Nhóm kiến thức này cần chỉ ra những mục đích, yêu cầu, nội dung và tính đặc thù cần quan tâm, lưu ý của việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn, phường, thị trấn khác với vùng nông thôn, cấp xã thế nào.

  1. Nhóm kiến thứcvăn hóa, văn minh đô thị và công tác quản lývăn hóa trên địa bàn phường, thị trấn

Vì sao trong nhóm kiến thức chung lại có bài này? Vì khi nói đến địa bàn phường, thị trấn, đến đời sống văn hóa, đến quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong phát triển hiện nay công chức văn hóa-xã hội phường, thị trấn không thể không có kiến thức sơ đẳng về văn hóa, văn minh đô thị. Nhóm kiến thức này giúp cho công chức văn hóa-xã hội phường, thị trấn biết được mình đang làm việc ở đâu, làm việc với ai, phục vụ ai…để có phương án tham mưu, quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch có hiệu quả. Nhóm kiến thức này cần hướng tới nội dung cơ bản sau:

– Đô thị và văn hóa, văn minh đô thị: Địa bàn phường thị trấn ở nước ta hiện nay là minh chứng cho quá trình đô thị hóa. Văn hóa, văn minh đô thị đang hình thành đồng thời với quá trình chuyển đổi lối sống, hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch theo hướng đô thị. Đây là kiến thức không thể thiếu để công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn thấy được tính đặc thù của địa bàn, của nhu cầu và thực trạng chuyển đổi lối sống của dân cư trong công tác quản lý, tham mưu và tổ chức các hoạt động sao cho phù hợp.

– Giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế: So với vùng nông thôn, địa bàn xã thì địa bàn phường, thị trấn diễn ra sự giao lưu văn hóa và cơ hội để hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn. Địa bàn công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn hoạt động đang từng ngày, từng giờ diễn ra những sự giao thoa của các giá trị văn hóa truyền thống với các giá trị văn hóa mới, với văn hóa và văn minh công nghiệp tác động từ bên ngoài. Do vậy việc trang bị kiến thức về vấn đề này cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn là đặc trưng cần thiết để họ có thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

– Tác động của đô thị hóa đến công tác quản lý văn hóa: Nội dung này trực tiếp gợi mở những kiến thức, những nhận thức cần thiết về sự tác động đa dạng, đa chiều của xu thế đô thị hóa, của lối sống đô thị… đến hoạt động quản lý, tham mưu và tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên địa bàn phường, thị trấn. Đây là vấn đề mới, không dễ nhận diện nên rất cần trang bị để công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn thực thi tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

  1. Nhóm kiến thứcdân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn phường, thị trấn.

Vì sao cần phải trang bị nhóm kiến thức này cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn? Thực tiễn khảo sát tại các địa phương cho thấy không ít các phường, thị trấn trong quá trình quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn khá lúng túng khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến các công trình kiến trúc và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của dân cư, các lễ hội gắn với tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng là vấn đề nổi lên cần được trang bị cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn bên cạnh nhiều vấn đề khác. Nhóm kiến thức này cần tập trung vào các vấn đề chính sau:

 Vấn đề dân tộc: Đây là đặc điểm phổ cập ở không ít các phường, thị trấn nhất là các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng sông Cửu Long. Mối quan hệ dân tộc, văn hóa dân tộc (nhiều điểm phường, thị trấn đồng thời gắn với các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng) trên địa bàn đã tạo nên những lúng túng không nhỏ cho công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn trong hoạt động thực tiễn. Những kiến thức cơ bản về vấn đề này là rất cần thiết giúp công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn tự tin, thực thị hiệu quả nhiệm vụ.

Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng: Không ít địa bàn phường, thị trấn có những cơ sở tôn giáo, việc này tạo ra những lúng túng trong quá trình quản lý, tham mưu, tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch với công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn. Kiến thức cơ bản về vấn đề này là cơ sở không thể thiếu giúp công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn khắc phục những lúng túng trong công tác trên địa bàn. Từ các vấn đề trên, việc vận dụng các kiến thức về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng vào quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên địa bàn phường, thị trấn là vấn đề thực tiễn đặt ra.

Kiến thức chung đối với công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn thì có nhiều và cần nhiều. Song trong khuôn khổ thời gian có hạn, sự cân đối giữa kiến thức chung và kỹ năng nên 4 nhóm kiến thức trên đây là có sự chọn lọc bước đầu. Đồng thời với việc giới thiệu các nhóm kiến thức chung thì việc gợi ý, thảo luận làm sao để vận dụng các nhóm kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn đối với công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn là một yêu cầu đặt ra trong biên soạn và giảng dạy. Nếu chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà thiếu đi phần thảo luận, trao đổi và phương pháp vận dụng như thế nào vào công tác thì sẽ hạn chế không nhỏ đến mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng đặt ra.

Tóm lại, trang bị những “kiến thức chung” gì cho đội ngũ công chức văn hóa – xã hội phường, thị trấn trong các khóa bồi dưỡng ngắn hạn trên phạm vi cả nước hiện nay là việc phải thấy được tính đặc thù của địa bàn, đặc thù của công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở phường, thị trấn có gì khác với địa bàn xã, vùng nông thôn. Các nhóm vấn đề trên đây được chắt lọc từ quan điểm đó và từ thực tiễn khảo sát, trao đổi với cán bộ trong ngành, các nhà quản lý địa phương từ cấp Sở đến phường, thị trấn, chúng tôi tiến hành trong thời gian vừa qua. Từ những góc nhìn khác nhau chắc chắn sẽ có những ý kiến phong phú. Song dù thế nào chăng nữa thì các chương trình, nội dung bồi dưỡng đều có những mục tiêu cụ thể đặt ra. Việc bám sát mục tiêu để thiết kế chương trình, nội dung đào tạo là nguyên tắc để các khóa bồi dưỡng không đi chệnh hướng./.

L.N.T

 

Bài viết liên quan

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng trong việc định hướng, xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Xem thêm

Tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số 

Văn hóa là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước hào hùng, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh dân tộc Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Đóng góp một phần không nhỏ trong đó là những thành tựu do đồng bào các dân tộc thiểu số góp sức. Chính vì vậy những năm qua Lai Châu luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tôn vinh cũng như phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Xem thêm

Xây dựng bản văn hóa gắn với quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch

Đó là cách làm không mới nhưng đã thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, đồng thời hình thành nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giầu bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch đến khám phá trải nghiệm mà Lai Châu đã làm được trong thời gian qua.

Xem thêm

Sức mạnh mềm văn hóa góp phần nâng cao vị thế đất nước

Phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Chắc chắn những giá trị vốn có ấy của dân tộc sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Xem thêm

Gắn kết di sản văn hóa với kinh tế du lịch

Một trong những giải pháp mà Lai Châu đã triển khai thực hiện hiệu quả trong việc bảo tồn di sản văn hóa chính là gắn kết di sản với phát triển kinh tế du lịch và khai thác bền vững các giá trị di sản bằng cách dựa vào cộng đồng. Bởi trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chúng ta phải biết cách biến di sản thành tài sản, biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường.

Xem thêm