Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch

30/06/2021 | 11:10

Sáng 29/6, tại Bộ VHTTDL và 63 điểm cầu truyền hình trên cả nước đã diễn ra Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện 7 nhiệm vụ lớn

Tóm tắt dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho hay, dự thảo đưa ra 5 mục tiêu, trong đó có xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong 5 năm 2021 – 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch - Ảnh 1.Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Minh Khánh

Cùng với đó, dự thảo đề ra 7 nhiệm vụ do Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện gồm: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững và Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ mà Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã điểm một số nội dung nổi bật của ngành du lịch thời gian qua và đặt vấn đề xây dựng chương trình hành động lần này phải đưa ra những giải pháp sau khi đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và thứ hai là phải cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đã có một thời gian chúng ta tập trung đón khách quốc tế nhưng khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì thị trường nội địa với gần 100 triệu dân sẽ như thế nào? “Phải chăng sắp tới chương trình du lịch phải hướng tới thị trường cân bằng, bền vững giữa du lịch nội địa và đón khách quốc tế. Quá trình đó không đặt trọng tâm vào tỉ lệ lượt khách mà tính về khả năng chi tiêu của du khách, đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế”- Bộ trưởng gợi ý.

Chương trình hành động cũng sẽ phải tính toán lại toàn bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa vào du lịch. Trách nhiệm của ngành du lịch là hình thành bộ dữ liệu đủ lớn trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, liên kết… tạo ra sản phẩm số hóa trong ngành du lịch.

Một vấn đề nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phải luôn luôn đổi mới sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch quyết định chất lượng du lịch nên kế hoạch phấn đấu mỗi tỉnh, thành phải có được một sản phẩm du lịch đặc sắc. “Bộ NN&PTNT có chương trình mỗi xã, phường có một sản phẩm (OCOP) thì du lịch mỗi tỉnh, thành có một sản phẩm du lịch đặc sắc, từ đó sẽ có một mạng lưới, hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc sắc”- Người đứng đầu ngành VHTTDL trăn trở.

Về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, Bộ trưởng cho rằng phải thực hiện tốt phương châm làm tốt công tác quy hoạch từ đó kêu gọi đầu tư. Những gì doanh nghiệp làm tốt thì để doanh nghiệp làm và nhà nước giữ vai trò quản lý…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch - Ảnh 2.Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Khánh

Tập trung xúc tiến thị trường nội địa

Tại hội nghị này, một số địa phương đã nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch trong đại dịch COVID-19 và đề xuất những giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi, khôi phục lại ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Khẳng định dự thảo đưa ra lần này là việc làm rất cần thiết, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng, sau một thời gian du lịch phát triển rất mạnh thì năm 2020 tới nay, đại dịch COVID-19 hoành hành gây ảnh hưởng lớn tới ngành. Đây chính là cơ hội để nhìn lại và phân tích xem dịch bệnh sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các năm tiếp theo, trong điều kiện dịch bệnh còn phát sinh thì du lịch sẽ phát triển như thế nào.

Nhất trí cao với dự thảo đưa ra, ông Phạm Ngọc Thủy đề nghị Bộ cần đánh giá sâu hơn nữa về ảnh hưởng của COVID-19 với du lịch trong giai đoạn sắp tới 2021-2025 và 2025-2030 để đưa ra những mục tiêu phù hợp.

Ông Phạm Ngọc Thủy cũng nêu ý kiến, cần cụ thể hóa những quy định trong Luật Du lịch như những ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch để doanh nghiệp được hưởng. Hay chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã quy định nhưng chưa triển khai thực hiện như chính sách điều chỉnh giá điện, tiền thuê đất cho các cơ sở lưu trú du lịch; chính sách phát triển du lịch cộng đồng…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch - Ảnh 3.Tập trung xúc tiến thị trường nội địa. Ảnh minh họa: Minh Khánh

Ngoài ra, đại diện du lịch tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, cần đánh giá đồng bộ hoạt động các liên kết vùng trong phát triển du lịch bởi một số liên kết chưa phát huy hiệu quả. “Những sản phẩm đặc sắc của liên vùng sẽ tạo ra hiệu quả cao ví dụ như liên kết: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Ninh Bình – Thanh Hóa”- Ông Phạm Ngọc Thủy nói.

Về du lịch kinh tế đêm, ông Phạm Ngọc Thủy cho hay, việc này Thủ tướng đã có văn bản cho phép triển khai thí điểm nhưng Bộ cần có định hướng cụ thể để triển khai từ thay đổi nhận thức tới quy hoạch phát triển bền vững chứ không phải là việc xây dựng 1-2 tuyến phố hoạt động được vài năm rồi bỏ đi. Do vậy, từ phía Bộ cần triển khai bài bản để thực hiện xuyên suốt, bền vững.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa đề nghị Bộ VHTTDL tổ chức một số hội nghị mang tính chuyên ngành, chuyên đề của các tỉnh trong vùng du lịch trọng điểm để các địa phương thống nhất đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung, phân công, phân nhiệm đầu tư để có sự liên kết, hoàn thiện sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch.

Trong khi đó, đánh giá cao tính khả thi của dự thảo này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: “trong chương trình hành động đã đưa ra kế hoạch khá chi tiết với cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ, cùng với đó là 7 nhiệm vụ trọng tâm và 17 nhiệm vụ cụ thể. Nếu triển khai đầy đủ thành công các nhiệm vụ tôi tin chắc rằng, du lịch của chúng ta sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng của du lịch trước đây và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình đã nêu cụ thể về các vấn đề xúc tiến du lịch trong bối cảnh tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh vai trò nền tảng của du lịch nội địa và những việc cần làm để phát triển du lịch nội địa. Phát triển du lịch nội địa, đầu tư nghiên cứu bài bản các sản phẩm thu hút khách du lịch nội địa, xúc tiến du lịch nội địa… là bài toán cần được đặt ra hiện tại bởi lúc nào chúng ta cũng có 80-90 triệu khách trong nước.

Với thị trường quốc tế, trong bối cảnh tình hình mới, khi dịch bệnh được khắc phục thì cần chọn thị trường nhiều khách có chi trả cao, áp dụng công nghệ số tiếp cận quảng bá với các thị trường xa. Đồng thời, ông Vũ Thế Bình cũng nêu phương thức đón và phục vụ khách quốc tế trong bối cảnh bình thường mới cũng phải theo một quy trình hoàn toàn mới so với trước đây và tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Về kích cầu du lịch, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm là phải hiểu theo cách làm mới: vừa giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ vừa bổ sung dịch vụ mới hấp dẫn, dịch vụ trọn gói, quà tặng đa dạng, kết hợp các nhà cung cấp dịch vụ với nhau…

Kết thúc hội nghị, thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, các ý kiến góp ý đã tập trung và thống nhất quan điểm về việc chọn lựa các sản phẩm du lịch đặc sắc; đề xuất các chính sách quản lý và phát triển du lịch trong đó có chính sách đặc thù cho du lịch biển đảo, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; tập trung phát triển thị trường nội địa, liên vùng, liên ngành, các đề xuất phát triển thị trường quốc tế bằng các chương trình thí điểm; đa dạng hóa cách thức quảng bá; phối hợp với các bộ ban ngành có chính sách thực tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-10… Đây cũng là cơ sở để cơ quan tham mưu hoàn thiện dự thảo trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ký ban hành và triển khai thực hiện chương trình./.

Nguồn: bvhttdl.gov.vn

https://bvhttdl.gov.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-can-co-cau-tinh-toan-can-bang-lai-thi-truong-du-lich-20210629164434187.htm

Bài viết liên quan

Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Vào hồi 17h40 ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Xem thêm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Du lịch là cầu nối gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hoá, tài nguyên văn hoá được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.

Xem thêm

Đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa

Chiều 16/4, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 đã chính thức bế mạc sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 13/4-16/4/2023) với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

Xem thêm

Đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa

Với chủ đề “Du lịch Văn hóa”, Ban tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2023 kỳ vọng sự kiện sẽ góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đồng thời đưa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới.

Xem thêm

Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023: Không chỉ phát triển du lịch đơn thuần mà xa hơn là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững

Tối 25/3, Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận-Hội tụ xanh” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc.

Xem thêm